Cơ hội cho người đam mê ứng dụng

15/11/2013 09:34 GMT+7

Là một trong những ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực, công nghệ thực phẩm đang dần định hình vị thế của mình trong đời sống xã hội hiện nay.

 Công nghệ thực phẩm
Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Cửu Long thực hành tại phòng thí nghiệm - Ảnh: Chí Dũng

 

Tiềm năng của ngành công nghệ thực phẩm

Thực phẩm là một trong những ngành phát triển nhanh ở nước ta, đáp ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, phục vụ nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu và tham gia xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua từng giai đoạn phát triển khác nhau, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam hiện bao gồm một số ngành kinh tế kỹ thuật chính như: rượu - bia - nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; công nghiệp kỹ nghệ thực phẩm; chế biến bột và tinh bột; công nghiệp sản xuất thuốc lá; lương thực và chế biến thủy hải sản.

Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN và trở thành thành viên của WTO đã thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến nói riêng. Để nâng cao năng lực canh tranh, ngành công nghiệp thực phẩm đã không ngừng đổi mới, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, cải tiến và nâng cao trình độ quản lý, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về chủng loại... Theo đó, đội ngũ lao động trong lĩnh vực này phải đủ về số lượng và có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững vàng để đáp ứng cho các nhà máy, công ty sản xuất, chế biến thực phẩm.

Kỹ sư công nghệ thực phẩm

Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm được trang bị kiến thức về giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở và chuyên ngành để có đủ khả năng tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sinh viên có khả năng liên kết các quan hệ trong hệ thống kỹ thuật thực phẩm, tham gia điều hành và quản lý công nghệ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Có khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Ngoài ra, sinh viên còn được cập nhật kiến thức tiên tiến về quản lý chất lượng thực phẩm, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển sản phẩm… thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo khoa học, chuyên đề.

Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Kỹ sư công nghệ thực phẩm, có khả năng vận dụng quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, xây dựng kế hoạch, lập dự án, kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm cho các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm.

Cơ hội việc làm

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các công ty, nhà máy chế biến thực phẩm với vai trò là cán bộ điều hành sản xuất, quản lý công nghệ, kỹ thuật; quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng; kế hoạch sản xuất; chuyên gia trong phòng thí nghiệm phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm, trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực phẩm, trong kinh doanh thiết bị, hóa chất, bao bì, phụ gia thực phẩm; chuyên viên trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cơ hội việc làm còn có tại các viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm từ cấp T.Ư đến địa phương (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố và huyện, thị; Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cấp tỉnh); các cơ quan phân tích, kiểm định thực phẩm với vai trò là cán bộ giảng dạy, nghiên cứu viên và chuyên viên. Nếu có điều kiện, sinh viên sẽ tiếp tục học tập và nghiên cứu để nâng cao trình độ trong các lĩnh vực chuyên sâu về công nghệ chế biến thực phẩm và lĩnh vực có liên quan như:công nghệ sinh học, dinh dưỡng cộng đồng, công nghệ hóa học, dược phẩm...

Trường Đại Học Cửu Long
Quốc lộ 1A, xã Phú Quới, H.Long Hồ, Vĩnh Long
ĐT: 0703 821.655 - 831.155
www.mku.edu.vn phối hợp với Báo Thanh Niên thực hiện chuyên mục này.

Chí Dũng
(Giảng viên trường ĐH Cửu Long)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.