Dùng công nghệ 'bếp đám mây', chủ tiệm bánh chinh phục các Shark Tank

18/01/2024 11:35 GMT+7

Chọn mô hình "bếp đám mây" (Cloud Kitchen), áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực làm bánh sinh nhật, ba chủ nhân Savor Cake khiến 4 vị 'cá mập' (Shark Tank) của 'Thương vụ bạc tỉ' mùa 6 tranh giành quyết liệt.

Dùng công nghệ 'bếp đám mây', chủ tiệm bánh chinh phục các Shark Tank- Ảnh 1.

Các chàng trai Savor Cake nhận đầu tư từ Shark Hùng Anh trong tập cuối của Shark Tank mùa 6

NVCC

Savor Cake chuyên sản xuất và giao bánh sinh nhật được sáng lập bởi Vy Tuấn Anh và hai cộng sự. Theo nhà sáng lập, Savor Cake "có thể cung cấp những chiếc bánh sinh nhật hoa quả đảm bảo cả 2 tiêu chí là tươi và nhanh đến bất cứ một bữa tiệc sinh nhật vui vẻ nào chỉ trong 1 giờ kể từ khi khách đặt hàng" với mức giá trung bình khoảng từ 200.000 - 250.000 đồng/cái.

Để vận hành được mô hình này, Savor Cake đã ứng dụng công nghệ vào quản trị, từ quản lý mua hàng, quản lý tồn kho và sản xuất cho đến quản lý bán hàng. Toàn bộ công thức làm bánh đã được số hóa và đưa lên hệ thống nên có thể kiểm tra tồn kho ở thời gian thực, kiểm soát lượng hao hụt dưới 1%. Ngoài ra, hệ thống quản trị của Savor Cake còn quản lý đến từng nhân viên nhằm gán trách nhiệm của từng người với sản phẩm họ làm ra, đồng thời đánh giá được hiệu suất làm việc để tính lương hiệu quả.

Vy Tuấn Anh tiết lộ sau 7 tháng nghiên cứu và phát triển mô hình, 12 tháng tập trung tiếp thị, bán hàng, hiện Savor Cake đã có 3 "bếp trên mây" ở Hà Nội, doanh thu năm qua là 15 tỉ đồng. Để đưa Savor Cake bước vào giai đoạn cất cánh, nhóm đến Shark Tank Việt Nam tìm nhà đầu tư cùng đồng hành với đề nghị rót vào 3 tỉ đồng đổi lấy 6% cổ phần của công ty.

Dùng công nghệ 'bếp đám mây', chủ tiệm bánh chinh phục các Shark Tank- Ảnh 2.

Nhà đồng sáng lập Vy Tuấn Anh dấn thân vào thị trường bánh sinh nhật từ một kỷ niệm buồn

NVCC

Kế hoạch phát triển cụ thể của Savor Cake vào năm 2024, 2025, 2026 là mở tới 8, 18 và 30 bếp. Dự kiến đến năm 2026, doanh thu của start-up này sẽ đạt gần 200 tỉ đồng. Thuyết phục thêm các Shark, Tuấn Hiệp cho biết mô hình này đã thành công ở Trung Quốc với số lượng lên đến hơn 1.000 bếp. Với thị trường Việt Nam, anh đánh giá có thể mở được ít nhất 90 bếp.

Tuy chưa thuyết phục được Shark Bình nhưng mô hình của Savor Cake đã thu hút 4 "cá mập" còn lại "tung deal" quyết liệt. Ban đầu, Shark Hưng đề nghị đầu tư 3 tỉ đồng đổi lấy 36% cổ phần. Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh đưa ra đề nghị đầu tư giống nhau là 3 tỉ đồng đổi lấy 25% cổ phần. Còn Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 3 tỉ đồng dưới dạng khoản vay chuyển đổi.

Để cạnh tranh, Shark Tuệ Lâm nhấn mạnh cô có đầu tư vào một công ty tổ chức sự kiện và ngay lập tức có thể kết nối hợp tác với Savor Cake. Ngoài ra, cô còn có thể hỗ trợ start-up gọi vốn những vòng tiếp theo. Shark Hưng cho biết ông đang làm du học nghề ở Đức và làm bánh là một trong những nghề đang được ông chú trọng. Shark Minh Beta khẳng định về cơ hội để Savor Cake tiếp cận khách hàng của Beta Cinemas, đồng thời nhấn mạnh nếu kết quả kinh doanh năm 2024 của start-up tốt thì phần trăm chuyển đổi sẽ ít hơn.

Dùng công nghệ 'bếp đám mây', chủ tiệm bánh chinh phục các Shark Tank- Ảnh 3.

Mô hình bếp đám mây của Cloud Kitchen

NVCC

Shark Hùng Anh nhanh chóng giảm mức cổ phần sở hữu từ 25% xuống 20%. Ngay lập tức, Shark Tuệ Lâm cũng thay đổi đề nghị đầu tư giống với Shark Hùng Anh là 3 tỉ đồng đổi lấy 20% cổ phần để có được thương vụ này. Tiếp đó, Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm vẫn cạnh tranh quyết liệt với đề nghị 3 tỉ đồng đổi lấy 18% cổ phần. Đến khi nhà sáng lập Savor Cake đề nghị đầu tư 3 tỉ đồng cho 15% cổ phần thì chỉ còn Shark Hùng Anh tiếp tục đàm phán. Sau quá trình thương thảo, hai bên đã đạt thỏa thuận đầu tư, khép lại thương vụ cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 6.

"Lâu lắm rồi tụi mình mới thấy cái gì đó ngọt hơn cả bánh nhà mình", Vy Tuấn Anh hài hước chia sẻ. "Mình bán đồ làm bánh đã 8 năm rồi, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tự mở tiệm bánh cho đến năm 2022, sau một trải nghiệm không vui vẻ lắm trong sinh nhật mẹ. Mẹ mình thích ăn ngọt nên hôm đó mình đã chủ động đặt từ sớm để có chiếc bánh ưng ý nhất. Thế nhưng cuối cùng mình nhận lại được một thành phẩm ngọt ngấy, dày kem và không tươi, cả nhà chỉ ăn được một góc phần 8 rồi bỏ. Tự dưng buổi kỷ niệm sinh nhật bớt vui đi nhiều", Tuấn Anh kể lại.

Chính từ trải nghiệm ấy, Tuấn Anh quyết tâm mở một tiệm bánh của riêng mình với mong muốn nâng tầm trải nghiệm đồ ngọt vào các dịp đặc biệt cho mọi người. Với anh Tuấn Anh và hai cộng sự, không phải ai cũng có đủ tài chính để mua một chiếc bánh đắt tiền, nhưng ai cũng xứng đáng có một chiếc bánh tươi ngon để khoảnh khắc vui vẻ bên những người thân yêu được trọn vẹn nhất.

Để giải quyết các vấn đề ấy, Tuấn Anh cùng cộng sự đã chọn mô hình "bếp đám mây" (Cloud Kitchen) và áp dụng công nghệ quản trị chính tay mình phát triển nhằm tối ưu hóa quá trình vận hành, đáp ứng mức giá hợp lý nhất và cam kết giao được bánh tươi trong vòng nhiều nhất 2 giờ kể từ sau khi đặt cho khách hàng, kiểm soát tỷ lệ hỏng dưới 1%. Đây là những con số thực sự ấn tượng mà các mô hình kinh doanh bánh truyền thống khó thực hiện được. Kết hợp với tốc độ giao hàng ấn tượng nhờ đội shipper nội bộ cùng cam kết hoàn tiền 100% hoặc làm lại bánh nếu giao hỏng, Savor Cake dần được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.