Dùng hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quảng cáo thực phẩm trị bệnh mắt

Duy Tính
Duy Tính
13/01/2024 10:05 GMT+7

Không chỉ dùng hình ảnh lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, website bán hàng còn giả phỏng vấn một bác sĩ nổi tiếng để bán thực phẩm trị bệnh mắt, nhưng thực tế vị này qua đời đã khá lâu.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một trang Facebook có tên Blossom Breeze với hình đại diện một cô gái nước ngoài quảng cáo bán thuốc trị bệnh mắt, nhưng thực chất bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trang Facebook này dẫn các bài viết ở các tên miền khác nhau, nhưng dùng hình ảnh lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, đại biểu Quốc hội và hình ảnh Quốc hội đang họp... để quảng cáo sản phẩm.

KHÁM PHÁ GIẬT GÂN ?

Facebook này đăng dòng trạng thái: "Một khám phá giật gân trong thế giới y học: phương thuốc này phục hồi thị lực ở mọi lứa tuổi". Kèm theo là ảnh chân dung PGS-TS T.C.T, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đang phát biểu ở HĐND TP.HCM. Lồng trong tấm ảnh là hình chai thuốc nhỏ mắt, cùng chú thích: Một phương thuốc tự nhiên sẽ phục hồi thị lực của bạn lên 100% sau 7 ngày. Cùng với đó là khuyến cáo: Hãy đọc trước khi bị xóa.

Dùng hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quảng cáo thực phẩm trị bệnh mắt- Ảnh 1.

Các trang web sử dụng hình ảnh trên nghị trường của đại biểu T.T.N.

DUY TÍNH

Chúng tôi nhấp vào dòng chữ "tìm hiểu thêm" thì hiện ra trang https://healthyoutlet.store/... Trang web này lấy logo của VTV gán ghép hình ảnh biên tập viên H.A của nhà đài này phỏng vấn học sinh có tên Đ.N.H với chủ đề: Chàng trai đến từ Việt Nam làm nên kỳ tích thực sự, lọt vào top 50 học sinh giỏi nhất thế giới ?

Nội dung xoay quanh học sinh Đ.N.H được cho là thần đồng, bỏ ra 3 năm nghiên cứu đã tạo ra một công thức giúp phục hồi thị lực lên 100%. Sản phẩm do "thần đồng" tạo ra có tên Eyelab, đã vượt qua thành công tất cả các thử nghiệm lâm sàng. Học sinh này đã nhận được giải thưởng sinh viên toàn cầu, vào top 50 sinh viên giỏi nhất thế giới và được cả thế giới công nhận (?).

Trong đoạn trả lời phỏng vấn, học sinh này nói: "Người Pháp là những người đầu tiên liên hệ với em và đưa ra mức giá 120.000 euro. Công ty cuối cùng là một công ty dược phẩm của Mỹ, họ muốn mua sáng chế của em với giá 35 triệu USD. Bây giờ em đã đổi số điện thoại và không lên mạng xã hội nữa".

Trong bài viết quảng cáo này cũng có một đoạn phỏng vấn giám đốc một bệnh viện chuyên khoa mắt về hiệu quả của thuốc trị bệnh mắt Eyelab, nhưng thực tế vị này đã qua đời khá lâu. Cùng với đó là những bình luận của người bệnh sau sử dụng để tăng sự uy tín của thuốc trị bệnh mắt này.

Một điều đặc biệt khác, thuốc trị bệnh mắt Eyelab không bán tại nhà thuốc mà chỉ đặt hàng qua website và được giao tận nhà. Giá thuốc đã được khuyến mãi 50%, còn 590.000 đồng/lọ.

Nói là thuốc trị bệnh mắt, nhưng trên nhãn lọ thuốc có các dòng chữ: thực phẩm bảo vệ sức khỏe; hỗ trợ phục hồi thị lực; hỗ trợ hạn chế lão hóa mắt; hỗ trợ giúp đôi mắt sáng, khỏe; hỗ trợ bổ sung các dưỡng chất cho mắt.

Để tăng độ tin cậy, trên website có hình hộp thuốc Eyelab, bên trên có con dấu đỏ ghi: Bộ Y tế chứng nhận sản phẩm chính hãng.

DÙNG HÌNH ẢNH NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI ĐỂ QUẢNG CÁO

Trong một quảng cáo khác, cũng trang Facebook này dẫn link https://healthyoutlet.store/... giả mạo Tạp chí Sở hữu trí tuệ với chủ đề: Vụ bê bối lớn chưa từng có ở Bệnh viện Mắt T.Ư Hà Nội: Ai đó đã cố tình giấu đi một loại thuốc độc đáo mới để phục hồi thị lực cho các bệnh nhân !? "Vụ bê bối cấp cao nổ ra tại Bệnh viện Mắt T.Ư Hà Nội. Phó giám đốc phòng khám, bác sĩ trưởng và nhiều nhân viên khác tố cáo ban lãnh đạo không cho bệnh nhân của họ được kê đơn loại thuốc mới giúp phục hồi thị lực 98 - 100% mà không cần phẫu thuật", một đoạn nội dung thể hiện.

Dùng hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quảng cáo thực phẩm trị bệnh mắt- Ảnh 2.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM được các đối tượng "chuyển" ra làm Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội

Đáng nói, bài viết quảng cáo tự ý kèm hình ảnh của ông T.C.T, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM; thậm chí "chuyển" ông này từ Giám đốc Sở Y tế TP.HCM sang làm Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội chỉ đạo vụ việc. Một đại biểu Quốc hội là luật sư T.T.N thì được phong giáo sư nhãn khoa Bệnh viện Mắt T.Ư Hà Nội nói về câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện Mắt T.Ư Hà Nội. Bạo gan hơn, website này còn dùng hình ảnh nghị trường Quốc hội với chú thích: Trưng bày Eyelab tại Hội nghị y tế công cộng VN.

Không chỉ vậy, các nội dung như trên còn chạy trên tên miền https://zre1.vietnam-news.store/..., https://uptherinnila.online/... Tất cả những quảng cáo này đều phục vụ cho mục đích bán sản phẩm Eyelab.

LẦN RA ĐẦU MỐI

PV Thanh Niên đã đặt mua hàng từ website https://healthyoutlet.store/... Chỉ vài phút sau đặt hàng, có 2 cuộc điện thoại di động với tên Lovehealth gọi đến tư vấn. PV bắt máy thì cô tư vấn viên huyên thuyên rằng sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng đã được kiểm nghiệm lâm sàng với 500 - 1.000 bệnh nhân, uống 1 liệu trình 4 hộp Eyelab thì sẽ khỏi mỏi mắt, nhức mắt, ngăn ngừa biến chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác…

Dùng hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quảng cáo thực phẩm trị bệnh mắt- Ảnh 3.

Hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, PGS-TS T.C.T bị lồng ghép vào quảng cáo

Cô tư vấn viên nói sản phẩm giảm giá 50%, tức còn 590.000 đồng/hộp, nếu mua 1 liệu trình thì ưu đãi thêm chỉ còn 560.000 đồng/hộp. PV đặt mua 1 hộp thì cô này báo giá 590.000 đồng, cộng tiền phí giao hàng 40.000 đồng, tổng cộng 630.000 đồng. PV yêu cầu cung cấp hóa đơn khi mua hàng hoặc tài khoản ngân hàng để chuyển tiền thì người này ấp úng và không cung cấp. Thậm chí, PV xin địa chỉ công ty để đến tận nơi mua thì nhân viên này cho hay công ty ở một tòa nhà cao tầng cho thuê trên đường Nguyễn Hữu Thọ, H.Nhà Bè (TP.HCM), nhưng nơi này là văn phòng, chỉ bán hàng qua mạng.

Mấy ngày sau, PV tiếp tục gọi vào số điện thoại Lovehealth để hối giao hàng, nhưng có vẻ do chỉ mua 1 hộp nên nhân viên bắt máy không mặn mà chốt đơn. PV phải gọi đến người thứ 4 thì mới được chốt đơn giao hàng nhưng cũng mất 3 ngày. Lúc này, 1 hộp giá chỉ còn 540.000 đồng, bao gồm cả phí giao hàng.

Dùng hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM quảng cáo thực phẩm trị bệnh mắt- Ảnh 4.

Một thực phẩm đăng ký bảo vệ sức khỏe bình thường nhưng quảng cáo quá đà, sai sự thật

DUY TÍNH

Lúc nhận hàng, PV hỏi nhân viên giao hàng thì người này nói không biết địa chỉ, người gửi, cũng không có hóa đơn. Theo ghi nhận của PV, trên bao bì hộp đựng hàng có ghi đơn vị vận chuyển là Lazada Logistics. Lọ thực phẩm nhãn hiệu Eyelab, trên bao bì và nhãn lọ thuốc ghi thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là Công ty TNHH Nature Origin (tòa nhà HKL Building, 154 - 156 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM); sản xuất tại Công ty TNHH thương mại dược phẩm Trang Ly (KCN Nguyên Khê, tổ 61, Thị trấn Đông Anh, Hà Nội). Số đăng ký sản phẩm trên bao bì ghi 3873/2020/ĐKSP.

Kiểm tra tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, sản phẩm có đăng ký và có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, nhưng nơi sản xuất, đăng ký quảng cáo là ở Hải Dương chứ không phải ở Hà Nội.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tiến hành mời các đơn vị liên quan lên làm rõ hành vi quảng cáo, sử dụng hình ảnh để quảng cáo trái phép như trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.