Hà Nội kiên định xây dựng 2 thành phố trực thuộc

04/03/2024 07:34 GMT+7

Hà Nội kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc thủ đô và kỳ vọng sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới giúp vực dậy các vùng khó khăn xung quanh, kéo giãn mật độ dân số vùng lõi...

Sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới

Hà Nội đang tập trung lập Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển thủ đô trong tương lai, trong đó có việc xây dựng 2 thành phố trực thuộc.

Hà Nội kiên định xây dựng 2 thành phố trực thuộc- Ảnh 1.

Định hướng thành phố phía bắc sông Hồng bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh

KHẮC HIẾU

Trong bản quy hoạch này, cùng với 5 trục phát triển, Hà Nội kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc là thành phố phía bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và thành phố phía tây (Hòa Lạc - Xuân Mai).

Với thành phố phía tây, Hà Nội định hướng hạt nhân là khu Hòa Lạc có quy mô 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116 km2 với dân số 120.000 người. Thành phố phía tây được hình thành trên cơ sở các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai. Định hướng thành phố phía tây có 16 phường và 8 xã.

Với thành phố phía bắc sông Hồng, theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng thành phố này có diện tích khoảng 633 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Đến năm 2045, quy mô dân số của thành phố này khoảng 3,25 triệu người.

Đất xây dựng đô thị thành phố phía bắc sông Hồng được quy hoạch khoảng 385 km2, dân số 2,92 triệu người. Khu vực ngoài đô thị khoảng 248 km2, dân số khoảng 0,33 triệu người; gồm 45 phường và 24 xã.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đối với thành phố phía bắc sông Hồng, điều kiện thuận lợi là H.Đông Anh đã hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Nhiều dự án lớn ở khu vực này đang được triển khai. Đây sẽ là thành phố có chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.

Với thành phố phía tây, Chính phủ, Bộ KH-CN đã bàn giao cho Hà Nội quản lý khai thác khu công nghệ cao Hòa Lạc, chính là tạo điều kiện để thành phố thực hiện kế hoạch này. Với quy mô lớn và khả năng trở thành "hạt nhân" của đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là "hạt nhân" của thành phố phía tây.

Khi tập trung xây dựng 2 thành phố này, Hà Nội sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, vực dậy các vùng khó khăn xung quanh, thực hiện được chủ trương phát triển đồng đều và quan trọng là kéo giãn mật độ dân số vùng lõi thủ đô...

Cần chính sách đặc thù cho thành phố trực thuộc

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, đánh giá việc Hà Nội đặt vấn đề thành lập 2 thành phố trực thuộc là sự mạnh dạn, đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét dự án luật Thủ đô (sửa đổi) thì rất cần đề xuất những chính sách đặc thù đối với thành phố trực thuộc.

"Hy vọng sau khi quy hoạch chung được thông qua và chính sách đặc thù cũng được Quốc hội thông qua khi sửa luật Thủ đô thì Hà Nội thì sẽ có 1 quy hoạch mới phù hợp với mô hình thành phố trực thuộc thủ đô", ông Nghiêm chia sẻ. Theo ông, thành phố bắc sông Hồng và thành phố phía tây sẽ không đơn thuần chỉ là 2 đơn vị hành chính thuộc thủ đô Hà Nội mà còn là những đơn vị hành chính đầu mối để tiếp quản Vùng thủ đô.

Theo kế hoạch, sau khi lập quy hoạch chung được duyệt thì Hà Nội phải triển khai quy hoạch từng địa phương, quy hoạch phân khu, các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật với tổng cộng khoảng gần 250 đồ án quy hoạch các loại. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với TP.Hà Nội.

Để quy hoạch đi vào thực tiễn, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, Hà Nội cũng cần phải có chính sách huy động nguồn lực mà chủ yếu là nguồn lực xã hội vì nguồn lực ngân sách không thể đảm bảo được.

"Chúng ta kỳ vọng với đặc thù mới của Hà Nội, trong vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và vùng đồng bằng Bắc bộ thì ngoài việc Hà Nội làm tốt vai trò là trung tâm, các tỉnh xung quanh trong vùng cũng phải có trách nhiệm liên kết để tạo ra sự nhất trí trong xây dựng thủ đô. Những thách thức đặt ra là rất lớn, nên Hà Nội phải tiến hành đồng bộ các giải pháp thì mới có thể thực hiện được", ông Nghiêm bày tỏ.

Nói cơ chế, chính sách, quy định để phát triển và quản lý thành phố phía bắc sông Hồng và thành phố phía tây của Hà Nội, TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội, cho rằng với tính chất là đô thị vệ tinh nên 2 thành phố của thủ đô Hà Nội cần có quy định vượt trội, đặc thù thay vì khoác "áo đồng phục" như đơn vị hành chính cấp huyện.

"Chúng ta cần nhìn đúng bản chất của đô thị vệ tinh. Đó là hỗ trợ và giảm tải cho đô thị lõi, tức là cho 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. 2 thành phố này không phải sự mở rộng của đô thị trung tâm, đô thị lõi", ông Hùng lưu ý.

Không thể chỉ là các cấu trúc đô thị phụ thuộc

Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6. Dự thảo đã có quy định về mô hình tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Chủ tịch HĐND; UBND, Chủ tịch UBND của mô hình thành phố trong thành phố.

Đánh giá tác động về việc này, Bộ Tư pháp nhìn nhận, thực trạng phát triển của thủ đô đã đặt ra bài toán đô thị hóa khá phức tạp, vừa phải bảo đảm tạo được các động lực mới để phát triển, phù hợp với năng lực quản trị của bộ máy chính quyền được tổ chức gọn nhẹ, vừa tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ môi trường trong lành.

Với yêu cầu ấy, định hướng quy hoạch đô thị tại Hà Nội cần được đổi mới để vừa tạo được không gian thích hợp cho sự phát triển của đô thị hiện tại, vừa tạo hành lang cho sự xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh, trên cơ sở đó hình thành đại đô thị với phần chủ đạo là đô thị trung tâm, bao gồm các quận hiện tại. Các thành phố thuộc thành phố Hà Nội, theo Bộ Tư pháp, phải là các cấu trúc đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ tính chất, quy mô, đặc điểm của một đô thị hiện đại, có tính tự chủ cao, chứ không thể chỉ là các cấu trúc đô thị phụ thuộc.

Về tổ chức chính quyền, Bộ Tư pháp phản ánh, theo quy định hiện hành, thành phố thuộc thành phố Hà Nội là cấp đơn vị hành chính tương đương với huyện, quận. Tuy nhiên, với đặc điểm là một đơn vị hành chính đô thị hoàn chỉnh, chính quyền thành phố phải được quyết định những vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, kết cấu hạ tầng của cả khu vực đô thị; thậm chí, phải được trao cho cơ chế có tính đặc thù, vượt trội, trao thẩm quyền lớn hơn so với thẩm quyền của một đơn vị hành chính cấp huyện.

Đồng thời, để bảo đảm những quyết định này thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân, mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải được tổ chức là cấp chính quyền đầy đủ gồm HĐND thành phố và UBND thành phố. Có như vậy, mới tạo ra được sự chủ động, sáng tạo trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, phù hợp với định hướng xây dựng các đô thị chức năng của thành phố về khoa học - công nghệ, tài chính, văn hóa…

Hải Triều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.