Giám sát đã 'dám' và 'sát' hơn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/05/2023 05:55 GMT+7

Đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua tại phiên thảo luận sáng 27.5, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định: công tác giám sát đã có nhiều đổi mới, coi trọng thực chất; hiệu quả, tính phản biện ngày càng cao.

"Những đổi mới là hết sức rõ ràng, kết quả hết sức thiết thực, đồng thời có tác động hết sức tích cực làm thay đổi cả nhận thức, hành động, cả về chỉ đạo của các cơ quan chịu sự giám sát", đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nói tại hội trường Diên Hồng. Sự đổi mới lớn nhất trong công tác giám sát, theo đại biểu Khải, là "tính phản biện" của hoạt động giám sát ngày càng cao hơn, và đây là điều quan trọng. "Như Chủ tịch Quốc hội cũng đã từng phát biểu, tính phản biện của giám sát càng cao thì sự kiến tạo và phát triển đồng hành cùng Chính phủ càng tốt", đại biểu Khải nhấn mạnh.

Tính phản biện ngày càng cao của hoạt động giám sát bắt đầu từ việc chọn vấn đề giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, và trong cả công tác xem xét các báo cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri. Nhiều đại biểu đã nhận xét rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã "dám" và "sát" hơn khi các vấn đề được lựa chọn giám sát tối cao hay chất vấn đều là những vấn đề đang bức xúc, nổi cộm, "liên quan trực tiếp đến quốc kế dân sinh" như vấn đề quy hoạch, chống lãng phí, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19…

Không chỉ vậy, với tinh thần giám sát phải "dám" và "sát", hoạt động giám sát của Quốc hội luôn được Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải gắn được với trách nhiệm giải trình của đối tượng chịu sự giám sát. Chủ tịch Quốc hội nhiều lần đề nghị báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát phải có số liệu, địa chỉ cụ thể, rõ ràng làm căn cứ cho các kiến nghị sau giám sát, không thể toàn là "một số", "có lúc", "có nơi"… chung chung được.

Công tác giám sát của Quốc hội có thể nói đã "dám" và "sát" hơn, song, nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng qua vẫn còn những băn khoăn với tính hiệu quả và hiệu lực trong công tác này. Dẫn Nghị quyết 61 về công tác quy hoạch được Quốc hội ban hành sau cuộc giám sát tối cao về nội dung này cách đây 1 năm, nhiều đại biểu bày tỏ sốt ruột khi tới nay, các vướng mắc trong việc lập quy hoạch vẫn chưa có biện pháp gì tháo gỡ, trong khi tình trạng này đang gây ra những ách tắc không nhỏ, cản trở sự phát triển.

"Nghị quyết 61 đã ban hành được gần 1 năm nhưng đến nay chỉ mới 16% quy hoạch được phê duyệt. Rõ ràng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội chưa nghiêm", đại biểu Trần Văn Khải nhận xét.

Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội phải tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát lại, tức "hậu giám sát", để giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. Không đi được đến tận cùng vấn đề, tạo ra sự thay đổi trên thực tế thì hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ chỉ như "lưỡi dao chặt xuống nước, rút lên rồi nước lại chảy như cũ, không ăn thua gì", như có đại biểu từng ví von. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.