Vĩnh biệt nhạc sĩ của “Nỗi buồn hoa phượng”

04/04/2012 19:49 GMT+7

(TNO) Nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của bài hát Nỗi buồn hoa phượng và nhiều ca khúc lừng danh của dòng nhạc bolero đã trút hơi thở cuối cùng do tuổi già sức yếu, vào lúc 14 giờ 30 ngày 4.4 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), hưởng thọ 74 tuổi.

(TNO) Nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của bài hát Nỗi buồn hoa phượng và nhiều ca khúc lừng danh của dòng nhạc bolero đã trút hơi thở cuối cùng do tuổi già sức yếu, vào lúc 14 giờ 30 ngày 4.4 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), hưởng thọ 74 tuổi.

Nhạc sĩ Tiến Luân, bạn thân của nhạc sĩ Thanh Sơn và gia đình, cho biết thông tin trên.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1.5.1938, tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong gia đình có 12 anh chị em.

Ông là tác giả của nhiều ca khúc bolero nổi tiếng như: Nỗi buồn hoa phượng, Nhật ký đời tôi, Lưu bút ngày xanh, Hình bóng quê nhà, Thương về cố đô, Hương tóc mạ non, Hành trình trên đất phù sa


Nhạc sĩ Thanh Sơn đã vĩnh biệt cuộc đời ngày 4.4.2012 - Ảnh: Tư liệu 

Vốn có tình yêu ca hát từ nhỏ, nhạc sĩ Thanh Sơn học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu).

 

Nghe một số bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn:

 Nỗi buồn hoa phượng
 Nhật ký đời tôi
 Lưu bút ngày xanh
 Hình bóng quê nhà
 Thương về cố đô
 Hương tóc mạ non
 Hành trình trên đất phù sa

Đến năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất. Sau khi đoạt giải, nhạc sĩ Thanh Sơn khởi nghiệp con đường ca hát của mình trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng.

Đến năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác.

Những ca khúc trong thời kỳ đầu sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn (trước năm 1975) thường nói về tình cảm của tuổi học trò. Trong đó, những ai từng qua một thời cắp sách đến trường không thể không biết đến lời ca:

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...” (Nỗi buồn hoa phượng).

Hay giai điệu đầy hoài niệm trong ca khúc Lưu bút ngày xanh: "Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi/Nhắc lại câu chuyện buồn/Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu/Nơi kỷ niệm êm ái...”.

Các ca khúc về mùa hè của nhạc sĩ Thanh Sơn thường chứa chan nỗi buồn man mác của giây phút chia tay bạn bè, tình yêu tuổi học trò.

Ngoài ra, nhạc sĩ còn có nhiều tác phẩm trữ tình với chủ đề ca ngợi thiên nhiên, mà quen thuộc nhất là Mùa hoa anh đào: "Mùa xuân sang có hoa anh đào/Màu hoa tôi trót yêu từ lâu...".

Ông nổi tiếng với dòng nhạc bolero. Nhiều nhà lý luận âm nhạc nhận xét, trước năm 1975, nhạc Thanh Sơn chịu ảnh hưởng của nhạc vàng: chân thật, giản dị, ít trau chuốt.

Sau 1975, ông chuyển hướng sang nhạc quê hương, với "lời ca được chú trọng" (theo chính ông nhìn nhận). Một trong những bài hát nổi tiếng nhất phải kể đến là Hình bóng quê nhà.

Ca khúc của ông đậm chất Nam bộ, từ giai điệu đến ca từ.

Ngoài nhạc về miền Nam, nhạc sĩ Thanh Sơn còn viết một số bài ca ngợi các miền của đất nước như: Non nước hữu tình (miền Bắc), Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế (miền Trung), Quê hương 3 miền trong đó, đặc biệt nổi tiếng là Thương về cố đô.

Nhạc sĩ Thanh Sơn là một trong những nhạc sĩ năng nổ nhất của miền Nam với những bài nhạc ca ngợi quê hương trong suốt thời gian từ thập niên 1970 tới thập niên 1990. Ông đã làm nhiều lớp khán giả mê đắm với những tình khúc bolero mượt mà và ngọt ngào. 

Linh cửu của nhạc sĩ Thanh Sơn được quàn tại tư gia (số 100/40/14 đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Lễ viếng bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 5.4.

Lễ động quan lúc 6 giờ sáng 9.4.

Nhạc sĩ Thanh Sơn được an nghỉ tại nghĩa trang Bình Dương.

Nguyên Mi

>> Nỗi buồn mang tên “hoa phượng”
>> Hai đêm vinh danh “Nỗi buồn hoa phượng”
>> Chương trình Những ca khúc vượt thời gian tháng 6 với Đêm nhạc Thanh Sơn
>> Nhạc của ai ? Lời của ai ? - Bài 2: "Duyên tình" đến lúc ly hôn ?
>> Khoảnh khắc đẹp của Duyên dáng Việt Nam 23
>> Đêm nay, khai mạc "Duyên Dáng Việt Nam 23
>> Duyên dáng Việt Nam 23 - Sự trở lại của dòng nhạc boléro

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.