Hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng ở Hà Nội

01/09/2023 06:31 GMT+7

Sau hơn 1 tuần chính thức ra mắt, dịch vụ xe đạp điện - xe đạp công cộng tại Hà Nội đã đem đến cho người dân khá nhiều trải nhiệm thú vị. Dù còn một số bất cập nhưng đây là mô hình đáng được nhận rộng.

Tiện lợi, giá thành rẻ

Chị Trần Thị Thanh Loan (27 tuổi, trú Q.Đống Đa, Hà Nội) rất hài lòng sau khi sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng. "Mô hình này khá hay, thú vị, thúc đẩy thói quen đạp xe của người dân và du khách, vừa giúp rèn luyện sức khỏe lại giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, đi xe đạp chậm và mệt hơn rất nhiều so với thuê taxi nhưng đây cũng là trải nghiệm rất vui, đặc biệt là trong những ngày đẹp trời, mát mẻ", chị Loan chia sẻ.

Hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng ở Hà Nội - Ảnh 1.

Với chi phí chỉ 5.000 đồng/30 phút, nhiều người dân hào hứng trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng

QUỲNH VÂN

Hiện, chi phí cho mỗi lượt thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút và người dùng phải trả thêm 1.000 đồng phí bảo hiểm. Sau 30 phút, nếu thuê tiếp, người dùng phải trả 1.000 đồng cho mỗi 6 phút tiếp theo. Người dùng cũng có thể mua vé ngày hoặc vé tháng nếu có nhu cầu. Còn đối với xe đạp điện, người dùng sẽ phải trả 10.000 đồng/30 phút thuê xe.

"Tôi thấy mô hình xe đạp công cộng tiện lợi mà giá thành lại rất rẻ, dễ sử dụng. Thuê xe cả ngày (7,5 giờ - PV), tôi chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng, rất tiết kiệm, chỉ bằng 1 lượt đi taxi, rất phù hợp với khách du lịch như tôi", anh Trần Việt Trung (30 tuổi, trú Quảng Ninh) cho hay.

Theo tìm hiểu, với mục tiêu đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, dự án xe đạp công cộng TNGo của Tập đoàn Trí Nam được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được triển khai với 79 trạm xe tại 6 quận nội thành trên địa bàn Hà Nội, gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Thanh Xuân với tổng vốn đầu tư 18 - 20 tỉ đồng. Giai đoạn 2, đơn vị đầu tư sẽ mở rộng phục vụ tại các quận trung tâm khác và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.

Còn bất cập nhưng đáng nhân rộng

Để thuê xe đạp công cộng, người dân cần sử dụng điện thoại thông minh, tải app TNGo trên ứng dụng App Store với điện thoại iPhone hoặc CH Play từ điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Sau khi cài đặt, người dân thực hiện đăng ký mở tài khoản trên app, sau đó kết nối ví điện tử và tiến hành nạp tiền để thanh toán cho các lượt thuê xe.

Trải nghiệm cho thấy xe đạp dễ sử dụng, giỏ xe phía trước rộng rãi, có ngăn để chai nước, xe sử dụng loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động.

Hệ thống các trạm để xe được xây dựng theo các điểm xe buýt, điểm lên xuống tàu điện, gần các trường học, các trung tâm thương mại, du lịch, các vườn hoa công cộng… tiện lợi cho người dân. Tại các trạm xe đạp công cộng đều có hướng dẫn cụ thể để người dân cài đặt phần mềm, thanh toán để thuê xe và người dân có thể trả xe đạp về trạm TNGo bất kỳ.

Anh Nguyễn Minh Đức (25 tuổi, trú Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đánh giá chất lượng xe tốt, dễ sử dụng. Tuy nhiên, điểm trừ là yên cứng ngồi không thoải mái. Ngoài ra, xe cũng không có yên sau nên bắt buộc mỗi người phải thuê xe riêng.

"Cũng có thể đây là do giới hạn chịu tải của loại lốp rỗng không hơi nên xe không thể chở thêm người. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống làn đường ưu tiên dành riêng cho xe đạp nên đây chưa phải là phương tiện di chuyển tối ưu, nhất là vào những giờ cao điểm cũng như cuối tuần tại các khu vực nội thành", anh Đức nói.

Trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng, chị Tuyết Mai (23 tuổi, trú Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết người dùng có thể tạm thời khóa và mở khóa thoải mái trong suốt quá trình thuê xe đạp. Tuy nhiên, cần lưu ý là thời gian tính cước vẫn tiếp tục tăng, chỉ dừng lại khi người dùng bấm nút trả xe trên app và đã ở điểm thuê/trả xe định sẵn của TNGo. Ứng dụng sẽ yêu cầu bật GPS để xác định bạn có trả xe đúng vị trí không.

"Tôi đã gặp lỗi trong quá trình trả xe. Dù đã đến đúng địa điểm, trả thành công 1 xe nhưng chiếc còn lại thì ứng dụng liên tục hiện thông báo sai vị trí và không cho trả. Phải hơn 10 phút sau khi đã báo lỗi lên hệ thống và liên hệ tổng đài hỗ trợ thì cuối cùng tôi cũng trả xe thành công, phải chịu thêm gần 3.000 đồng tiền cước dù không sử dụng xe nữa", chị Mai kể.

Theo ông Nguyễn Văn Điền (64 tuổi, trú Q.Ba Đình, Hà Nội), mô hình xe đạp công cộng phù hợp để người dân di chuyển những quãng đường ngắn hoặc để đi dạo phố phường. "Còn một vài bất cập nhưng mô hình này xứng đáng được nhân rộng bởi cước rẻ, đi vui, rèn luyện sức khoẻ mà còn bảo vệ môi trường", ông Điền nói.

Hà Nội là địa phương thứ 6 triển khai mô hình xe đạp công cộng. Trước đó, 5 tỉnh, thành phố đã khai trương mô hình này là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định. Cụ thể, từ ngày 24.8, tại Hà Nội, dịch vụ xe đạp điện - xe đạp công cộng chính thức ra mắt sau quá trình hoạt động thử nghiệm từ ngày 11.8.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 31.8, đại diện Tập đoàn Trí Nam cho biết, với loại hình xe đạp công cộng, kể từ ngày 11 - 30.8, trên địa bàn Hà Nội đã có 22.526 chuyến đi, tổng cộng hơn 1,23 triệu phút; trung bình 1.126 chuyến/ngày và 55 phút/chuyến đi. Tổng số tài khoản sử dụng dịch vụ là 12.068 tài khoản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.