'Giải cứu' quán ế khách

17/04/2024 10:28 GMT+7

Một số người trẻ có sức ảnh hưởng trên xã hội đã tìm đến những quán ăn, gánh hàng đang gặp phải tình trạng ế khách để review (trải nghiệm). Đây được xem là những nội dung ý nghĩa, được nhiều người ủng hộ.

Đầu năm 2024, Đặng Lê Anh Tuấn (25 tuổi), sinh sống tại TP.Đà Nẵng, đã thực hiện chuỗi video mang tên “Đà Nẵng tình người” với mục đích giúp đỡ những quán ăn, gánh hàng đang phải đối mặt với tình trạng ế khách. Tại đây, những gánh hàng của các cụ già đã được nhiều người biết đến nhờ sự giới thiệu của Tuấn. “Họ phải chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để liên hệ TikToker quảng cáo”, Tuấn nói.

Đặng Lê Anh Tuấn mong muốn sử dụng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ những quán ăn ế khách

Đặng Lê Anh Tuấn mong muốn sử dụng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ những quán ăn ế khách

NVCC

“Trong quá trình review những quán ế khách, mình ấn tượng nhất là câu chuyện của một người bà lớn tuổi bán mít trộn hơn 30 năm nuôi cả gia đình. Câu chuyện của bà khiến mình chạnh lòng và cảm thương thực sự. May mắn thay video đó đã được hơn 1 triệu lượt xem trên TikTok. Được biết sau đó mọi người ghé ủng hộ bà rất nhiều. Chuỗi video này là tâm huyết của mình, mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé đến cho mọi người”, Tuấn nói.

Tuấn cho biết hiện nay review là một từ rất nhạy cảm đối với người xem, mà đặc biệt review quán ăn, địa điểm vui chơi. Tuấn cho biết bản thân cũng đã từng có thời gian bị cộng đồng mạng hoài nghi về các video review.

“Mình luôn cẩn trọng trước khi nhận lời review một quán ăn nào đó vì rất sợ bị mang tiếng xấu. Để người xem tin tưởng và có niềm tin hơn, mình luôn yêu cầu quán phải cam kết về món ăn. Ví dụ như định lượng đồ ăn bán cho khách phải giống như mình quay, chất lượng tuyệt đối. Ngoài ra, mình sẽ đưa chủ quán vào trong video để người xem thêm tin tưởng”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn nói thêm: “Mình cố gắng phỏng vấn thêm ý kiến khách hàng đang ăn ở quán vì họ sẽ có câu trả lời công tâm và khách quan nhất”.

Hồ Khắc Vĩnh (Vĩnh thích ăn ngon, 27 tuổi), thường xuyên có những video giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, Vĩnh đã chi tiền túi ra để thuê xe chuyên chở 70 khối nước sạch dành tặng cho người dân ở H.Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hay trước đó, Vĩnh cũng từng hỗ trợ người dân ở tỉnh Vĩnh Long bán cam sành.

Chàng trai này đã gây ấn tượng với người xem bởi những video “giải cứu quán ế”. Nhờ sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, Vĩnh đã kêu gọi cộng đồng ủng hộ gánh hàng của các cụ già, người bán hàng có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài

Ngoài "giải cứu" quán ế, Hồ Khắc Vĩnh còn thuê xe chở nước về tặng cho người dân ở tỉnh Tiền Giang

NVCC

“Là một sinh viên trường nghệ thuật chật vật tìm chỗ đứng và cũng kinh doanh ẩm thực nên Vĩnh hiểu sâu sắc việc bán “chậm” sẽ chán nản thế nào. Vì vậy, khi đã được mọi người yêu thương rồi thì mình cũng muốn hỗ trợ cho những quán, gánh hàng không may đang vắng khách. Mình muốn giúp các cụ già vì ở độ tuổi nào thì lao động vẫn là vinh quang”, Vĩnh chia sẻ.

Vĩnh cho biết bản thân đi lên từ khó khăn nên rất trân trọng sự yêu thương của người xem trên mạng xã hội. “Tự đặt mình vào khán giả nếu đi ăn không ngon sẽ ra sao? Từ đó mà Vĩnh sẽ đặt điều kiện nhất định cho những lần hợp tác với nhãn hàng. Mục đích lớn nhất của việc review là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng”, Vĩnh nói.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn truyền thông của Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: “Cũng như bất kỳ công việc sáng tạo nội dung nào khác, hoạt động review món ăn, thức uống hoặc địa điểm vui chơi cũng đòi hỏi người thực hiện phải có đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật, để bảo vệ danh tiếng và độ tin cậy của bản thân. Thế nên, tính trung thực, khách quan và minh bạch phải luôn được đặt lên hàng đầu”.

Thạc sĩ Xuân Tiến khuyên những TikToker nên thẳng thắn chia sẻ với công chúng về việc review miễn phí hay có "hoa hồng" từ nhãn hàng. Và dù có nhận tiền hay không cũng nên giữ thái độ độc lập, đừng bị chi phối trong cách đánh giá. Các TikToker nên tìm hiểu kỹ lưỡng, thật sự trải nghiệm món ăn, địa điểm vui chơi mà mình review thay vì chỉ đọc qua các tài liệu. Điều này sẽ khiến cho thông tin được cung cấp thiếu chân thực, hời hợt và không ấn tượng.

“Khi review, chúng ta cũng nên đánh giá từ góc nhìn của người dùng. Tập trung vào giá trị và trải nghiệm mà khách hàng sẽ có được, thay vì đứng ở tâm thế của người làm quảng cáo. Cuối cùng, hãy luôn tương tác và học hỏi từ công chúng. Luôn lắng nghe và tôn trọng các ý kiến phản hồi của người xem, sẵn lòng tiếp thu kinh nghiệm để hoàn thiện hơn trong mỗi sản phẩm review", thạc sĩ Xuân Tiến nhắn nhủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.