Đến Việt Nam giúp người bất hạnh

21/11/2010 20:47 GMT+7

Sinh viên Úc đến Đà Nẵng thực tập chăm sóc trẻ em, người già, đồng thời để được cảm nhận tình yêu thương của các em mồ côi, khuyết tật.

Hai tuần qua, các soeur, thầy cô và học trò trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm (đường Phan Tứ, Q.Ngũ Hành Sơn) đón “luồng gió mới” từ nam bán cầu. 5 sinh viên (SV) nhận được suất học bổng của chương trình Endeavour Awards - hỗ trợ SV thực tập trong môi trường quốc tế của Úc đã chọn TP Đà Nẵng để vào nghề.

Ceasar Arias là SV thực tập nhưng kiến thức và phương pháp chăm sóc người già của Ceasar khiến ai cũng nể phục, bởi tại Úc anh đã làm việc trong nhà dưỡng lão. “Nhưng tôi vẫn muốn học thêm chuyên ngành Childcare (chăm sóc trẻ em) ở trường Charlton Brown, bởi tôi yêu những đứa trẻ, và muốn có những kỹ năng chuyên nghiệp để làm công việc này” - Ceasar nói.

SV Rachel Leanne Boys, 24 tuổi, cho biết dù từng chăm sóc trẻ em, người già ở London, Paris nhưng đây là lần đầu tiên bạn cõng trên lưng trẻ khuyết tật ở Việt Nam. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, ngày qua ngày, Rachel dần cảm nhận được những tình cảm, những bài học mà cô - trò trao đổi với nhau chứ không đơn thuần là công việc dạy học một chiều. Từ những ánh mắt bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu, bây giờ Rachel đã muốn ở lại Việt Nam để tiếp tục công việc này, Rachel nói: “Cảm giác tiếng reo hò của học sinh trong lớp chào tôi và dành cho tôi những nụ cười buổi sáng khi tôi bước vào lớp thật đặc biệt".

Qua lần thực tập này, các SV của tôi có được cảm nhận sâu sắc hơn về công việc của mình, đó không chỉ là nghề nghiệp mà còn là sứ mệnh

Sally Burnard - Tham tán giáo dục của Cơ quan giáo dục quốc tế Úc tại Việt Nam

Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm là nơi nuôi dưỡng 160 trẻ em bại não, chậm tiến cùng 40 người già neo đơn, không nơi nương tựa. Hằng ngày, 43 giáo viên vừa phụ trách 15 lớp học, vừa tăng gia sản xuất, lo bếp núc và vệ sinh cho 200 người. Theo soeur Tuyết Lan - Hiệu trưởng nhà trường, sự có mặt có 5 SV đã tạo ra nhiều tiếng cười cho các học sinh.

Các SV Úc đã mang lại cho các soeur, thầy cô tại trường những phương pháp mới trong giáo dục như dùng âm nhạc, trò chơi, các hoạt động ngoài trời để kích thích trí não của trẻ. Các bài học đều lồng ghép kiến thức trong trò chơi. Đó có khi là trò chơi nhóm để dẫn dụ các em khuyết tật làm quen với các vận động của cơ thể, hoặc những bài hát vui nhộn để các em tập phát âm bảng chữ cái.

Trong khuôn viên của những người già neo đơn, một tuần 3 buổi, các SV hướng dẫn cho các cụ tập… nhảy để xua tan không khí tẻ nhạt. Không chỉ dạy học, các SV còn học trồng rau ngoài ruộng và nuôi gia súc. Và nhà ăn là nơi hòa trộn mọi cung bậc cảm xúc, bởi trẻ bại não thường khó ăn và không tự ăn được khiến các thầy cô rất vất vả. Có hôm, SV Natalie Wise (21 tuổi) phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ để vừa ẵm, vừa dỗ, chơi trò chơi để đút cơm cho trẻ. Natalie cho biết, tuy có những ngày cánh tay mỏi rã rời, nhưng bạn rất hạnh phúc bởi trẻ khuyết tật đã nhận được rất nhiều tình cảm trong mỗi muỗng cơm.

Theo bà Christine Kerr - Giám đốc học thuật trường Charlton Brown, năm ngoái, những SV đầu tiên trở về từ Việt Nam dường như “lột xác”, họ ý thức rất rõ về nghề nghiệp của mình, những mái trường nuôi dạy trẻ chuyên biệt tại Việt Nam đã giúp cho SV có trái tim rộng mở hơn.

Bà Sally Burnard - Tham tán giáo dục của Cơ quan giáo dục quốc tế Úc tại Việt Nam, cho biết: “Đợt thực tập nằm trong chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 quốc gia Việt Nam và Úc, các SV thực tập đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động mà họ nhận được trong suốt 2 tuần qua, đặc biệt là nơi đây tràn ngập tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc của những đứa trẻ gặp nhiều bất hạnh. Qua lần thực tập này, các SV của tôi có được cảm nhận sâu sắc hơn về công việc của mình, đó không chỉ là nghề nghiệp mà còn là sứ mệnh”.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.