20 năm lặn tìm xác người

23/06/2013 03:30 GMT+7

Chẳng biết tự bao giờ, cộng đồng người J’rai “kết nạp” và xem ông như người trong gia đình bằng cái tên thấm đẫm phong vị bản địa: Ơi Joanueng - Ông già Biển Hồ.

Người bản địa ở phố núi Pleiku (Gia Lai) bảo ông như là người được yàng phái xuống túc trực tại Biển Hồ làm việc nghĩa. Nhìn ra Biển Hồ, một hồ nước lớn thuộc xã Biển Hồ (TP.Pleiku), dập dềnh con nước ngày mưa, ông Quách Trọng Hoan (72 tuổi) đượm buồn, lặng lẽ lấy nhang vào đền thắp. Ông nói rằng muốn hồn những người trầm mình dưới Biển Hồ không còn phiêu diêu, muốn bản thân có thêm sức khỏe để tìm xác, cứu người.

“Ai cần tôi xin gọi số…”

Nhiều gia đình ở vùng Tây nguyên chắc hẳn chẳng thể quên hình ảnh một ông già nhỏ thó, phục trang bình dị nhưng có khả năng lạ thường, trong khi nhiều thợ lặn lành nghề bó tay. Ông Hoan kể: “Những con người trầm mình xuống thác sâu, sông dữ hay không may đuối nước dĩ nhiên là bí bách, không may với cuộc đời này. Hãy thương họ! Vì vậy, có người nhờ là tôi lên đường ngay, chẳng quản ngày đêm. Chỉ sợ sức yếu, không còn làm việc nghĩa được bao năm nữa. Vớt xác 60 người từ hơn 20 năm qua, mỗi con người để lại trong tôi những hằn in ký ức…”.

Ông Hoan sợ những lúc mình đi vắng, khi ai có việc nhờ lại không gặp nên đã cẩn thận đặt ngay một tấm bảng ghi rõ số điện thoại: “Ai cần tôi xin gọi số…”. Thương những phận người đuối nước, ông tự bỏ tiền làm ngôi đền Vạn Linh, hằng ngày nhang khói. Ngôi nhà nhỏ nằm sát Biển Hồ của ông lâu lâu lại vẳng lại tiếng chân người kêu cứu, dù đêm khuya gió lạnh.

 

Bác Hoan đã cứu nhiều người thoát khỏi miệng hà bá. Ngoài ra, bác cũng tự nguyện giúp nhiều gia đình vớt xác khi thân nhân của họ gặp nạn. Việc làm của bác Hoan đã được biểu dương nhiều lần.  

Ông Lê Doãn Chiến, Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, TP.Pleiku

Nhớ Tết âm lịch năm 2012, ông vừa đi chúc tết về, mới chợp mắt bỗng nghe tiếng chân sầm sập, tiếng khóc kêu cứu của nhiều người. Mới có một trường hợp nhảy xuống Biển Hồ tự vẫn. Ngay trong đêm, ông nhảy xuống làn nước lạnh như đông đá tìm xác. Lặn nhiều hơi, thân người gặp lạnh, hai hàm răng va cầm cập vào nhau. Mãi đến sáng hôm sau mới tìm được xác.

Ngày tạnh ráo, sáng nào người dân xã Biển Hồ cũng thấy ông Hoan chạy bộ từ sớm trên những cung đường nhỏ. Sau đó ông xuống Biển Hồ bơi ra xa, lặn vài hơi rồi mới lên bờ ăn sáng. Chỉ đeo một bình dưỡng khí, ông có thể lặn sâu xuống 14-15 m nước. Anh Đinh Văn Tuy, một thợ lặn lão luyện ở Bình Định, phải thốt lên: “Chúng tôi dù còn trẻ, khỏe nhưng không thể lặn đến độ sâu như thế, nên nhiều bận phải nhờ đến cụ mới xong việc”.

Những thân phận đuối nước

Già Hoan nhớ nhất là thảm kịch của 6 gia đình học sinh Trường THPT Hùng Vương, TP.Pleiku cách đây ngót nghét 20 năm. Trong một buổi đi chơi trên Biển Hồ ngày hè, thuyền chở các cháu không may gặp nạn, 6 em học sinh đuối nước.

 
Cùng cháu thảnh thơi chăm sóc vườn

 
Giúp người nhà lo hậu sự khi vớt xác người chết đuối lên bờ - Ảnh: Trần Hiếu

“Tôi nhớ rõ cháu Hoàng Nga My trước đó khi đi qua chỗ tôi mời tôi ăn bánh và nhờ coi xe giùm. Vậy mà chỉ chưa đến một giờ đồng hồ sau đã nhận tin dữ. Chính tôi là người lặn xuống Biển Hồ vớt xác cháu lên. Nó trạc tuổi con gái tôi, dễ thương lắm. Tôi đã đến nhà xin ảnh về thờ và tự bỏ tiền lập nên ngôi đền Vạn Linh này” - già Hoan nói. Rồi ông kể tiếp: “Khoảng chục năm trước, có hai thanh niên quê tận Cao Bằng không may bị luồng nước dữ trên dòng Pô Cô cuốn trôi. Thợ lặn giỏi ở Tây nguyên, Bình Định được đưa đến nhưng cuối cùng chỉ nhận được cái lắc đầu thất vọng dù đã nỗ lực tìm kiếm. Tôi được mời đến như sự hy vọng cuối cùng. Lặn đến đỏ mắt, tay chân rũ ra vẫn không tìm thấy. Cho đến ngày thứ 6 mới phát hiện được xác, lúc đó đã bị thối rữa. Nhiều người né đi vì không chịu nổi mùi tử khí. Tôi cũng bắt đầu lên cơn sốt. Quyết định phải mai táng ngay trong đêm. Vậy là tôi tìm củi đốt lên một đống lửa chống lại cái lạnh nơi núi rừng hoang vu. Xong việc, tôi lả đi vì mệt và sốt. Mãi đến hai năm sau, gia đình người xấu số từ Cao Bằng vào, nhờ tôi đi chỉ chỗ an táng để đưa xác họ về”.

Hay cách đây chưa lâu, một trường hợp khác bị đuối nước. Những thợ lặn khác bó tay và bất ngờ khi thấy người nhà mời một ông già có vẻ hom hem đến lặn tìm. Đó là già Hoan. Họ không nói ra nhưng tỏ vẻ chưa tin. Lặn tìm hai ngày ròng rã, có lúc xuống sâu quá, máu trào ra hai lỗ tai, rồi cuối cùng già Hoan cũng tìm thấy nạn nhân.

Hay hai chị em ruột L. và N. ở TP.Pleiku cùng buộc dây nón vào tay, trầm mình xuống Biển Hồ khi cô chị nhận hung tin mình bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền cứu chữa, còn người em quyết “đi” với chị. Khi già Hoan vớt xác họ lên bờ, những người có mặt rớt nước mắt bởi tận mắt thấy hai thân thể ôm chặt vào nhau.

Già Hoan tâm sự rằng mình hầu như nhớ hết những người đã được vớt xác. Sau mỗi lần làm phúc, ông đều không đòi hỏi người nhà phải “bồi dưỡng”.

Tất cả tùy tâm.

Cứu người trên Biển Hồ

Từ nhỏ, già Hoan đã phải sống xa nhà, tự kiếm lấy cái ăn, lấy tiền học tập. Chính cảnh ly tán ấy giúp chàng trai Quách Trọng Hoan tự trang bị kỹ năng sống cho mình. Người dân ven con sông Bôi (Hòa Bình) ngày trước không hề lạ lẫm với “chàng trai rái cá” lặn xuống sông vớt củi, bắt cá mưu sinh. Tham gia thanh niên xung phong, rồi ông vào bộ đội giãi nắng dầm mưa chống giặc ở chiến trường Tây nguyên. Rồi những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa tăng gia sản xuất, chống Fulro luôn là ký ức đẹp trong ông.

Suốt 25 năm, từ khi xa gia đình, sống đơn thân trong ngôi nhà nhỏ nép mình bên Biển Hồ, già Hoan đã cứu gần cả chục con người thoát khỏi tử thần. Ông trở thành cha nuôi của nhiều người khi dang rộng vòng tay đón nhận những tình cảm chân thành của họ. Ông Lê Doãn Chiến, Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, TP.Pleiku cho biết: “Bác Hoan đã cứu nhiều người thoát khỏi miệng hà bá. Ngoài ra, bác cũng tự nguyện giúp nhiều gia đình vớt xác khi thân nhân của họ gặp nạn. Việc làm của bác Hoan đã được biểu dương nhiều lần”.

Già Hoan nói rằng điều mừng nhất là cả bốn đứa con của ông đều thành đạt, ổn định và kể thêm: “Phụ cấp của tôi 500.000 đồng mỗi tháng chả thấm tháp gì, con cái phải hỗ trợ thêm để cha có tiền chi phí và cả… lộ phí khi chạy đi cứu người nữa. Chuyện cứu người có lẽ là do căn duyên. Nhiều trường hợp các thợ lặn bó tay mới tìm đến tôi và đều tìm được xác. Tôi có chỉ cho nhiều người trong vùng bơi lặn, phòng khi mình không còn sức vẫn có người làm việc nghĩa này”.

Mới 5 giờ chiều nhưng trời đã tối hẳn, mưa nhạt nhòa. Tai vẳng nghe tiếng sóng vỗ phía Biển Hồ ì oạp. Già Hoan nhổm người, nhón mấy cây nhang bước ra ngôi đền Vạn Linh…

Trần Hiếu

>> 31 lần hiến máu cứu người
>> Cứu người tự tử
>> Robot cứu người đuối nước
>> Thầy thuốc hiến máu cứu người
>> Tuyên dương sĩ quan biên phòng cứu người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.