Đội Trung Quốc gặp khó khăn trước trận gặp tuyển Việt Nam

29/01/2022 19:03 GMT+7

Đội tuyển Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn khó khăn bởi sóng gió cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Thất bại 0-2 trước đội tuyển Nhật Bản ở lượt 7 vòng loại thứ 3 World Cup gần như đặt dấu chấm hết cho cơ hội dự World Cup 2022 của Trung Quốc. Suốt 20 năm, nền bóng đá đất nước tỷ dân vẫn chưa thể trở lại vòng chung kết World Cup, dù đã đầu tư hàng tỉ USD để chiêu mộ cầu thủ, HLV giỏi và đầu tư cho hạ tầng bóng đá. Nhưng những gì tuyển Trung Quốc nhận lại ở vòng loại 3 chỉ là 5 điểm sau 7 trận.

Đội Trung Quốc

AFP

Trận thua Nhật Bản phác họa rõ nét những vấn đề Trung Quốc đang gặp. Thầy trò HLV Li Xiaopeng bị áp đảo suốt 90 phút, chỉ cầm bóng 37,1%, thực hiện chính xác 67% tổng số đường chuyền, sút 2 lần trong cả trận (0 cú sút trúng đích). Đó không phải thống kê của một đội tuyển đẳng cấp World Cup.

Sau 2 lượt đầu vòng loại 3, Trung Quốc cũng có bộ chỉ số thất vọng tương tự. Sina Sports gọi thống kê 0 cú sút trúng đích trước Úc và Nhật Bản của đội Trung Quốc là “thảm họa hàng công”, trong bối cảnh Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) tốn nhiều công sức, tiền của để nhập tịch 2 tiền đạo Luo Guofu và Ai Kesen.

Đội Trung Quốc vừa thất bại tại Nhật Bản

AFP


Sau 3 trận đấu có đường nét trước Oman, Việt Nam và Úc, tuyển Trung Quốc quay trở lại bộ mặt vốn có. Đó là tập thể rời rạc, thiếu đường nét và chưa thể có lối đá rõ ràng với 3 HLV thay nhau nắm quyền trong 3 năm. Trung Quốc cũng là đội duy nhất ở bảng B tính đến lúc này đã thay HLV trưởng.

Những khoản đầu tư khổng lồ giúp Trung Quốc xây dựng được giải vô địch quốc gia đứng hàng đầu châu Á về giá trị thương hiệu, nhưng kết quả đầu ra của nền bóng đá, đó là đội tuyển quốc gia, lại không thể lọt vào nhóm tinh hoa châu Á.

Thực lực đội tuyển không theo kịp kỳ vọng nên cầu thủ Trung Quốc càng hứng chịu áp lực. Câu chuyện cầu thủ Trung Quốc đi vệ sinh… 7 lần trước trận tô đậm thêm phần nào sức ép thầy trò HLV Li Xiaopeng đang trải qua.

Vụ lùm xùm với các cầu thủ nhập tịch bị hủy chuyến bay càng khắc họa thêm chia rẽ giữa nhóm cầu thủ bản địa với ngôi sao nước ngoài trong lòng đội tuyển Trung Quốc. Tâm lý phức tạp của các cầu thủ gốc gác Brazil cũng đối lập với phong cách kỷ luật mà tuyển Trung Quốc đang xây dựng. Nếu không thể hòa hợp, HLV Li Xiaopeng khó làm tốt hơn người tiền nhiệm Li Tie, đã từ chức năm ngoái vì không chịu nổi áp lực.

Tuyển Trung Quốc đang chịu sức ép dồn dập. Một trận thua nữa trước tuyển Việt Nam là điều khó chấp nhận”, cựu trợ lý Qiang Xie của Trung Quốc nhấn mạnh. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đón Tết Âm lịch, do đó, không đội nào muốn thua trận vào ngày đầu tiên của năm mới.

Đặt trên cán cân thực lực, tuyển Trung Quốc nhỉnh hơn Việt Nam, nhưng ở trận lượt đi thầy trò HLV Park Hang-seo đã ở rất gần 1 điểm và chỉ thất bại bởi những sai sót đáng tiếc. Khoảng cách trình độ giữa 2 đội có thể ngắn lại nếu tuyển Trung Quốc không vượt qua được sức ép, dẫn đến nôn nóng và mắc sai lầm.

Điều quan trọng là tuyển Việt Nam phải rút ra bài học từ trận lượt đi, thi đấu chặt chẽ và tự tin hơn trong triển khai tấn công để khoan thủng hàng thủ không quá chắc chắn của Trung Quốc.

Bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định: “Tuyển Việt Nam có thể chọn cách nhập cuộc nhanh, trực diện khiến Trung Quốc bất ngờ". Còn cựu HLV đội tuyển nữ Steve Darby cho rằng lối chơi chặt chẽ, toan tính vẫn nên là màu sắc chủ đạo để tuyển Việt Nam chờ đợi vào chiến thắng. Phòng ngự chặt, nhưng có thể phản công bài bản, hoặc áp đặt thế trận, tổ chức lên bóng mạch lạc khi cần là những gì thầy trò HLV Park Hang-seo cần ở trận khởi đầu năm mới trước đội Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.