Giáo dục làm được tới đâu, văn hóa phát triển được tới đó

Quý Hiên
Quý Hiên
16/12/2022 07:24 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn , với một nền giáo dục định hướng sự phát triển con người một cách toàn diện, chất lượng giáo dục là nhân tố quyết định chất lượng của văn hóa .

Thưa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có một thực tế trong đời sống, khi một ai đó ứng xử hoặc có hành vi thiếu văn hóa, thường người ta sẽ quy lỗi cho giáo dục? Ông có cho đó là một sự bất công?

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Gia Hân

Việc quy lỗi như vậy, đúng là cũng có sự bất công vì có nhiều yếu tố làm nguyên nhân cho sự ứng xử văn hóa. Tuy nhiên, điều đó cũng có lý nếu xét trên phương diện mối quan hệ hết sức mật thiết giữa giáo dục và văn hóa.

Có một thời, người ta đồng nhất trình độ học vấn với trình độ văn hóa. Lý lịch công dân ghi trình độ văn hóa lớp mấy, hay trình độ văn hóa bậc này bậc kia. Trên thực tế, trình độ học vấn và trình độ văn hóa khác nhau và không đồng nhất. Trình độ học vấn có thể cao nhưng văn hóa chưa chắc cao tương xứng. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này ở một khía cạnh nhất định đã thừa nhận sự thống nhất và giao thoa khó có thể tách rời giữa giáo dục và văn hóa.

Con người là chủ thể của văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người, xây dựng con người, vì vậy giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa, theo đó, giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện đến văn hóa. Triết lý, nội dung, mục đích, định hướng của giáo dục chính là định hướng cho văn hóa. Giáo dục định hướng sự phát triển con người của một dân tộc theo hướng nào thì định hướng văn hóa tương lai của dân tộc theo hướng đó. Chất lượng của nền giáo dục là chất lượng của văn hóa. Vậy nên ta có thể nói rằng: giáo dục làm được tới đâu, văn hóa phát triển được tới đó.

Như vậy, giáo dục có trước và sự giao thoa giữa giáo dục và văn hóa là sự giao thoa của mối quan hệ mang tính nhân - quả, thưa ông?

Không thể quan niệm giáo dục và văn hóa là hai thứ tách rời nhau như vậy. Giáo dục là một thiết chế văn hóa, là một lĩnh vực văn hóa và bản thân nó cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng nên các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa, từ đó phát triển văn hóa.

Phải coi phát triển con người làm trọng tâm

Như ông đã nói, giáo dục tác động tới văn hóa là thông qua giáo dục con người. Vậy hành trình tác động đó diễn ra thế nào, đặc biệt là với giáo dục trong nhà trường?

Văn hóa học đường cần hội đủ các điều kiện quan trọng sau: đạo lý thầy, trò đủ thiêng liêng; nhà giáo đủ sống bằng thu nhập thông qua hoạt động giảng dạy chân chính; trường học đủ cơ sở vật chất trường lớp thiết bị, học liệu phục vụ dạy học; kỷ cương, nguyên tắc đủ mạnh để tất cả các cá nhân phải thực thi nghiêm túc; tài chính đủ chi trả cho các hoạt động của nhà trường; học trò có đầy đủ cơ hội học tập và phát huy năng lực cá nhân. Phụ huynh có đủ niềm tin vào nhà trường; mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội đủ chặt”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Mục tiêu căn bản của giáo dục là phát triển cá nhân, từ đó phát triển xã hội. Văn hóa là sản phẩm của trải nghiệm và trí tuệ con người. Như vậy, ở trung tâm của giáo dục phát triển văn hóa chính là con người. Nói cách khác, bất cứ một cách tiếp cận nào đối với giáo dục văn hóa đều phải coi phát triển con người làm trọng tâm. Cụ thể hơn, phát triển con người tập trung vào hai chiều hướng: tu dưỡng, bồi đắp tâm hồn bên trong - được coi là nền tảng của các cá nhân và dựa trên đó rèn luyện, nâng cao năng lực, hành vi ứng xử, thể hiện ra bên ngoài.

Nếu chúng ta chỉ tập trung truyền thụ các kiến thức văn hóa, hay trình bày các giới hạn đạo đức, trong khi học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để tiếp thu thì mọi công sức sẽ trở nên vô ích. Một tâm hồn giàu văn hóa trước tiên phải là một tâm hồn tinh tế. Một xã hội mà ở đó văn hóa được đẩy mạnh phải cấu thành từ những cá nhân đã trải qua quá trình rèn luyện, bồi đắp nhân cách và tâm hồn.

Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi, sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp.

Giáo dục văn hóa là tạo dựng hệ giá trị

Ông cũng nói rằng bản thân giáo dục cũng chính là văn hóa. Vậy theo ông cần phải làm thế nào để môi trường giáo dục đạt được mặt bằng văn hóa cao?

Xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh, và lấy đó là gốc cho phát triển văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát văn hóa học đường là môi trường mà ở đó, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Trường học và các hoạt động giáo dục phải đạt tới sự chuẩn mực. Những biểu hiện của thói gian dối trong dạy và học, kiểm tra đánh giá, bạo lực học đường, bất bình đẳng, chạy theo thành tích… đều là kẻ thù và sự đối lập với văn hóa giáo dục.

Văn hóa học đường không phải bên ngoài đặt vào trong trường học mà chính là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường. Khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường.

Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường trong sáng nhất, an toàn nhất, theo đó, đây sẽ là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Cùng với đó, cần phải làm cho các học sinh gia tăng sức đề kháng về văn hóa, đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ có bằng con đường nâng cao bản lĩnh văn hóa và sức đề kháng văn hóa, chúng ta mới có được những nhân cách, những phẩm chất, những năng lực.

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn!

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.