Garcia Marquez ra đi, nỗi cô đơn ở lại

18/04/2014 17:00 GMT+7

(TNO) Gabriel Garcia Marquez đã ra đi ở tuổi 87. Nhiều người biết rằng trên thế giới mạng, rất nhiều lần có kẻ tung tin Marquez chết, chỉ để gây ra một cơn rúng động trong tim những người đọc. Nhưng hôm nay sẽ không còn cơn rúng động nào nữa, bởi trái tim Marquez đã ngừng đập!

(TNO) Gabriel Garcia Marquez đã ra đi ở tuổi 87. Nhiều người biết rằng trên thế giới mạng, rất nhiều lần có kẻ tung tin Marquez chết, chỉ để gây ra một cơn rúng động trong tim những người đọc. Nhưng hôm nay sẽ không còn cơn rúng động nào nữa, bởi trái tim Marquez đã ngừng đập!

>> Cuộc đời diệu kỳ' của Gabriel Garcia Marquez qua ảnh
>> Gabriel Garcia Marquez qua đời, trăm năm không còn cô đơn


Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez đứng bên ngoài ngôi nhà ông trong dịp sinh nhật lần thứ 87 tại thành phố Mexico City vào ngày 6.3.2014 - Ảnh: Reuters

Cũng kể từ đây, thế giới này sẽ không còn những thiên đường rạo rực sắc màu, yêu đương thơ ngây hay một khoảnh khắc lịm người vì nỗi cô đơn không gọi tên được.

Garcia Marquez đến với tôi bằng Trăm năm cô đơn, một quyển sách kỳ lạ với những cái tên người lặp đi lặp lại, Remedios người đẹp, Aureliano Segundo, Ursula, Arcadio, Joses Arcadio Buendia... Câu chuyện tiếp diễn trong ái tình, nỗi cô đơn, sự không trọn vẹn của các khao khát, chiến tranh, sự ra đi, quá khứ.

Cô gái xinh đẹp Remedios được tả thế này: “Hai mươi tuổi đầu rồi mà cô vẫn chưa học đọc học viết, vẫn chưa ngồi vào bàn ăn và tự dùng lấy thìa nĩa, vẫn cứ để truồng thỗn thện đi lại trong nhà, bởi vì bản thể con người cô không chịu được bất cứ hình thức lễ nghi nào”... (*) - Rồi từ lúc nàng bay về trời theo những chiếc chăn thô, đó là lúc ngôi làng Macondo phải đón nhận sự tiêu điều, tan vỡ.

Trong Trăm năm cô đơn, Garcia đã dành những dòng đẹp nhất để miêu tả nỗi cô đơn thống khổ của loài người, viết nên huyền thoại khiến người đọc chạm tay vào cái bản năng kỳ lạ sẵn có trong mỗi linh hồn sống.

Ông viết: “Ngài đại tá Aureliano Buendía hầu như mới chỉ hiểu được rằng cái bí mật của tuổi già bình yên không phải là cái gì khác mà chính là sự gắn bó sâu sắc với cái cô đơn” (*). Hay như khi tả về Aureliano là “cậu bé lặng lẽ và cô đơn. Cậu đã khóc trong bụng mẹ và lọt lòng với đôi mắt mở thao láo”.

Hoặc như lúc nói về vị yêu đương đắng nghét mà Aureliano dành cho Remediot: “Trong những cố gắng tuyệt vọng để tập trung tư tưởng, đã nhiều lần anh gọi tên cô bé nhưng Rêmêđiôt đã không đáp lời. Anh tìm cô bé ở hiệu may của các chị cô, trong các buổi đến chơi nhà cô, trong văn phòng cha cô, nhưng anh chỉ thấy cô trong hình ảnh thấm đậm nỗi cô đơn khủng khiếp của chính mình” (*) - để rồi Aureliano phải giải phóng chính ẩn ức của mình bằng một đêm mịt mù đi tìm đến Pila Tecnera.

Bằng một cách nào đó, càng đọc Trăm năm cô đơn, người ta càng thấy sự cô đơn hữu hình hơn, nó lén lút trong một mong mỏi thầm kín của một góa phụ, nó xấu hổ như cơn dậy thì của một cậu bé trẻ trung, nó câm lặng trong những buổi ngồi khắc cá vàng rồi lại nấu chảy cá vàng của ngài đại lá Aureliano Buendía, nó là nỗi cô đơn trong từng cá nhân độc giả, nhìn thấy mình ở giữa trang sách.

 

Sau Trăm năm cô đơn, dù ở bất kỳ truyện ngắn nào của Garcia tôi cũng thấy nỗi cô đơn lướt qua với một nỗi buồn hy hữu. Tại sao một nhà báo gần chín chục tuổi lại bỏ qua tất cả sự tủi hổ, đạo mạo của tuổi già để đi mua một đêm được ngủ với một thiếu nữ còn trinh nguyên? Rồi chỉ dám nằm cả đêm để ngắm nhìn nàng trong cơn say ngủ... bằng một tình yêu dần nhen nhóm trong cô đơn.

Garcia đã cố gắng diễn tả bằng được sự cô đơn của những con người này như một bản năng không thể nào cưỡng lại được. Ngay cả giữa cuộc truy hoan, ngay giữa một đại gia đình ồn ào và một thời đại rầm rộ khủng khiếp, từng con người của dòng họ cứ lui dần vào cái hốc tinh thần của họ, bí mật nuôi dưỡng nỗi cô đơn rồi để nó trùm phủ lên cuộc sống của mình. Nỗi cô đơn ấy là cội nguồn thiêu hủy tuổi xuân, là nơi bắt đầu của những bóng đen tội ác, và rồi cũng là lúc ngọn lửa đầu tiên của khao khát cái đẹp và hạnh phúc trỗi dậy.

Các nhân vật của Garcia không có ý trở thành người tốt, họ đơn giản là người, ý chí sắt đá mạnh mẽ, đi kèm với sự bảo thủ cứng đầu, một chiến binh hoàn hảo và một mục đích chiến đấu chỉ là cuộc vật lộn với nỗi cô đơn.

Cái nỗi cô đơn ấy là một bức màn phủ trong dòng họ Buendía, nhưng nó là nỗi cô đơn của bất kỳ con người nào trong đời này. Người ta thấy mình rụng vỡ vì nước mắt, câm nín trong đau thương rồi vùi mình vào sự yên lặng không buồn cất lời. Bởi vì đau thương trong cô đơn, bởi những bản năng không cưỡng lại được, con người đi tìm lấy nhau trong tình yêu, dù có khi ngay cả tình yêu cũng có thể là mồi lửa cuối cùng thiêu hủy tất cả hy vọng sống còn, theo cách mà các nhân vật của Garcia đã yêu và đã chết.

Sau Trăm năm cô đơn, dù ở bất kỳ truyện ngắn nào của Garcia tôi cũng thấy nỗi cô đơn lướt qua với một nỗi buồn hy hữu. Tại sao một nhà báo gần chín chục tuổi lại bỏ qua tất cả sự tủi hổ, đạo mạo của tuổi già để đi mua một đêm được ngủ với một thiếu nữ còn trinh nguyên? Rồi chỉ dám nằm cả đêm để ngắm nhìn nàng trong cơn say ngủ... bằng một tình yêu dần nhen nhóm trong cô đơn.

Kỳ lạ hơn, nỗi cô đơn ấy được phủ lên bởi chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.Và Garcia trở thành người thành công nhất trong việc truyền bá chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn chương. Thế giới tác phẩm của Garcia rúng động vì màu sắc, có khi lung linh và xa lạ một cách diệu vợi, có khi tủn mủn, li ti như những hạt bụi vàng trong một đêm lễ hội náo động.

Garcia từng nói ông muốn đem cả Mỹ Latin vào những câu viết của mình. Có vài đoạn, trong nhiều tác phẩm khác nhau, người ta có thể thấy sự sôi nổi và trẻ trung của vùng biển Caribbean trong ánh trời xanh, trang trại chuối và những đôi mắt bợt bạt nắng vàng.

“Những người bất hạnh nhất của cả vùng biển Ca-ri-bê đến đây để mong được chữa bệnh: một người đàn bà bị bệnh tim ngay từ thời ấu thơ lúc nào cũng đếm nhịp tim mình và bà ta đã đếm được rất nhiều, tới mức không còn đủ con số cho bà ta đếm; một bác nông dân Ha-mai-ca không tài nào ngủ được vì tiếng động của các vì sao cứ làm bác khó chịu; một kẻ mộng du ban đêm cứ đi lại ồn ào không cho ai ngủ và rất nhiều những người bị bệnh khác…”. (1)

“Trong khi ông nói, những người phụ tá ném lên trời những nắm gà mái bằng giấy, và những con vật giả đó như sống dậy, bay bay khắp trên sân khấu và nối nhau bay về phía biển. Cùng lúc đó, những người khác lôi từ xe tải ra những chậu cây giả dùng trong rạp hát có lá vẽ bằng bút phớt và đem trồng trên nền đất khô cằn phía sau đám đông lố nhố. Sau cùng, họ kéo màn trình diễn một khung cảnh làm giả bằng carton bột đúc với những ngôi nhà tường gạch đỏ au và cửa sổ lắp kính, che giấu đi bộ mặt tồi tàn trong cuộc sống thực”. (2)

Càng đọc nhiều Garcia, người ta càng không thể rời xa được thế giới đầy ắp loài người, xô bồ khủng khiếp trong những cuộc mua bán thân xác, rối loạn vì những biến thiên của tội ác, khóc lóc vì tình yêu không toàn bích hay những chia ly đầy ích kỷ, rồi lại vong mình trong cuộc tình rực rỡ không gì cưỡng lại được.

Garcia ra đi, để những nỗi cô đơn ở đại. Một thiên truyện kỳ ảo, hỗn loạn như một mê lộ của Trăm năm cô đơn vẫn ở đâu đó trong đầu óc loài người - đắm chìm trong bản năng cô đơn và không mỏi mệt đi tìm chút yêu đương.

Garcia ngừng viết về Caribbean, về Colombia, về bờ biển Cuba xanh nắng với những vũ điệu miên man dưới mặt trời.

Tạm biệt ông, người rắc bụi vàng lên cuộc đời quá đỗi rực rỡ này!


Một người đàn ông cầm bông hồng vàng trong tay, đứng tưởng niệm trước cửa nhà Gabriel Garcia Marquez trong ngày ông qua đời 17.4 - Ảnh: Reuters




Hoa và quyển sách Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Gabriel Garcia Marquez được đặt bên ngoài nhà ông ở Mexico City, ngày 17.4, khi ông qua đời - Ảnh: Reuters


Nhà vua Thụy Điển Carl Gustaf, bên phải, trao giải Nobel Văn học cho Gabriel Garcia Marquez vào ngày 10.12.1982 - Ảnh: AFP


Garcia Marquez vẫy tay chào người dân trong chuyến xe lửa trở về quê hương Aracataca của ông ở Colombia - Ảnh: AFP


Tổng thống Bill Clinton nói chuyện với Garcia Marquez tại Hội nghị các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha ở Cartagena (Colombia) năm 2007. Garcia Marquez luôn bị từ chối visa vào Mỹ cho đến khi Tổng thống Clinton, một người hâm mộ quyển Trăm năm cô đơn thu hồi lệnh cấm - Ảnh: AFP

“Tôi dám nghĩ rằng chính cái thực tại quá cỡ này, chứ không hẳn là cách biểu đạt nó bằng văn chương, mới xứng đáng được sự quan tâm của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Một thực tại không phải từ trang giấy mà sống động giữa chúng tôi và định đoạt từng trường hợp một trong vô số những cái chết hàng ngày của chúng tôi, cái thực tại nuôi dưỡng một nguồn sáng tạo không bao giờ thỏa, đầy nỗi buồn và cái đẹp, mà trong đó người xứ Colombia lang thang sầu xứ này chỉ là thêm một con số không mà số phận chọn riêng ra. Các nhà thơ và hành khất, nhạc công và nhà tiên tri, chiến binh và tên vô lại, tất cả các sinh thể của cái thực tại bất kham đó, chúng tôi chỉ cần có một ít trí tưởng tượng mà thôi, bởi vấn đề cốt tử của chúng tôi là thiếu những phương tiện thường tình để người ta có thể tin rằng cuộc sống của chúng tôi là có thật. Thưa các bạn, ấy là chiếc thập giá cô đơn của chúng tôi”.

Gabriel Garcia Marquez phát biểu khi đoạt giải Nobel Văn học năm 1982

Khải Đơn

=====
Trích trong các tác phẩm:

(1) Cụ già có đôi cánh khổng lồ
(2) Cái chết vĩnh hằng bên kia tình yêu
(*) Trăm năm cô đơn

>> Tác giả “Trăm năm cô đơn” bị tâm thần phân liệt
>> Tác giả "Trăm năm cô đơn" vẫn còn viết
>> Tác giả "Trăm năm cô đơn" ra mắt quyển tiểu thuyết mới nhất
>> Nobel Văn học Doris Lessing qua đời
>> Nobel văn học đầu tiên cho Canada
>> Bậc thầy truyện ngắn Alice Munro đoạt giải Nobel Văn học 2013
>> Dân cá cược đặt 'cửa' Murakami cho giải Nobel Văn học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.