Xin vỗ tay!

01/04/2014 19:45 GMT+7

Chuyện vỗ tay coi thế mà rất phức tạp. Phức tạp vì nhiều khi, người không thích vỗ tay cũng buộc phải vỗ tay, nhiều khi chuyện cần vỗ tay lại không vỗ tay…


Vỗ tay không chỉ tán thưởng, khích lệ mà còn thể hiện phép lịch sự - Ảnh minh họa

Đầu tiên phải nói đến chuyện các cuộc lễ lạc, các cuộc hội nghị, khai trương, khánh thành… Lúc đó, có rất nhiều vị đại biểu quyền cao chức trọng, nhiều vị khả kính…chuyện vỗ tay cũng là đương nhiên. Có điều người ta thường hay lạm dụng dẫn đến phiền hà cho người dự khán, đôi lúc cũng sinh ra phiền hà với…đại biểu được giới thiệu.

Nói thế là vì, trong những cuộc đó, có rất nhiều đại biểu và đơn vị tổ chức thường là theo thói quen bất thành văn, đôi lúc cũng hiểu làm như thế cho nó…long trọng, vì thế họ lần lượt giới thiệu từng người với đầy đủ chức danh, sau mỗi người là một lần vỗ tay. Vì thế nhứng người đầu, tiếng vỗ tay còn đều đặn, đến những người sau tiếng vỗ tay thưa dần cho đến lúc chỉ còn lẹt đẹt rất khó nghe.

Nhiều lần xem truyền hình trực tiếp các lễ hội (như lễ hội pháo hoa Đà Nẵng chẳng hạn), phần khai mạc hết sức rề rà mất thời gian chỉ vì giới thiệu địa biểu để vỗ tay. Đất nước có hơn sáu chục tỉnh thành, phần nửa số đó có đại biểu tham dự, cộng với đại biểu cấp trên cho đến các bộ, ngành…cứ giới thiệu từng người thì không ai sức đâu mà vỗ tay cho hào hứng nổi!

Rất tiếc là người ta đã không giới thiều thành tứng nhóm đại biểu rồi vỗ tay một lần cho ra tấm ra món!

***

Trở lại chuyện xin vỗ tay.

Tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ tổ chức tại Nha Trang các đây vài năm, sau mỗi tiết mục, có một người nước ngoài trong đơn vị tổ chức sự kiện lại giơ lên một cái bảng có đề chữ Việt: “Xin vỗ tay!”

Vì sao cái bảng đó lại đề tiếng Việt mà không đề tiếng Anh mặc dù khán giả nước ngoài rất đông?

Không có cách hiểu nào khác ngoài việc đơn vị này được khuyến cáo là người Việt…lười vỗ tay cả chuyện đáng vỗ tay.

Hãy nhìn lại các cuộc biểu diễn nghệ thuật có bán vé (nói có bán vé để tách ra các cuộc biểu diễn cho học sinh, sinh viên ở trường hoặc tương tự), nhiều người rất lười vỗ tay sau các tiết mục, dù tiết mục đó hay. Hầu như họ chỉ vỗ tay cho thần tượng của họ.

Điều này đặc biệt thấy rõ hơn ở khán giả miền Trung.

Vỗ tay không chỉ tán thưởng, khích lệ mà còn thể hiện phép lịch sự.

Nhiều người phàn nàn rằng, sau mỗi tiết mục, họ vỗ tay thì người ngồi bên cạnh tỏ ra khó chịu, nhìn họ như thể từ hành tinh khác tới, họ bảo, đi thưởng thức nghệ thuật mà có khán giả bên cạnh như thế mất cả hứng!

Do chuyện vỗ tay không xuất phát từ thói quen bộc lộ cảm xúc hay ý thức thể hiện phép lịch sự nên các đơn vị tổ chức sự kiện bây giờ thuê cả người để vỗ tay. Điều đó không cần dẫn ra mọi người đều thế, nhất là nhiều chương trình trên truyền hình. Những người được trả tiền vì thế đã vỗ tay vô tội vạ. Người ta đang hát, đang diễn cũng vỗ tay, chạy lên sân khấu tặng hoa, chướng không thể tả.

Tôi không sính ngoại, nhưng cái gì người ta tốt thì mình phải học, Người nước ngoài có câu “phản hồi tích cực”, tức là tìm ra cái để khen thay vì chỉ tìm cái xấu để chê.

Người ta nói người Việt hay tiết kiệm lời khen vì nghĩ phải chê thì mình mới hơn người khác, vỗ tay đồng nghĩa với khen, có phải vì thế không mà người ta lười vỗ tay?

Trở lại cái bảng “Xin vỗ tay!”, tôi nghĩ, đó là một lời khuyên!

Trần Thế Phiệt*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân đang sống và làm việc tại Đà Nẵng

>> Tiếng vỗ tay
>> Vỗ tay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.