Hào khí miền Đông: Nằm nghe sông thở

08/10/2023 08:45 GMT+7

Tôi có chuyến công tác trên sông La Ngà. Một nhánh nhỏ của sông Đồng Nai - con sông lớn nổi tiếng với thủy điện Trị An, đẹp, hùng vĩ...

Nói đến Trị An thì chắc hẳn những người dân Đồng Nai và người dân cả nước đều biết đến. Nhưng những nhánh nhỏ hay cuộc sống của những người dân vùng ven thì có lẽ không nhiều người biết. Chúng tôi theo đoàn khảo sát của các anh chị trong khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. 

Ở đây, mọi người thay phiên nhau trực trên sông La Ngà, lưu vực sông tiếp giáp giữa các xã Thanh Sơn, Phú Cường, La Ngà, Phú Ngọc và Ngọc Định (H.Định Quán, Đồng Nai). Những năm trở lại đây, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lớn đột ngột và lưu lượng nước đổ về hạ nguồn nhanh nên hầu hết dân cư trên bè trở tay không kịp. Một vài trường hợp đã bị "vỡ bè" do con nước quá mạnh.

Hào khí miền Đông: Nằm nghe sông thở - Ảnh 1.

Sông La Ngà

Tác giả cung cấp

Chúng tôi được lênh đênh trên những chiếc ca nô, ra tới thuyền lớn, sau đó lên bờ, khảo sát khu vực trên đảo nhỏ và lập danh sách những hộ dân bị thiệt hại trong đợt mưa vừa qua để hỗ trợ kịp thời về ngư cụ, tài chính. Mặc dù đã tuyên truyền, phổ biến cho bà con trên khu vực sông di dời thuyền bè vào gần bờ để trú ẩn, tuy nhiên có lẽ cũng vì miếng cơm manh áo nên nhiều người vẫn liều mình lao ra dòng sông đục ngầu để kiếm tìm những con cá, con ốc vật vã dưới sông sau một ngày mưa bão. Những anh thanh niên cao to, da đen bóng nhẫy, vác trên mình tấm lưới, ì oạp dưới sông suốt những ngày dài. Cuộc sống của những người dân vùng sông nước, luôn bấp bênh như con sóng nhỏ lăn tăn vỗ bờ.

Đêm, chúng tôi không trở vào bờ. Những anh em theo đoàn ngồi trên chiếc thuyền lớn của khu bảo tồn, nghe kể về những chuyến khảo sát trên sông. Anh Minh - một cán bộ kiểm lâm, phụ trách rừng phòng hộ Tân Phú, đồng thời phụ trách luôn công việc bảo tồn thiên nhiên trên dòng sông La Ngà, cho biết người dân ở đây sống thật thà lắm, trong những ngôi nhà lênh đênh kia, chẳng có của nả gì đâu. Ngày nào cũng bắt cá, bắt ốc, bán được bao nhiêu thì lên bờ đong gạo. Mà cũng bởi cuộc sống mưu sinh vất vả như thế nên bây giờ phía khu bảo tồn vận động mọi người lên bờ, xây dựng cuộc sống đối với họ cũng là cả một vấn đề lớn. 

Có rất nhiều hộ dân lúc được vận động thì vui vẻ, chấp nhận, nhưng khi lên bờ được vài tuần thì lại thay đổi ý định. Đối với họ, dường như con sông này đã gắn bó máu thịt. Giống như những người trên bờ vậy, sống lâu với mảnh đất mình chọn, người ta thấy thương, thấy mến và không nỡ lòng dứt bỏ. Những năm ông trời nổi giận, cá chết hàng loạt, trắng hết cả con sông. Bao nhiêu ngư dân đứng lặng trước ngôi nhà nổi dập dềnh, nhìn ra phía xa một màu đục ngầu, xót xa.

Bây giờ một số hộ kinh doanh từ khu vực lân cận đã ngửi được mùi "ngon ngọt" của tiềm năng kinh tế trên dòng sông này. Thời gian gần đây, đã có những người làm ăn buôn bán tranh thủ cơ hội, làm những ngôi nhà trên sông, kinh doanh buôn bán ẩm thực cá sông. Với sông La Ngà, cá lăng, cá chình, cá diêu hồng, cá chạch… luôn sẵn có. Nó trở thành đặc sản, món ăn lạ miệng cho thực khách phương xa... Những con cá tươi ngon, thịt trắng, dai và thơm, được mang lên nấu lẩu canh chua măng rừng hay ướp gia vị, nướng muối ớt. Những anh em trong khu bảo tồn còn đùa. Ở đây riết rồi quen, ngày nào cũng được ăn cá, mà không hiểu sao, lại không ngán. Có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này những loài cá ngon, ngọt, níu giữ được bước chân của những du khách thập phương.

Đêm nay, chúng tôi nằm trên những chiếc giường nhỏ của đội bảo tồn, tiếp tục ngày mai, khi ánh bình minh rọi chiếu khắp mặt sông, chúng tôi sẽ lại tiếp tục đến từng nhà để vận động bà con nhân dân trên bè di dời vào bờ. Bữa cơm cùng anh em trên sông, cũng lắc lư theo con sóng mỗi khi có thuyền bè chạy qua. Một vài người dân đi chăng lưới về, cầm sẵn con cá trên tay, thảy lên thuyền cho anh em trong đội. Anh Minh bảo nhiều khi nói người ta cứ cãi, thực tế mình muốn tốt cho họ, đồng thời gìn giữ những cảnh sắc thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Đồng Nai này. Nhưng đôi khi thấy họ chật vật mưu sinh, oằn mình chống chọi với thiên tai, lại thấy thương, thương vô bờ bến. Như mấy nay cũng vậy, ở trên sông, chẳng bao giờ thiếu cá. Người dân thảy cá vào, nhưng họ cũng chọn đấy. Họ chọn cá ngon cho mình, chọn con đang còn sống, chọn con cá sống tự nhiên, không phải cá nuôi đâu nhé.

Giấc ngủ chập chờn, đong đưa trên sông. Có lẽ mỗi người trong đoàn đều có một nỗi niềm riêng… Đêm nay, mọi người im lặng, nằm nghe sông thở...

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Hào khí miền Đông: Nằm nghe sông thở - Ảnh 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.