Dự báo lương tăng từ 5 - 10% ở khối F&B trong 6 tháng đầu năm 2023

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
01/02/2023 10:33 GMT+7

Dự báo mức lương trung bình ở khối F&B (loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống) và bán lẻ tăng 5 - 10% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tăng lương trung bình ở nhóm ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, bán lẻ...

Ngày 1.12, Chuyên trang tìm việc và tuyển dụng việc làm Việc làm tốt (đơn vị thống kê từ dữ liệu hơn 53.000 nhà tuyển dụng với hơn 1,4 triệu việc làm đang tuyển trên trang) cho biết, thông thường hằng năm, giai đoạn sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng và tìm việc đều tăng cao (khoảng từ 20 - 40%) so với quý IV của năm trước đó.

Tương tự, năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ở hầu hết các ngành hàng sẽ tăng sau tết. Song, khối ngành xuất khẩu, nhất là dệt may, giày da, chế biến gỗ, điện tử do bị ảnh hưởng kinh tế thế giới nên nhu cầu tuyển dụng các ngành này đang trong đà giảm từ quý III năm 2022 và dự báo nhu cầu có thể không thay đổi hoặc giảm tiếp sau tết.

Dự báo lương tăng từ 5 - 10% ở khối F&B trong 6 tháng đầu năm nay - Ảnh 1.

Dự báo nhu cầu tuyển dụng ở khối F&B và bán lẻ tăng cao sau Tết Nguyên đán năm 2023

PHẠM THU NGÂN

Ở một số ngành sản xuất và dịch vụ thương mại, do thị trường thế giới nhiều biến động khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lãi suất tăng nên để tối ưu hóa chi phí sản xuất trong điều kiện giá nguyên vật liệu - lương thực tăng cao, doanh nghiệp sẽ không tuyển thêm nhân sự.

Mặc dù, nhu cầu tuyển dụng không tăng quá mạnh sau dịp Tết Nguyên đán 2023 nhưng dự báo cho thấy mức tăng trưởng sáng ở khối F&B (Food and Beverage, loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống - PV) và bán lẻ, gồm các công việc như nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, phụ bếp, đầu bếp, nhân viên kinh doanh.

Trong các tháng cuối năm 2022, nhóm ngành này tăng 10% so với quý III năm 2022 và cùng mức tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức lương trung bình của nhóm này được dự báo sẽ tăng từ 5 - 10% trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu tuyển dụng tăng cao.

Hai kịch bản nhu cầu nhân lực TP.HCM

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cũng dự báo thị trường lao động của địa phương theo 2 kịch bản tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.

Kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, nhu cầu nhân lực tăng thêm trong năm 2023 của TP.HCM là khoảng 280.000 - 300.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 72.000 - 79.000 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực, doanh nghiệp có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất và nhu cầu lao động tăng. Dự kiến nhu cầu nhân lực, năm 2023, TP.HCM sẽ cần khoảng 300.000 - 320.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 79.000 - 87.000 chỗ làm việc.

Nhu cầu nhân lực của TP.HCM chủ yếu nằm ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu (gồm thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế) và 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.