Đoàn góp phần to lớn vào xây dựng nông thôn mới: Làm thay đổi vùng biên

Mạnh Cường
Mạnh Cường
31/03/2024 07:29 GMT+7

Những mái nhà, cổng chào, nhịp cầu… được dựng lên ở vùng biên giới Việt - Lào phần lớn từ sự đóng góp của thanh niên, nhằm thay đổi diện mạo vùng biên.

CẦU GỖ PHÁ THẾ CÔ LẬP

Phía bên kia sông Mỹ, thôn Pà Ong (xã Cà Dy, H.Nam Giang, Quảng Nam), là cụm dân cư Pà Căng với những căn nhà mới vừa được dựng lên theo chủ trương tái định cư. Nơi đây có hơn 30 hộ đồng bào Cơ Tu đang sinh sống. Vì nằm cách sông nên thời gian đầu khi cụm dân cư mới hình thành, để đi lại, người dân phải ngược đường mòn đến cầu Xơi (thôn Pà Dá) cách làng nhiều cây số trong điều kiện địa hình hiểm trở. Để đôi chân của đồng bào "khỏe" hơn, hàng chục đoàn viên, thanh niên H.Nam Giang bắt tay làm cầu gỗ dài hơn 30 m qua sông Mỹ.

Đoàn góp phần to lớn vào xây dựng nông thôn mới: Làm thay đổi vùng biên- Ảnh 1.

Đoàn viên, thanh niên lắp điện mặt trời

NAM THỊNH

Anh Bờ Nướch Hiệu, Bí thư Chi đoàn thôn Pà Ong, cho biết do đoạn sông Mỹ qua cụm dân cư Pà Căng khá rộng, đất đá gồ ghề nên địa phương huy động rất đông thanh niên tham gia làm cầu. Nguyên vật liệu chính để làm cầu là tre nứa và gỗ; sau gần một ngày, cây cầu được hoàn thiện trong niềm vui của người dân.

Đoàn góp phần to lớn vào xây dựng nông thôn mới: Làm thay đổi vùng biên- Ảnh 2.

Trồng 200 cây giống bưởi da xanh cho 10 hộ khó khăn

Theo anh Hiệu, vào mùa mưa gió, nước sông Mỹ thường dâng cao, người dân phải đi vòng theo đường núi. Học sinh cụm dân cư Pà Căng cũng đi lại vất vả như vậy. "Có cầu rồi, người dân rút ngắn được quãng đường đi, lại không phải lo bị cô lập khi mùa mưa lũ đến", anh Hiệu nói.

Già làng Alăng Trới cho hay lâu nay ông cũng "sợ" sông Mỹ nhất vì mỗi mùa mưa lũ, nước sông dâng cao chia cắt hoàn toàn. Nay có cầu rồi, nỗi sợ vơi đi… "Không chỉ làm cầu giúp dân, trước đó hàng chục bạn trẻ cũng góp công san lấp mặt bằng cụm dân cư Pà Căng này. Người dân chúng tôi rất biết ơn và cảm kích trước tinh thần của người trẻ. Có cầu, đường đến trường của các cháu nhỏ an toàn và gần hơn rồi", già Trới nói.

Anh Kaphu Ngứu, Phó bí thư Đoàn xã Cà Dy, cho hay hằng năm Đoàn xã đều tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, như xây dựng nhà mới, di dời nhà cửa khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ mô hình sinh kế, san lấp mặt bằng cho người dân và thanh niên khó khăn, mở đường về khu sản xuất… Năm nay, theo nguyện vọng của người dân ở cụm dân cư Pà Căng, Đoàn xã huy động lực lượng hỗ trợ dựng một cây cầu tạm bắc qua sông Mỹ.

TRAO SINH KẾ

Những ngày qua, gần 100 đoàn viên, thanh niên vùng cao Quảng Nam miệt mài giúp dân dựng cổng chào trước ngõ, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường ở khu dân cư kiểu mẫu. Ở thôn Đắc Chờ Đây, thôn biên giới đầu tiên của xã La Dêê đăng ký triển khai và đặt mục tiêu hoàn thiện mô hình khu dân cư kiểu mẫu trong năm 2024, các bạn trẻ chia nhau xây dựng tường rào, cổng ngõ, biển khẩu hiệu... cho 32 hộ đồng bào Tà Riềng. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình "Tháng ba biên giới" do Huyện đoàn Nam Giang tổ chức.

Đoàn góp phần to lớn vào xây dựng nông thôn mới: Làm thay đổi vùng biên- Ảnh 3.

Hàng loạt cổng chào được dựng lên tại xã vùng biên

Trong chuỗi hoạt động này, Huyện đoàn Nam Giang lắp đặt 12 bóng đèn năng lượng mặt trời và trồng 200 cây giống bưởi da xanh cho 10 hộ khó khăn. Ngoài ra, trao 5 mô hình sinh kế nuôi dúi cho thanh niên và trồng 40 cây lim xanh, tạo cảnh quan tại khuôn viên văn hóa của thôn bản.

Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, cho biết với tinh thần thanh niên và người dân cùng làm, Huyện đoàn phối hợp chỉnh trang, cải tạo đất vườn để trồng hoa dọc tuyến đường dân cư, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đồng thời, trao nhiều suất quà hỗ trợ các hộ dân khó khăn (tổng trị giá hơn 120 triệu đồng). Chương trình nhằm cụ thể hóa công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc đẩy nhanh hoạt động giúp dân, chung tay góp sức cho mục tiêu xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Trước đó, Huyện đoàn đã kêu gọi kinh phí, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho người dân. Một ngôi nhà ở làng Pêtapot, xã Đắc Pring, nằm sâu trong thung lũng đã "mọc" lên như thế, với sức trẻ của khoảng 70 bạn trẻ. Họ đã vượt 18 km đường rừng, băng qua nhiều ngầm sông, suối nước chảy xiết để vận chuyển 40 tấm tôn, 2 tấn xi măng, 6.500 viên gạch, 2 thùng sơn và hơn 1 tấn thép vào làng Pêtapot. "Hành trình xây dựng mái ấm vùng biên mang ý nghĩa rất lớn, phát huy vai trò của tuổi trẻ vượt khó đến mọi miền xa xôi. Từ đó, vùng biên viễn mới thật sự "thay da đổi thịt" từng ngày", anh Thế Anh chia sẻ.

Tính đến tháng 3 này, Huyện đoàn Nam Giang đã triển khai lắp đặt gần 50 trụ đèn năng lượng mặt trời tại các xã. Trong hơn 5 năm qua, từ các nguồn kinh phí kêu gọi, vận động, Huyện đoàn Nam Giang lắp đặt hơn 300 công trình đèn năng lượng mặt trời trên địa bàn, bình quân

2,5 triệu đồng/công trình. Chương trình thắp sáng này được triển khai trên tất cả 12 xã, thị trấn, trong đó ưu tiên các xã vùng cao, biên giới. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.