Đưa xuất bản Việt Nam ra thế giới

15/09/2023 07:00 GMT+7

PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản VN, Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, chia sẻ về việc nâng cao vị thế của xuất bản VN nhân dịp Hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á diễn ra tại TP.HCM ngày 14 - 16.9.

Thành viên tích cực của ngành sách khu vực

Trong những năm qua, Hội Xuất bản VN đã tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản thế nào, thưa ông?

Hội Xuất bản VN là tổ chức của các đơn vị, cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản, phát hành sách và phát triển văn hóa đọc. Từ khi thành lập đến nay, Hội luôn chú trọng và có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Năm 2005, 4 năm sau khi thành lập, Hội Xuất bản VN đã cùng đại diện giới xuất bản các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan sáng lập Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA). Sau này, ABPA kết nạp thêm các thành viên khác, trở thành một cộng đồng trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước, chia sẻ nghiệp vụ… của các nền xuất bản trong khu vực Đông Nam Á. Trải qua 18 năm tham gia, dù ngành xuất bản VN có những đặc thù nhưng Hội Xuất bản VN có những sáng kiến nhất định khi tham gia vào ABPA và được đánh giá cao.

Ví dụ, chúng ta chủ trương phát triển mạnh văn hóa đọc, hình thành mô hình đường sách, phố sách. Ngoài hội chợ sách hằng năm, các địa phương đều tham gia, hình thành ngày sách. Chúng ta có Ngày sách và Văn hóa đọc…

Đưa xuất bản Việt Nam ra thế giới - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) cùng ông Phạm Minh Tuấn trải nghiệm sách điện tử của NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Việt Linh

Hội Xuất bản VN cũng tổ chức hoặc kết nối, khuyến khích các đơn vị thành viên tham gia học hỏi kinh nghiệm tại các hội chợ sách quốc tế uy tín như các kỳ Hội chợ sách tại Frankfurt, London, Moscow, Bologna, Bắc Kinh...; là khách mời danh dự tại Hội sách quốc tế La Habana 2020, tham dự Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023 tại Singapore với tư cách quốc gia tiêu điểm…

Tại Hội sách Hà Nội năm 2016 được tổ chức với chủ đề "Sách và Hội nhập" cũng đã mời ABPA và một số nước thành viên tham gia.

Nhằm học hỏi nghiệp vụ từ các nền xuất bản lớn trên thế giới, năm 2017, Hội Xuất bản VN đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, ban lãnh đạo Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) mời các chuyên gia đến giảng dạy tại khóa bồi dưỡng nghiệp vụ xuất bản tại Hà Nội.

Năm 2019, trong khuôn khổ Hội sách quốc tế Hà Nội lần thứ 6, chúng ta đã mời một số nhà lãnh đạo xuất bản các nước Đông Nam Á tham dự hội thảo "Xu thế xuất bản các nước ASEAN".

Cuối năm 2021, Hội Xuất bản VN tiếp nhận vị trí Chủ tịch ABPA nhiệm kỳ 2022 - 2023. Trong vai trò đó, Hội Xuất bản VN đã tích cực, chủ động kết nối hoạt động của các hội xuất bản các nước thành viên ABPA nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xuất bản trong bối cảnh suy thoái hậu đại dịch Covid-19. Tháng 11 năm 2022, Hội Xuất bản VN tổ chức họp Hội nghị Ban Chấp hành ABPA tại Jakarta, Indonesia, đưa ra những đề xuất và sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối và củng cố vai trò, vị thế của ABPA trong khu vực và trên trường quốc tế.

Với trách nhiệm Chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản VN sẽ phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành ABPA và các hoạt động bên lề từ ngày 14 - 16.9.2023. Dù là sáng lập viên từ cách đây 18 năm, nhưng phải vượt qua nhiều khó khăn đến năm 2022 VN mới đảm nhận vai trò Chủ tịch ngay trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động phức tạp.

Đưa xuất bản Việt Nam ra thế giới - Ảnh 2.

Việt Linh

Với tư cách Chủ tịch luân phiên, chúng tôi muốn tạo những diễn đàn để người làm xuất bản trong khu vực tiếp tục trao đổi kinh nghiệm; thúc đẩy việc mua bán và trao đổi bản quyền, cùng xuất bản sách, tham gia các hội sách của nhau.

PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản VN

Nỗ lực vượt khó hậu đại dịch

Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến ngành xuất bản VN. 6 tháng đầu năm nay ngành xuất bản VN đã giảm 51% số đầu sách, tình hình các nước ASEAN hiện nay ra sao?

Có thể khẳng định, dù dịch bệnh Covid-19 đã lùi gần 2 năm nhưng những tác động tiêu cực của thời kỳ hậu Covid-19 lên nền xuất bản của các quốc gia Đông Nam Á trong suốt thời gian qua là hết sức nghiêm trọng. Báo cáo của hội xuất bản nhiều quốc gia gửi đến hội nghị cho thấy đã có sự sụt giảm khá lớn số lượng đầu sách xuất bản, doanh thu bất chấp những nỗ lực của chính phủ và các đơn vị xuất bản các nước. Những tác động này được dự báo kéo dài trong cả năm 2023 và 2024.

Tuy chịu nhiều tác động tiêu cực của Covid-19 và gần đây là tác động xung đột vũ trang, cạnh tranh và suy giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu, nhưng với những nỗ lực rất lớn, xuất bản của một số quốc gia vẫn đạt một số kết quả quan trọng, cho thấy tín hiệu tích cực cho sự phát triển. Chúng ta nhìn thấy điều này ở các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia... và VN. Các quốc gia đã mở rộng các hoạt động đa dạng để thúc đẩy văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội chợ sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, hay thúc đẩy việc sử dụng các học liệu điện tử.

Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đã nỗ lực trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ về miễn giảm thuế, hoặc thiết lập hệ sinh thái lành mạnh giữa các nhân tố chính của ngành xuất bản.

Các đơn vị xuất bản các nước đã chủ động, nỗ lực vượt khó khăn trong quá trình mở rộng thị trường xuất bản, đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển xuất bản điện tử, ứng dụng thương mại điện tử vào xuất bản đã góp phần hiện đại hóa ngành xuất bản của từng nước, giúp xuất bản khắc phục một phần những khó khăn của đại dịch.

Đưa xuất bản Việt Nam ra thế giới - Ảnh 4.

Đoàn Hội Xuất bản VN quảng bá sách Việt tại Hội sách Thiếu nhi châu Á, Singapore

AFCC

Biến ASEAN thành trung tâm xuất bản mới

Sau Hội nghị thường niên, với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA, VN cam kết gì để tăng cường hợp tác lĩnh vực xuất bản trong khu vực?

Với vị thế là ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp nội dung gắn liền với sự phát triển tri thức, nền xuất bản của các nước ASEAN cần có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ tương ứng với bước phát triển của kinh tế trên cơ sở đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa và tăng cường bảo vệ bản quyền sách, sở hữu trí tuệ.

Với tư cách Chủ tịch luân phiên, chúng tôi muốn tạo những diễn đàn để người làm xuất bản trong khu vực tiếp tục trao đổi kinh nghiệm; thúc đẩy việc mua bán và trao đổi bản quyền, cùng xuất bản sách, tham gia các hội sách của nhau. Nhất là cùng nhau bảo vệ bản quyền sách và phát triển văn hóa đọc - hai trụ cột thúc đẩy xuất bản khu vực phát triển.

Hội Xuất bản VN sẽ khai thác vai trò của mình trong ASEAN thế nào để nâng tầm xuất bản VN trên trường quốc tế?

Trong nhiệm kỳ của mình, Hội Xuất bản VN đang thúc đẩy 3 đề xuất quan trọng. Một là nghiên cứu thực hiện sáng kiến "One ASEAN", thông qua Hiệp hội, thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực này thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.

Hai là thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các vi phạm bản quyền.

Ba là thành lập Giải thưởng sách ASEAN, với ban giám khảo là các hội xuất bản thành viên ABPA.

Ngoài ra, chúng tôi vẫn luôn xác định phát triển văn hóa đọc là mũi nhọn. VN sẽ tiếp tục phối hợp với hội xuất bản các nước để phát triển văn hóa đọc trong khu vực. Điều này vừa giúp quảng bá sản phẩm văn hóa của nhau trong khu vực, đồng thời ta học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn. Phát triển văn hóa đọc là khơi dậy lòng ham mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Xin cảm ơn ông.

VN tổ chức Hội nghị thường niên ABPA

Hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) diễn ra tại TP.HCM từ 14 - 16.9, sẽ tổng kết hoạt động ABPA trong năm qua và bàn về các hoạt động của năm tới. Hội nghị sẽ nghe báo cáo ngành xuất bản của các nước trong khối và hoạt động của các ban nghiệp vụ. Theo kế hoạch, sẽ có 23 thành viên ban lãnh đạo hội xuất bản các nước thành viên ABPA đến TP.HCM tham dự. Đoàn Hội Xuất bản Myanmar sẽ tham gia theo hình thức trực tuyến.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Hội Xuất bản VN sẽ tổ chức hội thảo khoa học "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Bên cạnh đó, Đường sách TP.HCM phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ 14 - 16.9.

Các hoạt động do Hội Xuất bản VN tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch cũng hướng đến mục tiêu chung ASEAN, đặc biệt là "Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực và nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa -xã hội".

Đến nay, sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản VN đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.