FE CREDIT linh hoạt để thích ứng trong đại dịch Covid-19

11/10/2021 08:08 GMT+7

Ảnh hưởng nặng nề trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các công ty tài chính đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng. Ðể làm được điều này, các công ty liên tục đưa ra các giải pháp linh hoạt để có thể vừa hỗ trợ khách hàng vừa có thể đảm bảo hoạt động an toàn trong thời điểm dịch

FE CREDIT giảm lãi, cơ cấu nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra

Ảnh: N.B

Giảm lãi, hỗ trợ hơn nửa triệu khách hàng

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021 vào đầu tháng 9 sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, FE CREDIT đã triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ đến khách hàng. FE CREDIT xem xét hoãn trả nợ trong vòng 4 tháng từ tháng 9.2021 và gia hạn thời hạn vay 4 tháng cho các khách hàng.

Việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được công ty triển khai từ tháng 6.2021, chủ động miễn, giảm lãi cho khách hàng theo nhóm nợ khi các tỉnh, thành phố bắt đầu thực hiện cách ly xã hội. Khách hàng gặp khó khăn tài chính hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rơi vào các nhóm nợ từ 2 - 5 được xem xét miễn giảm một phần lãi để hỗ trợ khách hàng thanh toán nợ quá hạn, giảm gánh nặng tài chính và rủi ro nợ xấu trong tương lai. Kể từ tháng 8.2021, FE CREDIT cũng triển khai chương trình miễn giảm lãi từng kỳ khi khách hàng đóng đủ dư nợ gốc và 50% tiền lãi của kỳ thanh toán gần nhất sẽ được xem xét miễn giảm tiền lãi còn lại cần phải đóng của kỳ góp đó. Các giải pháp này đã hỗ trợ hơn 130.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số lãi phí hỗ trợ gần 215 tỉ đồng. Đây là một phần kết quả trong nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mà FE CREDIT đã và đang triển khai hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Ngoài hỗ trợ khách hàng cũ, FE CREDIT còn tìm các giải pháp giúp khách hàng có nhu cầu tiếp cận vay vốn trong bối cảnh giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc. Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 2/2021 gần 1,2 triệu người, thu nhập bình quân của lao động đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý 1/2021. Dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài đã tác động đến thu nhập của người dân càng thêm sụt giảm. Theo đánh giá mới đây từ Bộ Công thương, nhu cầu vay tiêu dùng của một bộ phận người dân không nhỏ trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt, giải quyết các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống. So với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không đảm bảo, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, FE CREDIT đã hỗ trợ 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi. Khách hàng ngồi ở nhà vẫn có thể vay bằng cách đăng nhập vào website FE CREDIT, đăng nhập một số thông tin để có thể thực hiện vay online.

Chiến lược linh hoạt để thích ứng trước hoàn cảnh dịch bệnh

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ cũng giúp FE CREDIT gia tăng tối đa trải nghiệm khách hàng trong xuyên suốt quy trình vay từ việc đăng ký khoản vay, theo dõi và thanh toán khoản vay, sử dụng khoản vay cho các dịch vụ thanh toán tiện ích, hay thậm chí gửi yêu cầu, khiếu nại… đều được thực hiện trên nền tảng số, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng, đồng thời đảm bảo an toàn giãn cách. Bên cạnh đó, nhằm giúp khách hàng thích ứng tốt hơn với xu hướng thanh toán không tiếp xúc, công ty đã liên kết với các đối tác để đa dạng hóa kênh thanh toán trực tuyến cho khách hàng như: ví điện tử ZaloPay, Momo, SmartPay, ViettelPay, ShopeePay... giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin và hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT cho biết: “ Dịch Covid-19 đã đang và sẽ còn tác động đến xã hội, kinh tế, điều này đòi hỏi các công ty thay đổi chiến lược kinh doanh thích nghi với hoàn cảnh mới. Bên cạnh chủ trương hỗ trợ tối đa cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty cũng đang triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới, duy trì ổn định và tăng trưởng bền vững trong tương lai. Việc đầu tiên là điều chỉnh lại các sản phẩm cho phù hợp với tình hình dịch phức tạp và kéo dài như hiện nay. Cùng với đó, cần giữ liên lạc thường xuyên và thấu hiểu khó khăn của khách hàng để khi bắt đầu quay lại nhịp sống bình thường, khách hàng sẽ tiếp tục lựa chọn FE CREDIT đồng hành cùng họ. Đối với các điểm giới thiệu sản phẩm hiện đang đóng cửa theo quy định của Nhà nước trong giai đoạn giãn cách, cần linh hoạt chuyển đổi việc bán hàng qua các kênh phân phối khác. Cuối cùng là kiểm soát chặt chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận, không tăng nhân sự trong thời gian này”.

FE CREDIT đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp giãn cách nhân viên, phân chia lịch làm việc tại nhà, tái cơ cấu hoạt động nhằm duy trì được năng suất, ổn định tâm lý làm việc và giữ gìn sức khỏe cho cả bộ máy nhằm hướng đến tăng trưởng ổn định và bền vững sau đại dịch. Trước đó, FE CREDIT đã ứng dụng những phần mềm quản lý nhân sự vào vận hành và quản trị tổ chức, giúp tạo ra những giải pháp quản lý toàn diện cho công ty, đơn giản hóa quy trình quản lý nhân sự, tiết giảm chi phí và thời gian thực thi nhiệm vụ; đặc biệt là giúp ban lãnh đạo nhanh chóng có được những quyết định đúng đắn về nhân sự.

Sáng kiến “Digital School” là bước đột phá trong việc đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nhân viên và các đại lý khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án kinh doanh và vận hành trọng điểm, cả về mặt bán hàng và thu hồi nợ. Dự án này hướng tới các mục tiêu cụ thể như số hóa tài liệu đào tạo giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhân lực, đáp ứng nhu cầu đào tạo cấp thiết, tạo trải nghiệm học tập để người đào tạo và người học đều cảm thấy hào hứng, kích hoạt văn hóa học tập mọi lúc mọi nơi. Trước đó, FE CREDIT đã triển khai thành công mô hình bán hàng đa nhiệm thông qua việc hợp tác với các chuỗi bán lẻ lớn trên toàn quốc, tận dụng lực lượng bán hàng thuộc các đối tác. Toàn bộ quy trình bán hàng hoàn toàn được số hóa từ việc lên hồ sơ, kỳ hợp đồng điện tử, thẩm định, duyệt vay,… đảm bảo thông tin được xử lý một cách bảo mật và đồng bộ. Nhờ vậy, công ty đã tiết kiệm được 70% chi phí nhân sự bán hàng trên thị trường, doanh số bán hàng tăng 170% sau 3 tháng triển khai. Hiện tại mô hình bán hàng đa nhiệm đang giúp FE CREDIT tiết giảm 28% tổng chi phí và giảm tải phần lớn công việc cho nhân viên.

Ngoài ra, vào tháng 10.2020, công ty đã mua hệ thống chăm sóc khách hàng có thể đáp ứng hơn 1 triệu cuộc gọi/ngày từ hãng Genesys Enage (Mỹ), từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên tổng đài. Hiện nay, hệ thống của FE CREDIT có thể xử lý xấp xỉ 10.000 cuộc gọi đến mỗi ngày và 5.000 email, chat và cuộc họp qua mạng xã hội cũng như tự động hóa gần như toàn bộ số cuộc gọi đi từ tổng đài.

Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, FE CREDIT đã nhận định được các rủi ro từ sớm và đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Việc có chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống khẩn cấp trong dịch đã giúp FE CREDIT không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh mà còn thu được nhiều kinh nghiệm để vượt qua thách thức, từ đó tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

“Dịch Covid-19 đã đang và sẽ còn tác động đến xã hội, kinh tế, điều này đòi hỏi các công ty thay đổi chiến lược kinh doanh thích nghi với hoàn cảnh mới” -

ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.