Tập trung tiêm xong vắc-xin sởi trong tháng 4

10/04/2014 18:10 GMT+7

(TNO) Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các tỉnh, thành cố gắng tiêm xong vắc-xin sởi cho trẻ trong diện tiêm chủng trong tháng 4.

(TNO) Để dập bệnh sởi chỉ có cách là tiêm chủng. Tiêm chủng hiện nay phải chạy đua với thời gian và dịch sởi. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo các tỉnh, thành cố gắng tiêm xong vắc-xin sởi cho trẻ trong diện tiêm chủng trong tháng 4.

 
Cục Y tế dự phòng khẳng định tiêm vắc-xin là cách duy nhất để dập dịch sởi - Ảnh: Nguyên Mi

Đó là ý kiến của Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về phòng chống các bệnh dịch, đặc biệt là bệnh sởi, vào chiều nay 10.4.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có 6.611 ca sởi và phát ban dạng sởi; 52% số mắc thuộc các tỉnh phía bắc. Đặc biệt, đã có 25 ca tử vong liên quan đến sởi.

Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có tổng cộng 815 ca mắc sởi (tăng gần gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2013 - chỉ 107 ca), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết, hiện diễn biến bệnh sởi phức tạp hơn, đã lây lan trong cộng đồng và cả trong bệnh viện. Một số trường hợp chuyển biến nặng do trẻ có sẵn bệnh nền mãn tính (như viêm xoang, suyễn, tim mạch,…).

“Sốt phát ban dạng sởi tiếp tục gây dịch và đang lây lan trên diện rộng. Đến nay, bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mặc dù TP.HCM đã triển khai tiêm bù vắc-xin sởi trong 5 tuần qua”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đánh giá.

Bác sĩ Dũng, cho biết, sau 5 tuần triển khai tiêm bổ sung vắc-xin ngừa sởi cho trẻ thì chỉ mới tiêm được khoảng 37%, với 37.000 liều (so dự kiến là 100.000). Trong đó, tiêm mũi một là 13.000 liều, mũi hai là 24.000 liều. “Tiến độ tiêm ngừa sởi vẫn chưa đạt yêu cầu”, ông Dũng thừa nhận.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh cách tốt nhất để phòng bệnh sởi là đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ.

Ngoài ra, ông Phu cho rằng: Sởi là bệnh có thể điều trị tại nhà. Đối với bệnh sởi, sợ nhất là biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng, tiêu chảy.Với những trường hợp sởi nhẹ trẻ nên điều trị ở nhà để tránh tập trung quá đông trẻ bệnh sởi, nằm viện cùng trẻ mắc các bệnh khác trong môi trường bệnh viện, dễ lây bệnh chéo, khiến trẻ nhiễm lồng ghép cùng lúc bệnh khác.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi

- Sốt, phát ban

- Kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân, đặc biệt là với trẻ có sẵn các bệnh nền mãn tính (suy dinh dưỡng, viêm xoang, hen suyễn,…) dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não.

Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

Phụ huynh cần cho trẻ nhập viện sớm khi xuất hiện các triệu chứng: sốt cao mà uống thuốc hạ sốt nhiều ngày vẫn không hết; ho, khó thở; tiêu chảy; trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc; trẻ nhỏ, có bệnh nền, bệnh mãn tính.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Nguyên Mi

>> Tiêm ngừa vắc xin không hiệu quả, bệnh sởi tiếp tục gia tăng
>> Vẫn chờ bệnh sởi 'hạ nhiệt
>> Bệnh sởi bùng phát cao nhất trong 3 năm qua
>> Sởi bùng phát, cúm rình rập >> Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM: Hậu quả của việc không tiêm vắc xin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.