Bệnh viêm loét dạ dày

03/07/2013 10:05 GMT+7

Nhằm giúp bạn đọc có thể đặt câu hỏi và được giải đáp, tư vấn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, bắt đầu từ hôm nay 3.7, trang Thông tin nóng - Nhịp sống ĐBSCL của Báo Thanh Niên sẽ ra mắt chuyên mục “Bác sĩ của bạn” vào thứ tư hằng tuần.

Chuyên mục có sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên khoa đến từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường ĐH Y dược Cần Thơ và Y - Nha khoa Vạn Phước (Cần Thơ). Những thắc mắc về sức khỏe,  bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) để được giải đáp và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh viêm loét dạ dày

* Tôi năm nay 33 tuổi, hay đi uống rượu, bia với bạn bè. Gần đây thấy đau âm ỉ ở phần bụng trên rốn, ăn không tiêu, ợ chua, tôi tự đi mua thuốc uống thì hết, nhưng sau đó bệnh hay tái phát. Có phải tôi đã bị bệnh đau dạ dày nặng không? Nguyên nhân của bệnh này là gì? Bệnh có chữa khỏi hẳn được không? Nghe nói nếu trong dạ dày mà có vi trùng H.P sẽ rất nguy hiểm, không biết tìm vi trùng này như thế nào? (Lequangtu…@yahoo.com)

- BS.CKI Dư Huỳnh Hồng Phong, Chuyên khoa Tiêu hóa, gan mật, Y- Nha khoa Vạn Phước:

Trước hết, bệnh viêm dạ dày - tá tràng thường là do một số nguyên nhân sau: dùng thuốc (aspirin, thuốc kháng viêm non-sterodi, corticoid), do nhiễm vi trùng H.Pylori (gọi tắt là H.P), công việc căng thẳng kéo dài, stress, chế độ ăn uống nhiều chất chua cay, không đúng giờ giấc, uống nhiều rượu bia, các loại nước uống có gas, hút thuốc lá... Hiện nay viêm loét dạ dày do nhiễm vi trùng H.P là thường gặp nhất.

Các triệu chứng của bạn chính là những biểu hiện của bệnh dạ dày. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đến cơ sở y tế khám và làm nội soi dạ dày để biết mức độ của bệnh và phương pháp điều trị phù hợp. Căn bệnh này hiện có thể chữa khỏi nếu hiểu rõ được nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp của bạn hay bị tái phát là do chưa xác định rõ nguyên nhân gây viêm dạ dày, bạn lại tự ý dùng thuốc, nhiều khi chưa đúng liều lượng, thời gian… nên bệnh không dứt hẳn.

 Riêng về việc tìm vi trùng H.P trong dạ dày, hiện nay có 2 phương pháp thường được sử dụng là nội soi dạ dày lấy dịch nhầy đi xét nghiệm tìm H.P và test hơi thở C13 hoặc C14. Đây là phương pháp hiện đại, nhẹ nhàng, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc, sau đó thổi hơi vào bong bóng và đem đi xét nghiệm là có kết quả. Tuy nhiên, chi phí thực hiện của phương pháp trên cao hơn so với nội soi. Tốt nhất, để biết bệnh tình rõ ràng và cách chữa trị, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá để được tư vấn và điều trị, không nên tự ý dùng thuốc. Tuổi càng lớn càng phải thận trọng vì biểu hiện sớm của ung thư dạ dày cũng có những triệu chứng mơ hồ như: đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, buồn nôn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.