Cần “gói kích thích” hơn “bơm tiền” ồ ạt vào thị trường

02/07/2012 03:00 GMT+7

Những nghiên cứu điển hình về giảm phát trên thế giới cho thấy, sự gia tăng đòn bẩy nợ là nguyên nhân dẫn đến giảm phát và tiếp theo là kinh tế đình đốn.

VN đã có sự bùng nổ tín dụng trong nhiều năm qua và khiến các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) nói chung và đặc biệt là các tập đoàn kinh tế của nhà nước nói riêng đang trở nên rất rủi ro.

Tích lũy nợ

Từ năm 1998 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VN mỗi năm luôn cao hơn mức 23%/năm. Ở VN, với chính sách lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo và dùng các tập đoàn, tổng công ty (TCT) làm các "quả đấm thép" nhằm kiến tạo phát triển nên nhiều nguồn lực kinh tế. Vì thế, việc cho vay sẽ được dành cho các tập đoàn. Cụ thể, tính đến tháng 9.2011, dư nợ vay ngân hàng của SOE lớn là 415,347 tỉ đồng tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước. Trong đó, hơn một nửa số nợ tập trung vào 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (218,738 tỉ, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam 72.300 tỉ, EVN 62.800 tỉ, Vinacomin 20.500 tỉ và Vinashin 19.600 tỉ).

Hệ quả là đòn bẩy nợ của các tập đoàn, TCT ở mức rất cao. Theo dữ liệu từ đề án tái cơ cấu DNNN của Bộ Tài chính trình bày tại phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 4.2012, tính đến tháng 9.2011, có đến 30/85 (tức 35%) tập đoàn và TCT có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Đặc biệt có 7 tập đoàn, TCT có tỷ lệ này trên 10 lần gồm TCT xây dựng công nghiệp (Tập đoàn Sông Đà), TCT xây dựng CTGT 1, TCT xây dựng CTGT 5, TCT xây dựng CTGT 8, TCT xăng dầu Quân đội, TCT Thành An và TCT phát triển đường cao tốc.

Vào tháng 5.2012, vụ việc Vinalines thua lỗ và có thể bị vỡ nợ được đưa ra. Chính phủ cho biết tính đến cuối năm 2011, khoản nợ của Vinalines là 43.100 tỉ đồng (tương đương 2,1 tỉ USD) - gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu ở mức 9.410 tỉ đồng. Vụ việc này làm người ta nhớ đến Vinashin, tập đoàn doanh nghiệp đóng tàu có khoản nợ lên đến 4,5 tỉ USD khiến sức khỏe của các ngân hàng VN chao đảo (nợ xấu). Sức khỏe tài chính của một số tập đoàn và doanh nghiệp lớn của VN đang ở tình trạng báo động. Ví dụ như Vinacomin, TKV bị Moody hạ hạn mức tín nhiệm xuống mức tiêu cực vì sức khỏe tài chính thiếu lành mạnh.

Như vậy, tình trạng tích lũy nhanh nợ ở các tập đoàn và TCT nhà nước đã xuất hiện. Nghĩa là thời điểm suy thoái và đình đốn sản xuất cho nền kinh tế VN đã đến.

Kích thích hay bơm tiền?

Năm 2011, hoạt động thoái vốn ngoài ngành được thực hiện từng phần là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) giảm sâu. Và từ tháng 10.2011, giá bất động sản (BĐS) bắt đầu tụt dốc. Ở nước ngoài, các cá nhân đi vay để đầu tư hoặc đầu cơ vào các tài sản tài chính nhưng ở VN, các SOE đi vay để đầu tư hoặc đầu cơ vào BĐS, TTCK. Trong đó, BĐS là quan trọng vì đây vừa là tài sản dùng để đảm bảo vừa là thị trường bị đầu cơ mạnh mẽ. Do đó, chuyển động của giá BĐS sẽ thể hiện rõ giai đoạn bán tháo các tài sản giống như thế giới. Chuyện các tập đoàn và TCT, buộc phải bán các dự án BĐS mà họ đang sở hữu để trả nợ là hoàn toàn có thể.

Đầu tư vào thị trường BĐS không chỉ các DNNN mà còn cả kinh tế tư nhân. Ở VN, có sự tồn tại giữa những nhóm lợi ích thân hữu với các quan chức để đầu tư vào các dự án BĐS. Những người này cũng được ưu ái về tín dụng và dẫn tới sự tích lũy nhanh về các khoản nợ.

Vì vậy, phương pháp chữa trị giảm phát cần thiết phải có sự can thiệp của NHNN và Chính phủ. Trên thế giới, tùy thuộc vào mỗi quan điểm kinh tế của người điều hành sẽ có những chính sách khác nhau. Hiện nay, điểm chung mà các ngân hàng trung ương từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và ECB thực hiện đều là các đợt nới lỏng định lượng. Nghĩa là giảm phát sẽ được triệt tiêu bằng cách tạo ra sự tràn ngập thanh khoản trong hệ thống tài chính.

Thực tế ở VN cho thấy chúng ta đang cần một gói kích thích kinh tế lần hai hơn là việc bơm tiền ào ạt. Bởi cuối năm 2011, NHNN đã thực hiện bơm tiền ào ạt vào thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay qua đêm đã trở nên rất thấp (2,5%/năm, thấp hơn cả năm 2007). Trần lãi suất huy động cũng liên tục được cắt giảm từ mức 14%/năm xuống còn 9%/năm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Số lượng doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động tăng vọt. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2012, đã có trên 2.400 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và trên 11.600 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu như VN đã rơi vào bẫy thanh khoản thì cho dù NHNN có tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng khó mà tạo nên tăng trưởng tín dụng.

Đừng “hất văng” DN tư nhân!

Lĩnh vực tư nhân dù là thành phần ít được hưởng các ưu đãi về kinh tế hơn so với thành phần kinh tế nhà nước nhưng lại đóng góp hơn 48% vào GDP, cao hơn mức 30-35% của khu vực kinh tế nhà nước. Điều đáng lo ngại là khu vực kinh tế tư nhân đang chịu “tác động hất văng (crowding out)” do sự chèn ép từ khu vực công. Tức là sự đầu tư quá mức của khu vực công sẽ làm lãi suất thị trường tăng lên và gây nên sự suy giảm đầu tư của khu vực tư nhân.

Khu vực tư nhân cũng dễ tổn thương hơn bởi sự mất ổn định của thị trường tiền tệ do phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, ở VN khu vực tư nhân không được đầu tư vào một số lĩnh vực trọng yếu nên nếu như khối SOE không đảm đương trọng trách của mình thì nền kinh tế có thể bị thiếu những cơ sở vật chất cần thiết để phát triển.

TS Lê Đạt Chí (ĐH Kinh tế TP.HCM)

>> EU thông qua gói kích thích tăng trưởng
>> Bơm tiền chống... lạm phát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.