Huyện làm sai, dân phải chịu !

24/04/2012 03:39 GMT+7

Đang canh tác đất theo hợp đồng với cơ quan nhà nước, khi sắp đến kỳ thu hoạch nhà nước lấy đất lại để xây dựng trung tâm hành chính mà không hề bồi thường. Người nông dân nhìn thành quả lao động bao nhiêu năm bị đốn hạ mà không khỏi đau lòng.

Đang canh tác đất theo hợp đồng với cơ quan nhà nước, khi sắp đến kỳ thu hoạch nhà nước lấy đất lại để xây dựng trung tâm hành chính mà không hề  bồi thường. Người nông dân nhìn thành quả lao động bao nhiêu năm bị đốn hạ mà không khỏi đau lòng.

Bị thu hồi trước thời hạn

Năm 1996, Phòng Tài chính - Kế hoạch (TC-KH) H.Tân Uyên (đại diện cho UBND H.Tân Uyên), tỉnh Bình Dương ký hợp đồng hợp tác liên doanh với nhóm hợp tác làm vườn gồm 11 hộ (do ông Mai Thanh Hùng, ngụ P.1, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp đại diện). Theo hợp đồng, UBND H.Tân Uyên sẽ giao cho các hộ dân diện tích tổng cộng 50 ha đất tại xã Đất Cuốc, H.Tân Uyên thời hạn 50 năm để trồng cây ăn trái. Trong hợp đồng ghi rõ, bên A (UBND H.Tân Uyên) có trách nhiệm hợp pháp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho nhóm hợp tác và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho mỗi thành viên. Ngược lại, các thành viên có trách nhiệm đóng tiền theo tỷ lệ đã quy định khi có thu hoạch.

Thế nhưng, sau khi ký hợp đồng, giao đất xong, UBND huyện đã bỏ mặc cho các hộ tự canh tác mà không hề có sự quan tâm, kể cả việc làm thủ tục cấp QSDĐ cho các hộ. Qua nhiều năm người dân đầu tư không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc, đến năm 2005, khi vườn cây ăn trái và cây cao su sắp đến kỳ thu hoạch, bất ngờ UBND huyện thông báo lấy lại diện tích đất trên để xây dựng khu hành chính xã Đất Cuốc. Sau đó, dù chưa hề ban hành quyết định thu hồi và cũng chưa đưa ra phương án đền bù nào, huyện đã cho lực lượng chặt đốn nhiều cây trồng của các hộ trên diện tích hơn 17 ha và tiến hành xây dựng khu hành chính xã. Kể từ đó, các hộ trong nhóm hợp tác liên tục khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Ông Mai Hồng Kỳ, một người dân có đất canh tác tại đây, bức xúc: “Tôi đã cải tạo đất, đầu tư canh tác hàng tỉ đồng, bỗng nhiên thu hồi như vậy thì làm sao sống nổi!”.

Huyện ký hợp đồng sai

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Tươi, Chánh văn phòng UBND H.Tân Uyên, khẳng định khu đất này là đất công do nhà nước quản lý. Phòng TC-KH huyện đã ký hợp đồng liên doanh với một số hộ để trồng cây ăn trái. Đến năm 2005, huyện có nhu cầu xây dựng trung tâm hành chính xã Đất Cuốc nên đã tiến hành thu hồi lại hơn 17 ha. Do đất này chưa được cấp QSDĐ cho các hộ nên vẫn là đất công thuộc nhà nước quản lý, nên khi thu hồi các hộ sẽ không được đền bù về đất đai mà chỉ được xem xét bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Trả lời câu hỏi vì sao trong hợp đồng ghi rõ trách nhiệm của UBND huyện là sẽ hợp thức hóa chủ quyền cho các hộ, nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện, gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân, ông Tươi cho rằng hợp đồng giữa UBND H.Tân Uyên với các hộ là hợp đồng hợp tác liên doanh chứ không phải giao đất. Việc đưa điều khoản này vào hợp đồng là có sự sơ suất của cơ quan nhà nước. Vì về nguyên tắc, Phòng TC-KH không thể thay UBND huyện giao đất cho các hộ. Ông Tươi cũng cho biết thêm, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ những thiệt hại về cây trồng và tài sản trên đất, sau đó sẽ mời các hộ đến làm việc để đưa ra một phương án bồi thường mới…

Điều đáng nói là dù huyện cho rằng có sự sai sót khi ký hợp đồng với các hộ, nhưng tại sao bao nhiêu năm nay lại không sửa chữa? Người nông dân không thể biết được điều đó vì họ tin tưởng vào cơ quan nhà nước đã đứng ra ký hợp đồng với mình, dù đó là Phòng TC-KH hay UBND huyện, khiến cho bây giờ họ phải chịu thiệt hại đủ đường. Đề nghị UBND H.Tân Uyên có phương án giải quyết thỏa đáng cho người dân. 

T.T.Bình - Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.