Mùa đông không áo ấm

21/11/2008 18:02 GMT+7

Ở vùng cao Quảng Nam, trong cái giá rét mùa đông, nhiều học sinh nhỏ tuổi vẫn cứ phong phanh trong những tấm áo mỏng manh.

Mặc 4 cái quần, vẫn thấy... mông

Ngôi trường cấp 1-2 Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nằm chênh vênh ngay sườn núi. Chúng tôi đến đúng giờ ra chơi, những cô cậu học trò từ các lớp chạy ùa ra như bầy chim sẻ. Những con chim sẻ đi chân đất.

Buổi chiều ở Nam Trà My, cái lạnh mùa đông buốt giá. Những vị khách đến từ miền xuôi ai cũng co ro trong áo ấm, vậy mà các học trò nhỏ vẫn đùa vui trong tấm áo vá chằng vá chụp. Hiếm hoi lắm trong hàng trăm học sinh, mới thấy một tấm áo ấm khoác trên người. Hỏi lạnh không, Trịnh Thị Liễu - học sinh người Xê-đăng - cười tủm tỉm: “Dạ, quen rồi, lạnh như ri thì ăn thua chi, vài bữa nữa mới lạnh hung!”. Lại hỏi, lạnh hung thì có mặc áo ấm không, cô bé lớp 6 này lại ngượng nghịu: “Dạ, thì lượm củi về, tối đốt cho ấm, chớ làm chi có áo ấm! Lạnh quá thì vào nhà trùm mền”.

 
Tự kiếm củi để đun nấu và sưởi ấm

“Nhà” mà Liễu nói, thật ra là một túp lều dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, bốn bề gió lồng lộng. Trong nhà không có gì ngoài một tấm phản ghép từ nhiều miếng gỗ vẫn chưa kịp bào nhẵn, lủng lẳng thêm vài chiếc võng để nằm được nhiều người. Căn lều dựng tạm sau trường ấy chỉ chừng 20m2, nhưng chứa đến mấy chục học sinh chen chân nhau sống tạm trong những ngày đeo đuổi sự học. Trời mới trở gió là căn lều rung lên bần bật, không biết liệu có chống chọi nổi với mưa bão ở vùng núi hiểm trở này?

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhị - người dạy tại vùng núi này 6 năm - kể chuyện thật mà ai cũng tưởng nói đùa: “Học trò ở đây đi học, mặc 4 cái quần vẫn thấy mông”. Học trò vùng này, nhiều em không có cả cái quần lành lặn để mặc đi học, chứ đừng nói đến quần áo mới như các bạn vùng xuôi. Thế nên nói chi đến quần áo ấm. Mùa đông, cái lạnh từ bốn bề rừng núi bủa xuống, phủ lên vùng Nam Trà My. Vậy mà, những cô cậu học sinh vẫn cứ cười đùa, dù mặt mày tím ngắt vì lạnh.

“Mùa đông ở đây, học trò chỉ phong phanh một lớp áo mỏng tang duy nhất. Muốn làm nhiều thứ cho các em, chứ không chỉ là truyền thụ kiến thức, nhưng sức thầy cô ở đây thì ai cũng biết, khó khăn vẫn còn trăm bề” cô giáo Nguyễn Thị Nga xót xa.

Ăn cơm với muối

Để trốn cái lạnh, hầu hết học sinh ở đây tìm đến những bếp lửa đốt tạm sau trường, bằng củi mót từ trên rừng về. Bờ tường phía sau trường đen nhẻm vì bụi than. Trên bếp lửa bập bùng là nồi cơm nấu vội. Không thấy bóng dáng nồi thức ăn nào. Hỏi thì cô học sinh Hồ Thị Thời cười: “Tụi em toàn ăn cơm với muối”. Cũng như Thời, hàng trăm học sinh của ngôi trường này đều đến từ những vùng xa xôi, hẻo lánh. Đến trường, có em phải vượt qua mấy ngày trời đèo dốc. Sợ nhất là mùa mưa, vùng núi này thường xuyên bị tắc đường do sạt lở, rất nguy hiểm nên đôi khi học sinh không kịp đến trường, phải bỏ mất mấy buổi học. Mỗi tuần các em về thăm nhà một lần để lấy lương thực.

Nhiều học sinh lớn hơn, có thể vào rừng tìm măng tre, rau rừng để cải thiện. Trời lạnh, người muốn đóng băng, vậy mà dưới con suối cạnh trường, cũng có vài em lội ra vừa giặt giũ, tắm gội, vừa tranh thủ kiếm con cá. “Hiếm lắm mới bắt được một con, suối cạn ni dễ chi có cá. Mùa đông thì càng hiếm”, cậu bé Hồ Văn Long mặt mũi tím ngắt, đứng dưới suối, tay huơ huơ con cá bé xíu bằng đầu ngón tay. Đến trường không chỉ có học, những cô cậu học sinh này còn phải tự lực nhiều việc, ví như vào rừng tìm củi về đun, vừa để nấu ăn, vừa để sưởi trong mùa đông lạnh giá.

Điều kỳ diệu là đối mặt với khó khăn, nhưng những đứa trẻ này vẫn giữ nguyên niềm đam mê học chữ. “Chính những điều đó đã truyền hơi ấm cho chúng tôi, giúp giáo viên vùng cao có thêm nghị lực để bám trụ nơi này, và vượt qua bao mùa đông khắc nghiệt ”, thầy Nhị tâm sự.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.