Đổi tên TT.Diên Khánh thành Phú Thành: Nghe rất xa lạ!

28/03/2024 12:57 GMT+7

Nhiều người dân TT.Diên Khánh (Khánh Hòa), cho rằng việc huyện đề xuất đổi tên thị trấn thành Phú Thành nghe rất xa lạ. Trong khi đó, cái tên Diên Khánh đã gắn bó với người dân địa phương qua nhiều thế hệ.

Tên mới rất xa lạ!

Mấy ngày qua, dư luận địa phương xôn xao trước thông tin H.Diên Khánh sẽ đổi tên TT.Diên Khánh thành P.Phú Thành sau khi địa phương này được chuyển thành cấp phường (huyện lên thị xã, thị trấn lên phường). Lý do bởi cái tên Phú Thành hầu như không có liên quan gì, nghe rất xa lạ, trong khi đó tên Diên Khánh đã gắn bó với lịch sử, đời sống, văn hóa của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.

Đổi tên TT.Diên Khánh thành Phú Thành: Nghe rất xa lạ!- Ảnh 1.

TT.Diên Khánh nhìn từ trên cao

M.P

Cụ thể, trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND H.Diên Khánh tại cuộc họp ngày 25.3 đã thống nhất tên gọi TT.Diên Khánh khi trở thành phường là P.Phú Thành. Đồng thời lấy tên gọi mới của 2 xã là Diên Đồng và Diên Xuân sau khi sáp nhập là xã Đồng Xuân.

Sau khi Phòng Nội vụ bổ sung một số nội dung góp ý của các thành viên dự họp, sẽ hoàn chỉnh và tham mưu cho UBND huyện trình xin ý kiến Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét đối với các tên gọi nêu trên.

Chia sẻ việc này, anh Thắng, một người dân Khánh Hòa và có nhiều nghiên cứu về thành cổ Diên Khánh, cho rằng việc lấy tên mới là P.Phú Thành thật sự không cần thiết và cái tên này cũng không phù hợp, khá lạc lõng với tên chung của huyện. 

Bày tỏ quan điểm của mình, anh Thắng cho hay, "tên huyện là Diên Khánh rồi, nếu có đổi thì cũng nên có chữ "Diên" đằng trước như lâu nay các địa phương khác đều làm. Nhưng theo tôi tốt nhất là vẫn giữ nguyên tên cũ vì nó gắn bó với lịch sử, văn hóa của người dân địa phương. Giờ đổi tên mới nghe rất lạ lẫm và khó chịu".

Hiện nay, tên các địa phương của huyện đều có chữ "Diên" đứng trước, như Diên An, Diên Lạc, Diên Lâm, Diên Toàn... "Hay ở địa phương khác như Vạn Ninh, các xã của huyện đều có chữ "Vạn"; TX.Ninh Hòa cũng vậy, các xã, phường đều có chữ "Ninh" đằng trước... Nói điều này để thấy cái tên Phú Thành rất không thích hợp", anh Thắng nói.

Đổi tên TT.Diên Khánh thành Phú Thành: Nghe rất xa lạ!- Ảnh 2.

Thành cổ Diên Khánh nằm trong TT.Diên Khánh

N.P

Huyện chỉ mới đề xuất

Trong khi đó, chị Vy (ngụ TT.Diên Khánh) đặt câu hỏi, việc giữ lại tên Diên Khánh thì có ảnh hưởng gì mà tại sao lại muốn đổi? Thành cổ - TT.Diên Khánh là cái tên thân thương, gắn bó và quá quen thuộc với người dân địa phương cũng như bạn bè, du khách khắp nơi. 

"Nếu đổi Diên Khánh thành Phú Thành sẽ không ai còn nhớ và nhận ra vùng đất này nữa, rồi bao nhiêu thứ cũng phải đổi theo, từ địa chỉ, giấy tờ, tên nhà, tên phố, rất tốn kém và phức tạp. Mình thấy rất nhiều nơi khác họ vẫn có tên thị trấn, thị xã, thành phố trùng với tên tỉnh nên việc đổi tên TT.Diên Khánh tôi cho rằng rất không hợp lý và bất tiện", chị Vy chia sẻ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Gẩm, Chủ tịch UBND H.Diên Khánh (Khánh Hòa), chỉ nói việc đổi tên TT.Diên Khánh thành Phú Thành sau khi lên phường mới chỉ là đề xuất, huyện còn họp bàn và còn phải trải qua nhiều bước tiếp theo trước khi có quyết định cuối cùng. PV cũng đặt thêm câu hỏi khác quanh việc đổi tên này nhưng không được phản hồi. 

Việc H.Diên Khánh đề xuất đổi tên TT.Diên Khánh đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi và huyện cũng chưa có giải thích vì sao lại lấy tên mới là Phú Thành. Trong văn bản kết luận của Chủ tịch UBND H.Diên Khánh cũng không nêu lý do về việc đổi tên này. Tuy nhiên, thiết nghĩ việc đổi tên một địa phương trước hết phải có sự đồng thuận và ủng hộ của chính người dân đang sinh sống nơi đó, có như thế mới trọn vẹn.

TT.Diên Khánh được thành lập ngày 30.9.1981 trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Diên Thủy và một phần diện tích, dân số của các xã Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên An, Diên Sơn và Diên Điền.

Còn H.Diên Khánh trước đây là vùng đất của phủ Diên Ninh thuộc dinh Thái Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh.

Năm 1832, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa, gồm 2 phủ và 4 huyện, trong đó có phủ Diên Khánh.

Năm 1793, sau khi chiếm được Diên Khánh từ nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng trên vùng đất khi ấy còn heo hút một căn cứ quân sự và khu dân cư, được vây quanh bởi một tòa thành.

Thành Diên Khánh rộng khoảng 36.000 m², hiện vẫn còn 4 cửa; được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.