Giá sầu riêng tăng quá cao, nhiều đối tác Trung Quốc muốn giảm đơn hàng

11/09/2023 19:26 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng giá sầu riêng tăng quá cao khiến một số đối tác, khách hàng ở Trung Quốc đang muốn cắt giảm đơn hàng.

Chia sẻ tại diễn đàn Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam, do Bộ NN-PTNT và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 11.9, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bày tỏ những lo lắng về tình trạng thị trường sầu riêng "loạn giá", giá tăng quá cao.

Giá sầu riêng tăng quá cao, nhiều đối tác Trung Quốc muốn cắt giảm đơn hàng - Ảnh 1.

Giá sầu riêng tăng quá cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu lo lỗ vốn

PHAN HẬU

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP.HCM), chia sẻ doanh nghiệp này đang có khách hàng là các chuỗi, hệ thống siêu thị chợ đầu mối lớn nhất Trung Quốc.

Để nâng cao năng suất, chất lượng xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đang củng cố, phát triển chuỗi logistics vận chuyển hàng hóa nhằm tiết giảm được chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh. 

Đối với sầu riêng, Tập đoàn Vạn Hòa Holding có hợp đồng cam kết cung ứng khoảng 20.000 tấn cho đối tác, khách hàng Trung Quốc. Nhưng giá sầu riêng hiện nay đã tăng quá cao, một số đối tác, khách hàng Trung Quốc đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.

Để duy trì cam kết thu mua cho nông dân và đảm bảo uy tín với đối tác Trung Quốc, doanh nghiệp thậm chí phải chấp nhận bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Nhưng càng làm thì sẽ càng thua lỗ và nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp này sẽ không thể đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân như cam kết.

Cũng theo thông tin tại diễn đàn, giá sầu riêng tại Đắk Lắk đang dao động từ 70.000 - 75.000 đồng/kg và đã giảm sau thời gian đạt đỉnh đầu vụ từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Nguyên nhân là hiện nay sầu riêng đã vào chính vụ, sản lượng nhiều hơn nên giá giảm theo. Trong khi đó, sức tiêu thụ sầu riêng cũng giảm nên có tình trạng các nhà vườn hối thúc thương lái cắt hàng trong khi đó nhiều vựa đang tạm ngưng thu mua.

Còn theo ông  Vũ Ngọc Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, giá sầu riêng thu mua đầu vào ở Việt Nam đang cao hơn giá thu mua tại các chợ đầu mối bên Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Ông Huy cũng cho biết, giá sầu riêng tăng quá cao nên hiện nay doanh nghiệp này chỉ hoạt động 40% công suất. "Giá sầu riêng cao nên doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị lỗ. Ở Đắk Lắk hiện nay có khoảng 50% doanh nghiệp đóng cửa không hoạt động", ông Huy nói.

Chia sẻ góc nhìn về nguyên nhân "loạn giá" sầu riêng, ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), cho rằng thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không hiểu biết về sầu riêng nhưng thi nhau làm mặt hàng này, nâng giá làm xáo trộn ngành sầu riêng, đây chính là biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. 

Ông Trung cho rằng, với tiềm năng, nhu cầu rất lớn về sầu riêng của thị trường Trung Quốc thì các doanh nghiệp cần bắt tay, đồng hành để tăng xuất khẩu thay vì cạnh tranh nhau về giá cả.

Cũng tại diễn đàn, ông Nông Ngọc Trung kiến nghị, để gia tăng giá trị xuất khẩu sầu riêng ở thị trường Trung Quốc trong những năm tới, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư công nghệ để thúc đẩy chế biến các sản phẩm từ sầu riêng khi đây là mảng các doanh nghiệp Việt Nam yếu hơn Thái Lan tại thị trường Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.