Kinh nghiệm giao dịch với doanh nghiệp Chile

17/12/2008 16:05 GMT+7

(TNO) Chile được xem là nước có nền kinh tế tăng trưởng bền vững ở khu vực Mỹ Latin. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Chile được chính thức mở ra kể từ Hiệp định hợp tác Kinh tế - Thương mại tháng 11.1993. Trao đổi thương mại giữa hai nước những năm gần đây không ngừng gia tăng.

Việt Nam xuất khẩu sang Chile chủ yếu là giày dép, dệt may, than, hàng điện tử, gạo, đồ gỗ, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Chile có thể kể: bột giấy, gỗ, bột cá, đồng, nho tươi, rượu vang.

Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thuận lợi hơn trong giao dịch với các đối tác Chile nói riêng và các nước Nam Mỹ nói chung, trên website của Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Chile đã cung cấp một số kinh nghiệm trong thực tế hoạt động kinh doanh tại thị trường này, TNO tóm lược lại như sau: 

- Người ký tên giao dịch lần đầu: DN Chile rất chú ý đối tác ký tên giao dịch là ai khi thiết lập mối quan hệ lần đầu. Vì vậy, trong văn bản giao dịch lần đầu, người ký tên phía Việt Nam nên là lãnh đạo DN, và gửi cho chủ tịch hội đồng quản trị/tổng giám đốc/giám đốc DN Chile. Trong thư giao dịch, lãnh đạo DN Việt Nam cũng nên thông báo với đối tác về việc sau này sẽ ủy quyền cho trưởng phòng/phó phòng hoặc nhân viên khác của mình giao dịch với họ, để họ cử cấp giao dịch tương đương.

Trong thực tế thời gian qua, khi các DN Chile giao dịch với các DN của Việt Nam, hầu hết các thư điện tử đều ghi tên người đứng đầu DN (tổng giám đốc, iám đốc, hoặc chủ DN). Trong khi đó, rất ít email giao dịch của DN Việt Nam ghi tên lãnh đạo DN, hầu hết là do nhân viên gửi trực tiếp cho tổng giám đốc, giám đốc DN Chile. Thông thường các giao dịch như vậy, DN Chile ít chú ý hoặc không trả lời, vì cho rằng đối tác chưa thực sự quan tâm đến họ hoặc không tôn trọng họ.

- Hình thức giao dịch lần đầu: Các DN Chile rất chú trọng đến chữ ký và con dấu trong thư giao dịch. Các đối tác lần đầu thiết lập mối quan hệ bằng email sẽ ít được chú ý so với hình thức gửi bằng thư thông thường, hoặc gửi qua fax. Việc giao dịch bằng email chỉ nên thực hiện trên cơ sở đã xác lập được mối quan hệ với họ, thông thường nên từ lần giao dịch từ thứ hai trở đi.

- Giao dịch trực tiếp với DN Chile: khi được Thương vụ giới thiệu hoặc đã có địa chỉ của DN Chile, lãnh đạo DN Việt Nam nên chỉ đạo nhân viên thảo thư hoặc email, sau đó duyệt nội dung để gửi trực tiếp cho đối tác Chile theo phân cấp. Thông thường các DN Chile rất thích các đối tác giao dịch trực tiếp với họ, không muốn nhờ bên thứ ba hỏi hộ những vấn đề mà hai bên có thể tự liên hệ được với nhau.

- Website của DN: DN Chile rất chú ý đến website của các đối tác, họ muốn xem hàng hóa qua ảnh trước khi giao dịch chính thức với DN. Trong thời gian qua, một số DN của ta khi gửi email cho các DN Chile chỉ giới thiệu chung chung. Nhưng theo các DN Chile, DN không có trang web không phải là DN có uy tín, hoặc chỉ là DN môi giới. Các DN như vậy sẽ ít có cơ hội kinh doanh thành công tại thị trường Chile.

- Mẫu hàng: Với những hàng hóa thông dụng, doanh nghiệp Chile và Nam Mỹ đặc biệt quan tâm đến mẫu hàng. Những đối tác sau khi chào giá, gửi cho họ mẫu hàng, khả năng giao dịch thành công sẽ cao hơn so với việc không gửi mẫu.

K.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.