Phù thủy sân khấu

03/02/2013 03:35 GMT+7

NSƯT Thành Lộc được mệnh danh là “phù thủy” của sân khấu. Một nghệ sĩ có thể hóa thân vào mọi kiểu nhân vật, làm người ta khóc cười đảo điên . Nhưng phía sau đó là những khát vọng vẫn đuổi đeo dù đã đi hơn nửa đời người.

NSƯT Thành Lộc được mệnh danh là “phù thủy” của sân khấu. Một nghệ sĩ có thể hóa thân vào mọi kiểu nhân vật, làm người ta khóc cười đảo điên . Nhưng phía sau đó là những khát vọng vẫn đuổi đeo dù đã đi hơn nửa đời người.

Lấp lánh tài hoa

Thành Lộc là con của NSND Thành Tôn, cây đại thụ hát bội miền Nam, mẹ anh là nghệ sĩ Huỳnh Mai cũng theo hát bội, và dòng họ anh có nhiều người nổi danh trong giới cải lương như Thanh Tòng, Trường Sơn, Xuân Yến, Thanh Loan, Thanh Sơn, Công Minh, Bạch Lê, Bạch Long… rồi đến thế hệ Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo, Quế Trân… 

 Phù thủy sân khấu
NSƯT Thành Lộc vai Lê Thánh Tông trong vở Vua thánh triều Lê - Ảnh: H.K

 

Thật sự xem Thành Lộc diễn, thấy một tài hoa lấp lánh. Nhớ Chu Xung năm ấy trong trẻo lạ kỳ, nhưng lọt vào ngôi nhà giông tố, hứng chịu một bi kịch, để rồi chàng trai thánh thiện ấy đã ra đi lúc mới 17 tuổi. Chết mà không hiểu hết chân tướng cuộc đời, tại sao lại đắng cay, ghê gớm đến vậy, và đó là cái chết của sự tan tành mộng mơ, lý tưởng, niềm tin, chứ không chỉ là cái chết thể xác. Chu Xung không để lại nước mắt cho người xem, mà để lại một uất nghẹn ngay nơi cổ, lan xuống trái tim, đúng lúc sợi dây điện oan nghiệt chớp lên, vẽ một thân người chới với đưa tay như muốn hỏi trời xanh muôn vàn câu hỏi tại sao. Gương mặt ấy là của Thành Lộc trẻ trung, đầy ước mơ khi mới bước vào nghề không lâu, còn quá đẹp và phơi phới tin yêu.

 
Tôi ray rứt lắm chứ, nhưng không ảo tưởng. Và không ảo tưởng cả về chức năng của nghệ thuật. Đầu tiên nó là giải trí cái đã, cho người ta thư giãn, khỏe khoắn, sau đó mới là thẩm mỹ, giáo dục...

Đến vai người chồng đồng tính trong Tiếng chim vườn ngọc lan, thì gương mặt ấy đã khắc khoải, cô đơn hẳn đi. Vết thời gian đượm buồn lên đó, nhưng bề ngoài vẫn thấy cười nói, tung tăng. Cha của anh ta là một quan chức thượng lưu, làm sao chấp nhận nổi sự thật đau lòng của con mình. Thế là cuộc hôn nhân gượng ép diễn ra. Và nỗi cô đơn trong the phòng càng khủng khiếp hơn, để dẫn tới một cuộc ngoại tình và cái chết. Nhưng anh ta đã chết rất đẹp, thông cảm, tha thứ cho vợ, và nhẹ lòng, thanh thản chấp nhận cuộc đời của chính mình, không trách ai cũng không cầu xin ai, dũng cảm chọn lối đi riêng hạnh phúc. Cái chết đầy hoa lá chung quanh như một sự giải thoát. Vai diễn đồng tính nhưng không bị phô chút nào, mà lung linh bi kịch trong một không gian thiết kế sang trọng, khiến người xem khâm phục, đồng cảm.

Và ông Tư của Dạ cổ hoài lang đã leo tới phía núi bên kia của cuộc đời để thấm đẫm nỗi buồn của kiếp tha hương. Nhưng có khi người ta không chỉ cô đơn nơi xứ lạ quê người, mà còn cô đơn ngay tại nơi mình sinh ra, đang sống. Bởi thời đại đã đẩy các thế hệ dần xa nhau, đẩy các giá trị truyền thống vào góc khuất của văn minh, vật chất. Xem ông Tư, thấy chính mình trong đó, và chính vì vậy mà say mê ông Tư, xót lòng với giai điệu quê hương sắp rơi vào quên lãng. Cuối cùng ông Tư gieo mình vào cái giá lạnh của tuyết, cũng tìm một cái chết nhẹ lòng vì được sống hết mình, hát hết mình với những hoài niệm yêu thương. Khán giả bàng hoàng nhận ra hình như đã mất mát điều gì rất lớn trong cuộc đời, và vội quay trở về nâng niu những gì gần gũi nhất.

Thành Lộc đã làm nên một ông Tư tài tử, thông minh, đa cảm như thế đó.

Yêu thì đừng tính toán

Có lẽ dòng máu sân khấu kết tinh quá đậm trong anh nên đi đâu rồi cũng về với ánh đèn màu, dù đôi lúc không khỏi ngậm ngùi khi thù lao sân khấu quá khiêm tốn so với đóng phim hoặc làm sự kiện. Thành Lộc cười, nói đó là xu thế chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Anh sang Mỹ, thăm Nhà hát Broadway thấy nghệ sĩ cũng sống khiêm tốn, có khi phải bán những món đồ nho nhỏ cho khách mua về làm kỷ niệm. Nhưng đã yêu thì đừng có tính toán. Đã theo nghề thì không nên so sánh thù lao, vì sân khấu có đẳng cấp riêng, cái đẹp riêng, đâu có cái nào thay thế cho cái nào được. Cho nên, anh thường từ chối những lời mời, chỉ nhận những chương trình nào anh thấy khá tử tế. Anh rất ít thời giờ, phần lớn chuyên tâm cho sân khấu, vì mỗi năm Sân khấu IDECAF làm cả chục vở, anh vừa đọc, chọn lựa kịch bản, vừa chỉ đạo nghệ thuật, góp ý, sửa chữa, đã quá bận.

“Tôi biết con đường mình đi, ôm đồm quá làm gì. Đã từng có những năm tôi làm việc trối chết, nhưng rồi khi bệnh thì uống thuốc hết trơn. Vậy bây giờ mình chọn sân khấu là chính, thì dốc sức cho nó, và tranh thủ hưởng thụ cuộc sống, thí dụ ngủ một giấc cho trọn vẹn, ngắm một cành hoa, uống một tách trà…Nói thật, tôi thích làm diễn viên đơn thuần hơn làm quản lý, để thỏa sức làm những gì mình muốn. Nhưng bây giờ…lỡ rồi, phải nghĩ tới bao nhiêu anh em đang cùng chung một nồi cơm, không thể thiếu trách nhiệm”.

Nhưng có phải vì “nồi cơm” ấy mà sân khấu của anh có lúc dựng vở cực kỳ sang trọng, nghiêm túc như Vua thánh triều Lê, Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Ngôi nhà anh túc, Người tốt nhà số 5… nhưng có lúc lại dựng những vở hài tưng bừng, nhảy nhót? Thành Lộc gật đầu: “Đúng vậy. Xu thế chung mà. Tôi đi Nhật xem được vở Cô gái Tokyo rất hay, nhưng hỏi vị giám đốc nhà hát thì ông nói vở kiểu này khó bán vé lắm, nghệ sĩ cũng phải sống bằng vở hài. Tôi chủ trương “hòa nhập” với xã hội để anh em sống được, nhưng không “hòa tan”, cho nên làm hài để nuôi những vở bi kịch nghiêm túc.

Tôi ray rứt lắm chứ, nhưng không ảo tưởng. Và không ảo tưởng cả về chức năng của nghệ thuật. Đầu tiên nó là giải trí cái đã, cho người ta thư giãn, khỏe khoắn, sau đó mới là thẩm mỹ, giáo dục… Người ta có vui chút chút thì người ta mới chịu xem, rồi mới ngẫm nghĩ tới những thông điệp mình gửi gắm trong đó. Cải lương, hát chèo cũng có nhân vật hề đó thôi. Nhưng nếu xem kỹ sẽ thấy phía sau tiếng cười của tôi đều có vị buồn, chua xót. Như vậy mới đúng logic cuộc đời, vui buồn lẫn lộn”. Có lẽ nhờ vậy mà Sân khấu IDECAF trụ vững cho tới bây giờ và mỗi năm đều có một vở đình đám, đáng cho người ta nể phục. Thôi vậy, còn hơn là sự bình bình. Thành Lộc định hướng rất rõ nghệ thuật của mình, phân khúc khán giả để ai cũng tìm được tác phẩm ưng ý.

Nhưng thật ra Thành Lộc vẫn đau đáu những ước mơ. Anh cứ nhắc một sân khấu nhỏ 30 chỗ ngồi ở Mỹ, khán giả xem rồi giao lưu, phân tích, nghệ sĩ hạnh phúc vì tìm được tri âm. Anh tự nhủ một ngày nào đó anh sẽ làm được. Và còn cải lương nữa… Sau Gìn vàng giữ ngọc gây tiếng vang quá tốt trong giới trẻ, anh cùng đạo diễn Vũ Minh muốn đem cải lương về Sân khấu IDECAF, vừa giữ được tinh túy của nó nhưng đồng thời cũng thổi vào nó hơi thở của thời đại, để nó sống, để anh bớt ray rứt với tiền nhân. “Thật ra tôi bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, rằng nghệ thuật dân tộc rồi sẽ chỉ còn trong bảo tồn. Nhưng cái cách mà Nhật Bản giữ gìn kịch nô cho du khách xem rất đáng để chúng ta học hỏi”.

Ước mơ cỡ đó thì anh cần rất nhiều tiền, rất nhiều tâm sức, đồng nghiệp? Anh cười: “Tôi là con người “duy tâm”, tôi cứ nuôi cái gì đó hoài hoài trong tim thì có ngày thành hiện thực. Từng trải nghiệm như thế, nên bây giờ tôi tin là mình sẽ làm được. Dù sao, nghệ thuật cũng hướng cuộc đời tới những giá trị nhân văn, tôi sung sướng khi mình được làm nghệ thuật, và có trách nhiệm với tình yêu mà tôi đã trót đeo mang”.

8 tuổi, Thành Lộc đã lên Sân khấu Nhà Thiếu nhi Sài Gòn và Đài truyền hình Sài Gòn (cũ). Sau giải phóng, anh theo học Khoa Diễn viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, 1982 tốt nghiệp, về đầu quân cho Đoàn kịch Trẻ. 1983, gia nhập Câu lạc bộ Kịch thể nghiệm 5B Võ Văn Tần, tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM. 1997, biểu diễn tại sân khấu IDECAF, và đến năm 2000 cùng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thành lập Công ty TNHH sân khấu và nghệ thuật Thái Dương, hoạt động mạnh mẽ cho tới bây giờ với vai trò phó giám đốc phụ trách nghệ thuật.

Hơn 200 vai diễn của Thành Lộc để lại những ấn tượng sâu sắc như Chu Xung (Lôi Vũ), ông Tư (Dạ cổ hoài lang), trung sĩ Borondin (Đêm họa mi), người chồng (Tiếng chim vườn ngọc lan), thái giám Tạ Thanh (Bí mật vườn Lệ Chi), Lê Thánh Tông (Vua thánh triều Lê)… Rất nhiều giải thưởng từ Diễn viên xuất sắc, Mai vàng, Cù Nèo Vàng, HTV Awards…

Hoàng Kim

>> Thành Lộc: Kịch Bắc ngủ quên quá lâu
>> Thành Lộc lồng tiếng phim hoạt hình mùa Giáng sinh
>> Thành Lộc cổ vũ tiết mục Trial Bike của Ngô Minh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.