Đừng để học sinh ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc

30/03/2024 15:58 GMT+7

Ngành giáo dục đang tích cực đổi mới kiểm tra đánh giá môn ngữ văn bằng cách ra đề không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa nhằm triệt tiêu hoàn toàn lối mòn học vẹt, học tủ cùng công nghệ văn mẫu. Nhưng chính từ đây, chúng ta lại xoay vòng trong nhiều câu chuyện bi hài về việc lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu.

Ngữ liệu đọc hiểu ngữ văn lớp 6 dài 1,5 trang giấy A 4 gồm 63 dòng

Bài thi cuối học kỳ 1 môn ngữ văn lớp 6 vừa của con gái khiến tôi trăn trở về ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Lúc đón con, tôi nhận thấy thấy vẻ âu lo của một cô bé mê văn, thích sáng tạo bằng ngôn ngữ. Cháu xịu mặt bảo ngữ liệu đọc hiểu dài quá, mất thời gian tìm hiểu và trả lời 10 câu hỏi. Cầm đề văn từ tay con, tôi thật sự ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc.

Giáo viên ra đề trích dẫn một phần văn bản từ hồi ký Cỏ dại của nhà văn Tô Hoài. Có lẽ giáo viên muốn học sinh cảm nhận trọn vẹn tâm trạng của nhân vật trong ngày đầu tiên đi học cùng tấm lòng của người bà hiền hậu. Tuy nhiên, đề kiểm tra đã dẫn phần ngữ liệu trải dài một trang rưỡi (khổ giấy A4) với khoảng 63 dòng văn xuôi.

Đừng để học sinh ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc- Ảnh 1.

Đừng để học sinh ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc- Ảnh 2.

Với ngữ liệu này, học sinh phải đọc, phân tích từng nhân vật, thông hiểu từng chi tiết, kết nối kiến thức tiếng Việt để trả lời 8 câu trắc nghiệm. Trong hai câu hỏi tự luận, học sinh phải đưa ra cảm nhận về nội dung, thông điệp rút ra từ ngữ liệu và liên hệ với bản thân…

Việc yêu cầu học sinh lớp 6 phải đọc hiểu ngữ liệu hoàn toàn mới chưa từng học trong chương trình để hoàn thành 10 câu hỏi thật sự quá sức và quá áp lực với các em.

Đừng để học sinh ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc- Ảnh 3.

Ngữ liệu dài một trang rưỡi (khổ giấy A4) với khoảng 63 dòng văn xuôi

CHỤP MÀN HÌNH

Hiểu được nội dung của ngữ liệu là một chuyện, diễn đạt thành câu cú, từ ngữ lại là một chuyện khác. Giáo viên chỉ có thể mong học sinh nêu đúng vấn đề, đi đúng trọng tâm chứ không thể buộc các em phân tích sâu.

Đề ngữ văn này cho thấy chúng ta đang đặt ra yêu cầu quá cao đối với học sinh vừa mon men lên cấp THCS. Bài kiểm tra cuối kỳ nhằm đánh giá khảo sát năng lực học sinh và điều chỉnh phương pháp dạy học của giáo viên đang trở thành cuộc đua đầy căng thẳng, bởi chính từ những đề kiểm tra khó nhằn như thế này!

Trước đây, cũng đã có những tranh cãi về ngữ liệu đề thi ngữ văn không phù hợp hoặc quá dài ở nhiều trường.

Đừng để học sinh ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc- Ảnh 4.

Đề kiểm tra ngữ văn lớp 11 đưa ra 70 câu thơ

Ngữ liệu khiến học sinh ngao ngán: Giải pháp nào?

Trong khi môn văn ngày càng bị đánh giá là khô cứng và “khó nhai” khiến học sinh hời hợt học thì những đề văn khó như thế này phải chăng càng khiến học sinh ngán-ngại?

Đừng để học sinh ngợp với ngữ liệu đọc hiểu dài dằng dặc- Ảnh 5.

Ngữ liệu đề kiểm tra môn ngữ văn phải được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi

ẢNH MINH HỌA: Đ.N.T

Đợt kiểm tra cuối năm sắp diễn ra trên cả nước, nhiều địa phương giao việc ra đề kiểm tra về cho tổ bộ môn các trường và nhiều khả năng sẽ tiếp tục chứng kiến những đề văn gây tranh cãi về ngữ liệu.

Thiết nghĩ mỗi nhà giáo khi bắt tay xây dựng đề văn cần chú trọng nhiều hơn ở khâu lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, ngữ liệu phù hợp với đặc trưng thể loại trong chương trình, độ khó tương đương yêu cầu cần đạt về kiến thức, năng lực, phẩm chất.

Thứ hai, ngữ liệu có dung lượng vừa phải, phù hợp với trình độ nhận thức lứa tuổi, đáp ứng thời gian làm bài theo quy định.

Thứ ba, ngữ liệu phải đảm bảo tính đặc thù của văn chương, hài hòa chân-thiện-mỹ, gắn với truyền thống văn hóa và có tính giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.