Bó tay với lò vôi tự phát

20/01/2014 09:40 GMT+7

Ở xóm Ao La, thôn Lê Lợi, xã Minh Tân, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng có một “làng nghề” chuyên nung vôi bằng phương pháp thủ công.

Bó tay với lò vôi tự phát
Không chỉ gây ô nhiễm, các lò vôi còn ảnh hưởng đến giao thông - Ảnh: MQ

Anh Vũ Bá Sơn, một người xóm Hang, xã Minh Tân và là lao động của khu lò vôi cho biết: để có được 6 tấn vôi cho mỗi mẻ lò, phải dùng hết 7 m3 đá, 3 tấn than, 3 xe công nông than bùn, 5 tạ củi. Mỗi lò phải đốt lửa liên tục 10 - 15 ngày đêm nên công nhân quanh năm phải “hít khí than, ăn bụi vôi” là chuyện thường.

Theo thống kê của ông Tô Văn Khánh, xóm trưởng xóm Ao La, khu nung vôi có 30 lò với 22 hộ, nằm hai bên đường liên xã, qua xóm Ao La và chủ yếu là người địa phương đấu thầu đất rồi mở lò. Tất cả đều là lò thủ công, công nghệ lạc hậu, không an toàn. Suốt ngày đêm, các lò vôi đốt lửa, xả khói mù mịt. Bụi từ vôi, xỉ chuẩn bị ra lò, quyện với khí lò bao trùm toàn bộ khu dân cư, nhà cửa, cây cối ven đường phủ toàn bụi trắng của vôi, không khí ngột ngạt, nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp.

Ông trưởng xóm cho biết thêm: khoảng 5 năm nay, 10 mẫu ruộng lúa quanh khu lò vôi bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhà các chị Vũ Thị Hà, Vũ Thị Tước có 3,5 sào, nhà anh Trọng Phiên có 2 sào... đều có cấy mà không có ăn, nhiều vụ mất mùa hoàn toàn. Đấu tranh mãi, một số hộ mới được các chủ lò vôi hỗ trợ 100.000 đồng/sào. Chính vì thế, gần nửa số hộ ở khu đồng này đã bỏ ruộng.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hòa, xóm 10 xác nhận: nhà có 1,5 sào ruộng ở khu lò vôi nhưng lúa không cho thóc nên gia đình phải bỏ. Một người dân khác có ruộng ở đây là chị Vũ Thị Đào, cho biết: không chỉ khói, bụi ám vào lá lúa mà các chất thải đổ tràn cả xuống ruộng nên lúa thường bị cháy lá hoặc nghẹn đòng, năng suất rất thấp. Dân kêu, các chủ lò vôi đã đào cống thoát nước nhưng vôi, cặn vôi vẫn tràn xuống ruộng.

Ông Vũ Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: về mặt tích cực, các chủ lò vôi hàng tháng nộp thuế doanh nghiệp cho xã được khoảng 60 triệu đồng và tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, ông Sơn cũng xác nhận các lò vôi phát triển tự phát, nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, lại đổ cả xỉ lò, than, đá ra đường, ảnh hưởng đến giao thông, mấy tháng nay xã phải thuê người quét đường hàng tuần. Những trường hợp vi phạm thì phạt hành chính cũng chỉ 500.000 đồng, phạt xong lại tái phạm. Theo ông Sơn, UBND xã từng xin quy hoạch làng nghề nung vôi nhưng không được bởi vướng vào quy hoạch một khu du lịch sinh thái của huyện nên địa phương chưa tìm ra hướng giải quyết.

 Mạnh Quang

>> Tự vệ' khi không khí ô nhiễm
>> Trại chăn nuôi gây ô nhiễm
>> Ô nhiễm vì bụi
>> Không xử lý được nhà máy gây ô nhiễm thì di dời... dân!
>> Nghẹt cống, gây ô nhiễm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.