Đoàn leo núi bị 'tố' bỏ mặc người gặp nạn trên đỉnh cao thứ hai thế giới

12/08/2023 21:22 GMT+7

Một sherpa (người khuân vác) bị thương nặng đã trút hơi thở cuối cùng trên ngọn núi cao thứ hai thế giới, trong khi đó, những người leo núi đã bị buộc tội bước qua xác người và tiếp tục tiến về phía trước.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy Mohammad Hassan, 27 tuổi, bị thương nặng trên mặt băng cách đỉnh núi K2 nguy hiểm khoảng 400m. Hàng chục người leo núi ở gần anh trên một mỏm đá hẹp, nhưng có thể thấy, những người này bỏ anh lại và tiếp tục leo lên đỉnh.

Hassan, một người khuân vác địa phương và là ông bố ba con, đang sửa dây cho những người leo núi thì rơi xuống từ một vách đá gần đỉnh, cao khoảng 8.200m.

Đoàn leo núi bị 'tố' đi qua người chết trên đỉnh cao thứ hai thế giới - Ảnh 1.

Nạn nhân đang nằm trên lối đi lên đỉnh núi cao thứ hai thế giới

news.com.au

Nhà leo núi Kristin Harila của Na Uy và nhóm của cô ấy được cho là đã vượt qua Hassan nhưng cô bác bỏ lời buộc tội rằng họ không làm gì để giúp đỡ người bị nạn.

Với việc leo lên K2, Harila đã đạt kỷ lục leo 14 đỉnh núi cao nhất thế giới chỉ trong hơn 3 tháng để trở thành người leo nhanh nhất chinh phục tất cả các đỉnh trên 8.000m.

Vụ việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ cộng đồng người cùng leo núi về việc đối xử với các sherpa như "những con người hạng hai".

K2 (còn được gọi là đỉnh Godwin-Austen, Lambha Pahar, Chogori, Kechu hay Dapsang) nằm ở biên giới giữa Tân Cương, Trung Quốc và Pakistan, được công nhận là ngọn núi cao thứ hai trên thế giới với độ cao 8.611m, sau Everest. Đây là một trong 14 ngọn núi cao nhất thế giới (cao hơn 8.000m) và là đỉnh cuối cùng được con người chinh phục vào mùa đông. So với những đỉnh cao khác, đường lên đỉnh K2 được cho là hành trình khó khăn và nguy hiểm nhất.

Nhà leo núi người Áo Philip Flamig đang leo lên K2 cùng với Wilhelm Steindl vào cùng ngày, cho biết đoạn phim mà hai người ghi lại bằng máy bay không người lái cho thấy những người leo núi bước qua xác của Hassan thay vì ra tay giúp đỡ.

"Thực tế, không có chiến dịch giải cứu có tổ chức mặc dù có những sherpa và hướng dẫn viên leo núi tại chỗ có thể hành động. Nếu anh ấy là người phương Tây có thể đã được giải cứu ngay lập tức. Không ai cảm thấy có trách nhiệm với anh ấy. Những gì đã xảy ra ở đó là một sự ô nhục. Để lập kỷ lục, nạn nhân đã bị bỏ mặc", ông nói thêm.

Harila đã bác bỏ những cáo buộc, nói rằng nhóm của cô ấy đã làm tất cả những gì có thể để cứu Hassan nhưng điều kiện quá nguy hiểm để di chuyển nạn nhân.

"Nói rằng chúng tôi không làm gì để giúp anh ấy là không đúng. Chúng tôi đã cố gắng nâng nạn nhân lên trong một tiếng rưỡi và người quay phim của tôi đã ở lại thêm một giờ để chăm sóc anh ấy. Với những điều kiện như vậy, thật khó để biết làm thế nào để cứu nạn nhân. Anh ấy ngã xuống nơi có lẽ là phần nguy hiểm nhất của ngọn núi, nơi mà cơ hội cõng ai đó xuống bị hạn chế bởi đường mòn hẹp và điều kiện tuyết xấu", cô chia sẻ với Telegraph.

Đoàn leo núi bị 'tố' đi qua người chết trên đỉnh cao thứ hai thế giới - Ảnh 3.

K2 là một trong 14 đỉnh núi cao nhất thế giới

news.com.au

Trong khi đó, Lakpa Sherpa, người leo núi địa phương, nói rằng đã nỗ lực cứu Hassan. "Tất cả những người leo núi đều đã chi nhiều tiền để thực hiện kế hoạch của mình và thời gian leo núi cũng có giá trị. Hàng trăm nhà leo núi đã cố gắng cứu nạn nhân nhưng họ không thể từ bỏ kế hoạch của mình. Việc đưa thi thể xuống rất khó khăn. Họ phải lên đỉnh núi", anh nói.

Các nhà điều tra Pakistan sẽ phỏng vấn các nhà leo núi quốc tế khi họ điều tra cái chết của Hassan. "Chúng tôi đã thu thập thông tin ban đầu và sẽ bắt đầu thẩm vấn những người có mặt ở đó vào thời điểm xảy ra tai nạn", Rahat Karim Baig, thành viên ủy ban điều tra, cho biết.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.