TP.HCM cần 39 tỉ USD xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

03/07/2012 15:55 GMT+7

(TNO) Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM từ nay đến năm 2020 đề ra mục tiêu tập trung nguồn lực vào 5 lĩnh vực quan trọng về kết cấu hạ tầng với tổng nhu cầu vốn khoảng 39 tỉ USD. Đó là con số ghi nhận tại Hội nghị lần thứ 10 - Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 9 vừa được tổ chức sáng nay, 3.7.

(TNO) Sáng nay 3.7, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị lần thứ 10 - Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa 9. Hội nghị đã đề ra chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa 11 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thành ủy TP.HCM nhận định, trong những năm qua, thành phố (TP) đã huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

TP.HCM cần khoảng 39 tỉ USD xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ - 1
Toàn cảnh Hội nghị Thành ủy TP.HCM sáng nay 3.7 - Ảnh: Đình Phú

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng của TP vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng nối kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thiếu đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, trường học… ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế của TP.

TP.HCM cần khoảng 39 tỉ USD xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ - 2
Dự kiến, đến năm 2015, khu vực trung tâm TP.HCM sẽ cơ bản hết ngập nước - Ảnh: Diệp Đức Minh

Do vậy, chương trình hành động của Thành ủy từ nay đến năm 2020 đề ra mục tiêu cần tập trung nguồn lực vào 5 lĩnh vực quan trọng: hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; hạ tầng thủy lợi, chống ngập nước và ứng phó với biển đổi khí hậu; hạ tầng y tế; hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng 39 tỉ USD (bình quân nhu cầu vốn từ 3 - 4 tỉ USD/năm), huy động từ nhiều nguồn khác nhau (ngân sách, ODA, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước), từ nhiều thành phần kinh tế, theo nhiều hình thức.

Tổng mức vốn 39 tỉ USD này sẽ đáp ứng các mục tiêu cụ thể của TP: Phấn đấu đến năm 2015, tổng chiều dài đường làm mới đưa vào sử dụng 210 km, xây mới và đưa vào sử dụng 50 cây cầu, mật độ đường giao thông đạt 1,87 km/km2 (đến năm 2020 đạt 2,17 km/km2), tỷ lệ đất giao thông đạt 8,18% (năm 2020 đạt 12,2%).

TP.HCM cần khoảng 39 tỉ USD xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ - 3
TP.HCM sẽ có thêm 50 cây cầu vào năm 2015 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Do việc mở rộng các tuyến đường ở khu vực trung tâm khó khả thi nên TP.HCM quyết tâm nâng dần tỷ lệ đất giao thông thông qua việc tập trung xây dựng các công trình giao thông tại các khu đô thị mới, các huyện ngoại thành, đường vành đai, xuyên tâm…

Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ ra vào TP (xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A), xây dựng hệ thống cầu vượt và các nút giao thông trọng yếu; hoàn thành đưa vào sử dụng đường vành đai số 2, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, liên tỉnh lộ 25B, cầu Sài Gòn 2…; đến năm 2017 hoàn thành tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương và đến 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn TP; đến năm 2020 xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, hoàn thành dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, xây dựng một phần đường vành đai 3, vành đai 4.

Về vấn đề giảm ngập nước, đến 2015, TP giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại khu vực trung tâm (diện tích 100 km2, dân số khoảng 3,3 triệu người); xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực bắc Tàu Hũ, Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần các quận 8, Bình Thạnh); đến năm 2020 giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa tại 5 vùng thoát nước và phần diện tích còn lại của TP.

Thành ủy TP.HCM cũng đặt chương trình phát triển nhà ở vào chương trình hành động trọng tâm trong những năm tới. Phấn đấu năm 2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 17 m2/người, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 140.000 sinh viên (60% nhu cầu), nhà ở lưu trú cho khoảng 100.000 công nhân (50% nhu cầu). Đến 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người nâng lên 19,8 m2/người, chỗ ở cho khoảng 230.000 sinh viên, nhà ở lưu trú cho khoảng 200.000 công nhân, quỹ nhà tái định cư khoảng 30.000 căn, quỹ nhà ở xã hội khoảng 10.000 căn... 

Trong số các giải pháp thực hiện được đề ra, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo phải xây dựng quy hoạch chiến lược dài hạn, lập danh mục đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng (ít nhất 3 nhiệm kỳ), gắn với ước tính phân bổ nguồn vốn cho các công trình trong tương lai.

Đình Phú

>> Quảng Ngãi đầu tư hơn 37.935 tỉ đồng phát triển đô thị
>> TP.HCM cần 1.400.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị
>> Hội thảo “Phát triển đô thị bền vững”
>> Không lạm dụng phát triển đô thị 2 bờ sông Hồng
>> Ngưng các dự án phát triển đô thị nằm trong đất rừng
>> Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025
>> Làm gì để phát triển đô thị bền vững?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.