'Giáo viên rời nhà nước sang khu vực tư là chuyện rất bình thường'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/10/2022 12:00 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm, việc giáo viên nghỉ việc sang khu vực tư nên xem là chuyện rất bình thường vì chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa trong giáo dục .

Sang khu vực tư vẫn là phục vụ

Sáng 27.10, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, nêu quan điểm về việc giáo viên nghỉ việc, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tranh luận, cho rằng cần phải đánh giá bản chất của tình trạng mới có thể đưa ra giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội

gia hân

Ông Giang tính toán, với 14.427 giáo viên nghỉ việc trong tổng số hơn 1,2 triệu chỉ chiếm 1,2% trong 2,5 năm. Như vậy, mỗi năm rời khỏi khu vực công khoảng 0,5%. Tức 200 giáo viên có 1 người rời khu vực công.

"Ở đây, vấn đề đặt ra chúng ta đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, tôi cho rằng, việc giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư đó là chuyện rất bình thường", ông Giang nhấn mạnh.

Theo ông Giang, vấn đề quan trọng nhất cần đánh giá là, giáo viên khi nghỉ việc khu vực công có tiếp tục làm giáo viên không.

"Đó mới là vấn đề mà chúng ta cần phải đánh giá đúng. Nếu họ làm khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, đều phục vụ Nhân dân, phục vụ sự tăng trưởng, phát triển của đất nước này", ông Giang nêu quan điểm và đề nghị cần đánh giá sát thực chất mới có giải pháp phù hợp.

Đại biểu Tô Văn Tám: Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc cũng là cơ hội hoàn thiện hệ thống

Cần đánh giá đúng, đủ nguyên nhân

Trong khi đó, nêu quan điểm về nguyên nhân cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng thu nhập thấp là một nguyên nhân quan trọng, song còn nguyên nhân quan trọng nữa là áp lực công việc và môi trường công tác.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

gia hân

Bà Thủy dẫn chứng, hiện hầu hết các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải. Như bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến khám và có khảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Nhiều bệnh viện y bác sỹ phải có mặt từ 6 giờ sáng để bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày mỗi bác sỹ có thể khám vài chục thậm chí cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực.

"Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã phường vốn đã ít người, vừa phải đảm trách nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vắc xin, trong khi đó lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng", bà Thủy nêu.

Bên cạnh đó, đại biểu Bắc Kạn cũng nêu tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh. Cùng đó, môi trường làm việc có những khi chưa thực sự tạo cơ hội cho nhân viên y tế cống hiến hết mình nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y bác sỹ.

"Vẫn biết rằng việc chuyển dịch chuyển nhân lực là chuyện bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào nhưng dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế trong thời gian vừa qua thì rất cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và phải có giải pháp căn cơ, chiến lược", bà Thủy nêu quan điểm.

Theo đại biểu, ngành y là ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và sử dụng đãi ngộ đặc biệt.

"Sẽ thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc rất cao, nhưng thu nhập không đủ trang trải chi phí tối cần thiết của cuộc sống. Ngoài ra phải đối diện với rất nhiều áp ực khác trong môi trường công tác", bà Thủy nói và bày tỏ tán thành với nhiều đại biểu về việc cần cải thiện chế độ chính sách đối với nhân viên ngành y phù hợp với đặc thù công việc.

Từ đó, đại biểu Bắc Kạn cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp cải thiện môi trường làm việc của ngành y.

Bên cạnh đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh nền công nghiệp dược và sản xuất vắc xin để chúng ta chủ động nguồn vắc xin, không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.

"Đây cần coi là giải pháp căn cơ chiến lược, vì nếu chậm trễ việc này thì khi sự cố dịch bệnh xảy ra thì trước hết là tổn thất người, sau đó là tốn kém tiền của nhập khẩu và cuối cùng có thể xuất thêm một vụ Việt Á mới", bà Thủy nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.