Euro 2016 được bảo vệ như thế nào

08/06/2016 08:24 GMT+7

Ngay trước thềm Euro 2016, Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận nguy cơ khủng bố là có thật. Vậy nước Pháp đang làm gì để bảo vệ sự kiện thể thao quan trọng này?

Tăng cường an ninh
Hôm qua, khi từ Lille trở về bước xuống sân ga Bercy ở trung tâm Paris tôi đã bắt gặp ngay những toán cảnh sát với súng ngắn giắt bên hông đi tuần tra liên tục. Ở các ga tàu lớn còn có quân đội phối hợp với cảnh sát để làm công tác bảo an, hình ảnh “súng ống” có vẻ nhiều hơn cách đây mấy ngày, khi tôi tạm rời Paris để lên Lille. Theo thông tin mới nhất, đã có thêm 1.200 binh sĩ và 3.000 cảnh sát viên được tăng cường, bổ sung vào lực lượng 10.000 binh sĩ đã được điều động trước đó để bảo vệ thường trực tại Paris.
Riêng sân Stade de France với sức chứa 80.000 khán giả ở vùng Saint-Denis phụ cận, lực lượng bảo vệ bao gồm khoảng 1.100 cảnh sát và binh sĩ cùng với 1.300 nhân viên của các công ty vệ sĩ tư tham gia làm công tác an ninh, được bố trí thành nhiều vòng. Có đến 8 điểm đặt máy soi an ninh tại 6 cổng vào Stade de France, nơi sẽ diễn ra trận khai mạc và trận chung kết cùng một số trận đấu khác trong khuôn khổ Euro 2016. Nhìn chung, công tác kiểm tra an ninh đối với khán giả vào sân và vào các khu fanzone được thực hiện nghiêm ngặt như đối với hành khách lên máy bay vậy.
Tất cả 10 địa điểm thi đấu sẽ có các trung tâm chỉ huy riêng để điều phối công tác bảo an cũng như nhân viên cứu hộ, cứu nạn. Chó nghiệp vụ, lính bắn tỉa và cảnh sát chống bạo động sẽ túc trực thường xuyên trong xe bọc thép, để sẵn sàng vào cuộc mỗi khi có sự cố khẩn cấp xảy ra tại sân vận động.
Ngăn chặn tấn công từ trên không cũng được đưa vào kế hoạch an ninh. Bên cạnh kiểu tấn công bằng máy bay dân dụng như vụ khủng bố 11.9.2001 tại Mỹ, hình thức tấn công mới có thể là bọn khủng bố sẽ sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa mang chất nổ tiếp cận mục tiêu. Các thiết bị loại này có giá chỉ khoảng vài trăm USD và được bán phổ biến trên mạng, ai cũng có thể dễ dàng mua được.
Để phòng ngừa nguy cơ tấn công từ trên không, nước chủ nhà Pháp sẽ thiết lập khu vực cấm bay trên các sân vận động và fanzone, nơi cổ động viên sẽ tập trung để xem truyền hình trực tiếp trên màn hình khổng lồ. Lực lượng không quân sẵn sàng ngăn chặn các máy bay bị không tặc tấn công theo kiểu 11.9. Bên cạnh đó, ông Ziad Khoury, người đứng đầu Ban An ninh và an toàn Euro 2016, cho biết một công nghệ mới đã được áp dụng, cho phép lực lượng chức năng can thiệp và chiếm quyền kiểm soát các thiết bị bay điều khiển từ xa, từ flycam thông thường cho tới loại chuyên dụng.
Nguy cơ hiện hữu
Hôm chủ nhật, Tổng thống Francois Hollande đã lên tiếng khẳng định nước Pháp sẽ làm tất cả để đảm bảo một kỳ Euro 2016 thành công tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng thừa nhận nguy cơ khủng bố là có thật. “Mối đe dọa là có thật. Nhưng chúng ta không run sợ trước điều đó... Chúng ta sẽ thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa để có một kỳ Euro thành công”, ông nói.
Hiện nay, nguy cơ khủng bố lớn nhất vẫn đến từ lực lượng Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là IS. Chính IS là thủ phạm của các vụ tấn công đẫm máu tại nước Pháp hồi năm ngoái. Euro 2016, với sự tập trung đông đảo của người hâm mộ, du khách trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, có thể sẽ là cơ hội để khủng bố thâm nhập và hành động.
Bên cạnh Hồi giáo cực đoan, nguy cơ khủng bố còn đến từ các lực lượng khác, dù thấp hơn. Tại Pháp, làn sóng người nhập cư bất hợp pháp gần đây đã làm nảy sinh nhiều hơn những xung khắc nội tại. Các phần tử dân tộc cực hữu theo đó trở nên nguy hiểm hơn. Mới đây, cảnh sát Ukraine đã bắt được một người đàn ông Pháp ở vùng biên giới giữa nước này và Ba Lan. Theo điều tra ban đầu, người này đang dự định tuồn vũ khí về Pháp và có thể tấn công một số khu vực tập trung người Hồi giáo và Do Thái trong dịp Euro 2016.
Có thể nói, với những gì đã xảy ra vào năm ngoái, giờ đây, nước Pháp đang tăng cường phòng ngừa một cách cao nhất. Euro 2016, vì thế, có thể trở thành sự kiện thể thao được bảo vệ nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay.
Fanzone Paris mở cửa bình thường
Bà Anais Mercier, quan chức phụ trách báo chí Ban tổ chức Euro 2016 tại Paris, cho biết khu fanzone có sức chứa 90.000 người gần tháp Eiffel vẫn sẽ hoạt động theo đúng kế hoạch trong suốt giải bóng đá sắp tới. Bà Mercier khẳng định công tác an ninh đã được thắt chặt ở mức cao nhất, đảm bảo cho sự thành công của khu fanzone vốn được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm của mùa hè này. Trước đó, Hãng tin AFP đưa tin Cảnh sát Paris đã đề xuất đóng cửa khu fanzone do lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, sau đó chính Cảnh sát Paris đã phủ nhận thông tin họ từng đề nghị đóng cửa fanzone.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.