‘Đội tuyển nữ Việt Nam viết trang sử mới cho thể thao nước nhà’

09/03/2022 08:58 GMT+7

Chúc mừng tuyển nữ Việt Nam đã giành thành tích đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định các cầu thủ đã vượt lên định kiến xã hội, khẳng định và nâng tầm các giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận áo đấu của đội nữ Việt Nam

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Bóng đá nữ chưa được nhìn nhận một cách công bằng

Gặp gỡ đội tuyển nữ Việt Nam vào ngày 8.3, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ phát biểu: “Tôi khâm phục về kỳ tích của các cô gái vàng bóng đá Việt Nam. Câu chuyện đội tuyển nữ Việt Nam vượt qua thử thách khó tin về dịch Covid-19, giành vé dự vòng chung kết World Cup là một ví dụ tiêu biểu, sinh động cho hành trình phá vỡ định kiến giới. Hình ảnh những cô gái bé nhỏ nhưng khí phách kiên cường đã viết nên trang sử mới cho thể thao Việt Nam, đã trở thành nguồn cảm hứng, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp và niềm tự hào với cả dân tộc”.

CLB nữ TP.HCM và sự đóng góp to lớn cho tấm vé World Cup 2023 lịch sử

Chủ tịch QH nhấn mạnh, những năm qua, sự nghiệp thể dục thể thao nước nhà đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có bóng đá nói chung và bóng đá nữ nói riêng. Tính chuyên nghiệp trong quản lý và vận hành các hoạt động thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được nâng cao. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực thể thao. Bóng đá Việt Nam đã được đầu tư bài bản hơn, có chiến lược dài hạn.

Cũng trong cuộc gặp mặt của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ với đội tuyển nữ Việt Nam, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã trao tặng Kỷ niệm chương cho HLV Mai Đức Chung và tặng bằng khen cho đội tuyển nữ Việt Nam. T.Ư Đoàn cũng tặng đội tuyển số tiền 200 triệu đồng.

Người đứng đầu QH khẳng định: “Tuy nhiên, việc huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho thể dục thể thao nói chung, bóng đá nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao còn chậm đổi mới, thiếu cơ chế đột phá cho quản lý và phát triển thể thao chuyên nghiệp. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa đủ mạnh để quản lý, điều hành các hoạt động chuyên môn... Cùng với những hạn chế đó, thời gian qua, bóng đá nữ dường như chưa được nhìn nhận một cách công bằng so với bóng đá nam về điều kiện tập luyện, thi đấu và khen thưởng; đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và những đóng góp to lớn của bóng đá nữ đối với thể thao nước nhà.

Tôi được biết, để giành được chiến thắng vinh quang thời gian qua, các nữ cầu thủ đã hy sinh, nỗ lực rất nhiều, phải vượt qua chính mình, vượt lên các định kiến xã hội. Nhiều em để có mặt tại đây hôm nay là cả một chặng đường dài nỗ lực đầy gian nan, thử thách, kể cả thuyết phục cha mẹ, gia đình về nghề nghiệp đã lựa chọn và đam mê theo đuổi. Các em phải đối mặt vất vả với cuộc sống hiện tại khi đồng lương còn eo hẹp và hầu như chưa có câu trả lời đầy đủ và thích đáng cho sinh kế tương lai sau khi giải nghệ; rồi cả thời gian tập luyện, xa gia đình, rõ ràng ảnh hưởng đến thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ”.

Phải đặt năng khiếu thể thao bình đẳng với các năng khiếu khác

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Bóng đá được coi là môn thể thao vua mà mỗi thành tích, vinh quang giành được bao giờ cũng tạo hiệu ứng xã hội nhanh chóng, lan tỏa sâu rộng, có ý nghĩa, nâng cao lòng tự hào dân tộc, khơi dậy năng lượng tích cực của mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng ngay từ khâu phát hiện tài năng và đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao cả ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Phải đặt năng khiếu thể thao bình đẳng với các năng khiếu khác, như toán, nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ… để sớm phát hiện tài năng, có hướng đào tạo bài bàn, không để bỏ sót, lãng phí tài năng trên lĩnh vực thể thao.

Cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, các địa phương, nghiên cứu, đề xuất những chính sách vượt trội về đầu tư nhà nước, ưu đãi thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Có chính sách thi tuyển, đào tạo, đãi ngộ, khen thưởng phù hợp đối với lĩnh vực thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng, tập trung huấn luyện, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là y học phục vụ phát triển thể chất, điều kiện tập luyện, chữa trị chấn thương cho VĐV, trong đó có VĐV bóng đá, bảo đảm bắt kịp với xu hướng phát triển thể thao hiện đại”.

Đề nghị nghiên cứu, đề xuất tặng HLV Mai Đức Chung danh hiệu Anh hùng Lao động

Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Tôi xin được tôn vinh HLV Mai Đức Chung, “người đàn ông của năm”, người đã kiên trì, bền bỉ xây dựng, dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Tôi được biết đội tuyển bóng đá nữ quốc gia và người thuyền trưởng dẫn dắt là HLV Mai Đức Chung đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước, có nhiều ý kiến đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho HLV Mai Đức Chung, đề nghị Bộ VH-TT-DL nghiên cứu, đề xuất”.

Chủ tịch QH chỉ đạo: “Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, chiến lược, định hướng phát triển bóng đá nữ ở cấp quốc gia và câu lạc bộ, các địa phương; phối hợp có hiệu quả với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động. Có cơ chế, chính sách, tập trung cho phát triển các cơ sở đào tạo trẻ, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội. Chú trọng tổ chức và nâng cao chất lượng của bóng đá nữ, với việc phát triển từ lứa trẻ, cấp câu lạc bộ và giải vô địch quốc gia nữ. Tăng cường tập huấn ở nước ngoài và thi đấu giao hữu quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ.

Tôi mong các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, đồng hành và tăng cường tài trợ cho các CLB nữ, nâng cao chất lượng giải đấu để thu hút nhiều khán giả đến sân. Mong đội tuyển bóng đá nam sẽ tiếp bước đội tuyển bóng đá nữ, sớm hoàn thành giấc mơ World Cup”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.