img

"Bác của anh là người Việt mở nhà hàng ở Prague (thủ đô CH Czech) phải không? Tôi hứng thú với món ăn Việt Nam lắm. Một ngày nào đó, nhất định tôi sẽ ghé qua". Đây là đoạn chia sẻ của thủ môn Filip Nguyễn với người viết cách đây 3 năm. Đó là thời điểm Filip Nguyễn đang khoác áo CLB Slovan Liberec của CH Czech. Anh thừa nhận mình kém tiếng Việt, nửa chữ cũng "bập bẹ". Nhưng nhắc tới hai tiếng Việt Nam, Filip Nguyễn luôn bồi hồi.

Sau lưng áo của cựu thủ thành đội Liberec một thời là chữ "Nguyen". Là "Nguyen", chứ không phải "Filip". Là cái tên đặc sệt chất Việt Nam, sau lưng áo của một thủ thành với phom người chuẩn châu Âu. Filip Nguyễn chưa bao giờ quên nguồn cội. Anh lựa chọn trở về. Để rồi sau hành trình thi đấu và hồi hộp chờ đợi thủ tục nhập tịch, ngày hôm nay, Filip Nguyễn là người Việt Nam, và đã sẵn sàng để khoác áo đội tuyển Việt Nam nếu HLV Philippe Troussier quyết định triệu tập.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 1.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 2.

Điều tạo nên giá trị thực sự cho Filip Nguyễn, trước tiên là chuyên môn đã được khẳng định. 211 trận sau 8 năm thi đấu ở CH Czech, nơi có giải vô địch quốc gia đứng hạng 13 châu Âu, cùng 18 trận tại Europa League và Europa Conference trong màu áo Slovan Liberec và Slovacko. Bản hồ sơ của Filip Nguyễn có thể thuyết phục những tuyển trạch viên khó tính nhất. Khi hầu hết các cầu thủ Việt Nam "làm bạn" với ghế dự bị khi chuyển sang sân chơi châu Âu, thủ thành 31 tuổi đã khẳng định được tầm ảnh hưởng chuyên môn tại đây.

Filip Nguyễn hiện tại được hãng thống kê Transfermarkt định giá 600.000 euro (15,8 tỉ đồng), tuy nhiên, giá trị cao nhất người gác đền sinh năm 1992 từng đạt được lên tới 950.000 euro (25 tỉ đồng) - là con số chưa từng cầu thủ Việt Nam nào chạm tới. Giai đoạn đạt "đỉnh" giá trị của Filip Nguyễn là ở mùa giải 2019, khi anh đoạt danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải vô địch quốc gia CH Czech. Đây cũng là mùa giải đánh dấu bước ngoặt thăng tiến ngoạn mục của Filip Nguyễn, khi anh ra sân 26 trận, đạt tỷ lệ cứu thua xấp xỉ 3 lần mỗi trận (thuộc nhóm cao nhất giải), dù mới 1 năm trước đó, Filip Nguyễn chỉ sắm vai dự bị.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 3.

Chiều cao lý tưởng (1,92 m), sải tay dài, phản xạ bóng bổng và bóng sệt đều đáng nể, khả năng ra vào tốt cũng như kỹ năng làm chủ vòng cấm hiệu quả… là những điểm cộng trong bộ kỹ năng ưu việt của Filip Nguyễn, so với mặt bằng thủ môn Việt Nam, hay xa hơn là ở tầm Đông Nam Á.

Ở giải vô địch quốc gia Cộng hòa Czech 2022 - 2023, trước khi đầu quân cho CLB Công an Hà Nội (CAHN), Filip Nguyễn dẫn đầu phần lớn các chỉ số quan trọng nhất của các thủ môn, đó là số phút thi đấu (34/35 trận, tổng cộng 3.047 phút), số trận giữ sạch lưới (11 trận), số phút giữ sạch lưới liên tiếp (434 phút), bên cạnh 101 lần cứu thua cho CLB Slovacko. Khác với phần lớn những cầu thủ có tiếng tăm, chỉ đến Việt Nam thi đấu để "dưỡng già", Filip Nguyễn cập bến một đội V-League khi vẫn đang ở đỉnh cao phong độ. Thậm chí, đội Slovacko của Filip Nguyễn còn muốn tìm một thủ môn giỏi tương đương, trước khi "nhả" anh về CLB CAHN.

Chấp nhận về sân chơi ở tầm thấp hơn, mục tiêu của Filip Nguyễn chỉ có một: khoác áo đội tuyển Việt Nam. Để chữ "Nguyen" mà người gác đền 31 tuổi luôn mang trên lưng áo sẽ không chỉ xuất hiện trên đồng phục của một đội châu Âu xa xôi, mà là màu áo đội tuyển Việt Nam. Filip Nguyễn muốn trở lại nơi anh thuộc về.

Minh Tú

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 5.

Bên cạnh chỉ số cứu thua ấn tượng, Filip Nguyễn còn dẫn đầu một chỉ số đáng chú ý khác. Anh là thủ môn chuyền bóng nhiều nhất ở giải vô địch quốc gia CH Czech (cho đến trước khi về Việt Nam), với 1.241 đường chuyền sau 34 trận, trung bình 36,5 đường chuyền mỗi trận. Nên nhớ, những thủ môn tham gia vào khâu triển khai bóng nhiều hàng đầu Ngoại hạng Anh như Alisson Becker, Ederson Moraes hay Andre Onana có trung bình 35 đến 39 đường chuyền mỗi trận. Dù chất lượng các giải đấu và đội bóng là khác nhau, nhưng con số của Filip Nguyễn cho thấy, anh có xu hướng tham gia vào khâu triển khai bóng từ phần sân nhà, với kỹ năng chơi chân và bao quát không gian rất tốt.

Trong màu áo CLB CAHN, Filip Nguyễn ít tham gia chuyền bóng hơn. Do đội đương kim vô địch V-League chưa định hình lối chơi kiểm soát, vẫn có thiên hướng đá bóng dài thay vì kiến tạo lối chơi từ hàng thủ, nên dấu ấn "chơi chân" của Filip Nguyễn mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, với tỷ lệ chuyền chính xác 88,6%, tỷ lệ chuyền ngắn chính xác 99,4%, số đường chuyền dài thành công mỗi 90 phút là 4,1 và tỷ lệ cản phá thành công là 75,9%, Filip Nguyễn vẫn là gương mặt sáng giá, nếu HLV Troussier muốn triển khai triết lý kiểm soát bóng.

Minh Tú

Đội tuyển Việt Nam đang trải qua cuộc chuyển dịch triết lý mạnh mẽ, khi chuyển từ lối chơi chú trọng phòng ngự, đề cao việc chuyển đổi trạng thái và tổ chức phản công dưới thời HLV Park Hang-seo sang triết lý chủ động của HLV Troussier.

Về cơ bản, chiến lược gia người Pháp vẫn phát huy nền tảng chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, và từ tấn công sang phòng ngự với những pha phối hợp nhanh, nhuyễn mà HLV Park xây dựng. Tuy nhiên, ông Troussier đòi hỏi khâu kiểm soát bóng nhiều hơn ở học trò. Các cầu thủ được yêu cầu triển khai bóng bài bản ở phần sân nhà, sử dụng các pha chuyền ngắn "đan lát" để di chuyển đội hình, buộc đối thủ lộ ra khoảng trống và tấn công vào.

Thủ môn chính là điểm khởi đầu của lối chơi kiểm soát bóng. Đó là xu hướng của bóng đá hiện đại, khi thủ môn cũng tham gia phối hợp chuyền bóng tương tự 10 cầu thủ còn lại trên sân. Vai trò của thủ môn trong lối chơi kiểm soát gồm 2 phần. Thứ nhất là trở thành một "điểm nút" luân chuyển bóng hiệu quả, hỗ trợ giúp hàng phòng ngự có thêm một chân chuyền nhằm duy trì quyền kiểm soát bóng trong bối cảnh đối thủ gây áp lực. Thứ hai, là những pha phát động tấn công hiệu quả, bằng những đường chuyền vượt tuyến.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 7.

Ở cả hai yếu tố này, đội tuyển Việt Nam với những người gác đền mà ông Troussier từng đặt niềm tin như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Đình Triệu… đều chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu. Văn Lâm có kinh nghiệm quốc tế, phản xạ tốt cùng sự nhanh nhạy trong phán đoán tình huống. Tuy nhiên, thủ môn sinh năm 1993 không giỏi chơi chân.

Trong những tình huống bị đối thủ áp sát, Văn Lâm thường chọn chuyền dài lên trên. Mà với khả năng tranh chấp tay đôi không tốt của hầu hết cầu thủ Việt Nam, nguy cơ mất quyền kiểm soát bóng là tương đối cao (bàn thua ở trận gặp Iraq tối 21.11 là minh chứng).

Ngoài Văn Lâm, những thủ môn khác của đội tuyển Việt Nam như Đình Triệu, Minh Toàn, Nguyên Mạnh, Tấn Trường có thể nhỉnh hơn ở khả năng chơi chân, chuyền ngắn hay điều phối bóng, nhưng lại non kinh nghiệm thi đấu quốc tế, với số trận thực sự ở cường độ và nhịp độ cao (như định nghĩa của ông Troussier) có lẽ chưa vượt quá 2 bàn tay.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 8.

Filip Nguyễn là lựa chọn đầy tiềm năng. Tất nhiên ở thời điểm này, chúng ta chỉ nên kết luận như vậy. Một nhân tố giỏi và phù hợp trên lý thuyết, nhưng bóng đá không phải câu chuyện "giấy tờ". Thực tế trên sân với vô vàn biến cố sẽ định đoạt thực sự rằng một thủ môn có phù hợp với sơ đồ chiến thuật đấy hay không. Dù vậy, có thể tin là với Filip Nguyễn, HLV Troussier sẽ có thêm một miếng ghép quan trọng để ít nhất thử nghiệm cho triết lý ông đang theo đuổi. Một điểm tựa đáng để đặt cược.

Để chơi tốt ở đội tuyển Việt Nam, cựu thủ thành Slovacko cần vượt qua những trở ngại. Rào cản trước tiên là ngôn ngữ, khi Filip Nguyễn dù được CLB CAHN thuê riêng một giáo viên dạy tiếng Việt, nhưng quá trình hòa nhập mới chỉ bắt đầu. Người gác đền sinh năm 1992 đã có thể nói những câu cơ bản, hô khẩu lệnh để điều khiển hàng thủ, hay phần nào đó trao đổi chuyên môn trong khuôn khổ…

Song, điều Filip Nguyễn cần hơn hết là sự hòa hợp về văn hóa, lối sống, tạo ra mối dây khăng khít với đồng đội. Quá trình hòa nhập của Văn Lâm, từ một thủ môn phải viết tâm thư xin tập nhờ với U.23 Việt Nam cách đây nhiều năm, cho đến khi trở thành một cầu thủ "chuẩn Việt" hòa hợp với đội tuyển, sẽ là ví dụ để Filip Nguyễn tham khảo.

Tuy nhiên, với tình yêu, khát vọng đã được kiểm chứng của Filip Nguyễn, có thể tin rằng mọi cản trở sẽ không đánh gục được ý chí của thủ môn này. "Giấc mơ trở về cống hiến cho quê hương của bố đã trở thành hiện thực, bởi tôi mang một nửa dòng máu Lạc Hồng. Đừng chỉ nghe những gì tôi nói, hãy nhìn những gì tôi hành động", Filip Nguyễn chia sẻ.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 9.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 10.

Sau cùng, quá trình nhập tịch thành công của Filip Nguyễn, hay trước đó là tấm gương thành công của thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm sẽ thúc đẩy đội tuyển Việt Nam trong việc thu hút nhiều hơn nữa các nhân tài gốc Việt.

Khi HLV Park Hang-seo còn nắm quyền, đã có những cầu thủ Việt kiều ở trong tầm ngắm như Alexander Đặng (đá ở giải Na Uy), Filip Nguyễn hay Jason Pendant Quang Vinh (đang chơi ở giải hạng nhì Pháp trong màu áo SC Quevilly). Dù vậy vì nhiều nguyên nhân, không có cầu thủ nào bước lên ngưỡng cửa đội tuyển, phần lớn bởi chưa có quốc tịch. Nếu triệu tập được nguồn lực Việt kiều, đội tuyển Việt Nam sẽ đáng gờm hơn nhiều.

"Tôi hy vọng từ trường hợp của Filip Nguyễn, các cầu thủ Việt kiều khác cũng sẽ có cơ hội nhập tịch để khoác áo đội tuyển quốc gia. Chiêu mộ các cầu thủ song tịch là một trong những cách mà các đội bóng châu Phi như Ma Rốc, Senegal, Algeria… đã làm để nâng tầm đội tuyển. Ở châu Á, Nhật Bản, Thái Lan hay Indonesia cũng đang làm thực hiện việc này", HLV Troussier nói.

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 12.

Nhập tịch đang là xu hướng tất yếu. Trong thời đại thế giới phẳng, nhiều nền bóng đá đã rộng lòng đón nhận những tài năng mang 2 dòng máu. Đội tuyển Thái Lan, Indonesia, Malaysia là những thế lực Đông Nam Á đang rốt ráo nhập tịch, hay ở bình diện châu Á, Nhật Bản dù mạnh, nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Để mơ về World Cup, đội tuyển Việt Nam cần mở rộng quỹ cầu thủ. Những tài năng có sẵn kinh nghiệm, đẳng cấp như Filip Nguyễn rất cần để thầy trò HLV Troussier viết tiếp câu chuyện dang dở. Và tất nhiên, đó phải là những cầu thủ Việt kiều nghiêm túc cống hiến và thực sự với mục tiêu khoác áo đội tuyển. Như Filip Nguyễn, người sẽ không cần phải tìm kiếm một nhà hàng Việt Nam trên đất châu Âu, mà có thể thưởng thức và chìm đắm vào văn hóa Việt Nam mỗi ngày, để rồi sẵn sàng cống hiến vì màu cờ sắc áo khi cơ hội đến.

Chúc mừng Filip Nguyễn khi ngày 6.12, anh được nhận tin vui: Chính thức trở thành công dân Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam trong ngày tập trung cuối tháng này, sẽ có tên anh!

Filip Nguyễn - bức tường hoàn hảo cho triết lý kiểm soát - Ảnh 13.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.