Tạo trầm hương từ cây dó bầu

05/03/2014 10:47 GMT+7

Trầm hương là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó bầu . Khi sản phẩm tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc cấy hóa chất vào cây dó bầu để tạo trầm đã mang lại hiệu quả và thu nhập… tiền tỉ.

Tạo trầm hương từ cây dó bầu
 Ông Chương đang bơm thuốc vào cây dó bầu trong vườn để cấy trầm.

Từ những thất bại của “thợ cấy trầm”…

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Bình Phước có khoảng 1.000 ha cây dó bầu được người dân và doanh nghiệp trồng. Vì nhu cầu lớn nên đã xuất hiện khá nhiều “thợ cấy trầm” tự do tự chế thuốc và ai cũng cho phương pháp của mình là hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều thợ không có kinh nghiệm, dùng thuốc trôi nổi nên đã làm cây dó bầu chết dần. Thay vì chỉ khoan vài lỗ trên thân dó bầu, khoan đúng thời điểm khi cây khoảng 5 năm tuổi thì những “thợ cấy” lột da cây, bôi hóa chất vào và chỉ trong khoảng 6 tháng, cả vườn dó bầu mục ruỗng, cây chết nhưng không có trầm. 

Đến phương pháp của ông “Năm Chương”

Dù đã về hưu, nhưng với suy nghĩ làm thế nào để giúp người trồng dó bầu có đầu ra và thu nhập cao, ông Võ Văn Chương (tên thân mật là Năm Chương, ngụ ấp 1, xã Đồng Tiến, H.Đồng Phú), nguyên Chánh thanh tra tỉnh Bình Phước đã mày mò tìm ra phương pháp cấy trầm hiệu quả.

Trước thực trạng người nông dân chưa biết phương pháp khoan, cấy trầm cũng như bị “thợ cấy trầm” tự do lừa gạt, ngay từ khi còn đương chức, ông Năm Chương đã trăn trở làm thế nào để cuộc sống người nông dân khá lên. Từ trăn trở đó, ông đã trồng thử nghiệm 2 ha dó bầu (khoảng 2.200 cây) trên đất rẫy nhà mình, đồng thời ông tự mày mò, nghiên cứu bào chế ra thuốc cấy trầm với giá khá rẻ và đạt hiệu quả rất cao.

Tạo trầm hương từ cây dó bầu 2
 Lò chiết tinh dầu trầm của ông Chương

Theo ông Năm Chương, phương pháp cũ khi trồng dó bầu thường dẫn đến sản lượng trầm ít. Đến độ tuổi cấy trầm, nhiều người dùng cưa xẻ các đường dọc thân cây hoặc đục vài chục lỗ  theo hướng từ ngọn xuống gốc rồi bơm thuốc vào. Vì thế, khi thu hoạch, trầm chỉ tụ ở vài lỗ, thậm chí có cây không có trầm.

Ông Năm Chương đã thử nghiệm phương pháp không dong (chặt) nhánh. Đối với cây dó bầu 5-7 năm tuổi, ông chỉ khoan 2-3 lỗ, mỗi lỗ bơm một chai thuốc (0,5 lít) cấy trầm; cây trên 10 năm tuổi khoan 2 tầng (6-8 lỗ). Với phương pháp trồng và cấy thuốc như trên, sau 3 tháng, áo dầu (lớp trầm mỏng) màu nâu xuất hiện, đến 12 tháng đã có thể khai thác. Lúc này, trầm tích tụ từ gốc cho tới những nhánh nhỏ, độ kết tủa dày 1-2 li. Nếu có điều kiện nuôi cây đến 24 tháng, trầm càng tích tụ, màu càng đẹp và bóng.

Theo ông Năm Chương, trầm  là mặt hàng được nhiều thương lái ở Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh miền Trung… lùng mua để xuất khẩu sang Mỹ, các nước vùng Trung Đông, Trung Quốc, Malaysia...  Ngay tại vườn, 1 kg trầm loại áo dầu có giá bán 2 triệu đồng, loại trầm tích tụ 24 tháng giá 5-6 triệu đồng. Dầu trầm hương được dùng làm thuốc chữa bệnh, hương liệu sản xuất hóa mỹ phẩm và dùng vào nhiều mục đích khác…

“Hiện tại, tôi đã xây dựng xưởng chiết xuất tinh dầu trầm với 6 lò chưng cất, khu nhà kho, hệ thống tinh chiết… và đã xuất được nhiều mẻ với giá 7.000 USD/lít. Tới đây, xưởng sẽ phát triển lên 60 lò chưng cất để đủ bao tiêu cây dó bầu của người dân địa phương. Nếu trồng 1 ha với 1.100 cây dó bầu, sau 6 năm, họ bán được cả tỉ đồng. Người dân không có tiền, tôi ra thuốc, bỏ công và hưởng 30% số cây sau 12 tháng cấy trầm. Như vậy người dân sẽ không phải lo lắng đầu ra”, ông Năm Chương cho biết.

Bài, ảnh: Phước Hiệp

>> “Vua kỳ nam xứ Nẫu” và cây dó bầu 160 năm tuổi
>> Một nông dân xuất cây dó bầu giống sang Malaysia
>> Đã có cách "đãi vàng" từ cây dó bầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.