Xét xử sơ thẩm vụ án Vinashin: Bị cáo Bình nhận sai

29/03/2012 03:53 GMT+7

Năm 2006, trong khi Dự án nhiệt điện chạy dầu diesel trị giá gần 600 tỉ đồng còn đang đắp chiếu tại Cái Lân, Quảng Ninh thì Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình vẫn đồng ý cho một công ty con mua thiết bị cũ về làm nhà máy nhiệt điện Sông Hồng ở Nam Định trị giá tới 1.400 tỉ đồng.

Năm 2006, trong khi Dự án nhiệt điện chạy dầu diesel trị giá gần 600 tỉ đồng còn đang đắp chiếu tại Cái Lân, Quảng Ninh thì Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình vẫn đồng ý cho một công ty con mua thiết bị cũ về làm nhà máy nhiệt điện Sông Hồng ở Nam Định trị giá tới 1.400 tỉ đồng. 


Phần lớn các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm nhưng không thừa nhận số tiền thiệt hại như cáo trạng nêu ra - Ảnh: Thiên Bình

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, đầu năm 2006, Nguyễn Văn Tuyên (trình độ văn hóa 10/10; trình độ chuyên môn: Không), Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin (Vinashin góp 51% vốn) muốn xây nhà máy điện độc lập để cung cấp điện cho nhà máy thép và khu công nghiệp Mỹ Trung, tỉnh Nam Định, còn thừa sẽ bán vào lưới điện quốc gia.

Tuyên xin Phạm Thanh Bình cho tăng vốn của doanh nghiệp từ 10 tỉ lên 130 tỉ (Vinashin vẫn giữ 51%), bổ sung chức năng kinh doanh lĩnh vực điện lực. Khi đó, dù dự án nhà máy nhiệt điện chạy dầu ở Cái Lân, TP.Hạ Long, đang gặp trục trặc trong khâu lắp đặt, vận hành, nhưng Phạm Thanh Bình vẫn đồng ý cho Hoàng Anh đầu tư làm nhà máy điện ở Nam Định.

Ngày 14.6.2006, Nguyễn Văn Tuyên ký với Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Cửu Long, một biên bản thỏa thuận, với nội dung: Công ty Hoàng Anh thuê Công ty Cửu Long xây một nhà máy điện, công suất 185 MW, trị giá 55 triệu USD theo hình thức chìa khóa trao tay.

Trước đó, Tuấn Dương đã đi Hàn Quốc ký hợp đồng mua 3 tổ máy nhiệt điện cũ, tổng công suất 185 MW, trị giá 12,6 triệu USD đưa về Việt Nam phục vụ dự án xây dựng nhà máy điện cho Công ty Hoàng Anh.

Dù đây là dự án nhà máy điện, nhưng Công ty Hoàng Anh chỉ xin ý kiến lãnh đạo Vinashin, khi được Phạm Thanh Bình đồng ý, Tuyên lập tức triển khai thực hiện, không xin ý kiến của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), không đàm phán với bên mua điện (Tập đoàn điện lực). Thậm chí, Tuyên cũng không biết Cửu Long có chức năng thiết kế, lắp đặt nhà máy nhiệt điện hay không, đã từng làm dự án điện nào chưa? Hậu quả là tháng 5.2007, sau khi một số thiết bị đã nhập về, do thiết bị, công nghệ lạc hậu, Bộ Công nghiệp ra văn bản không chấp thuận cho triển khai dự án, yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án.

 “Tôi đã sai”

Tại tòa, HĐXX hỏi Phạm Thanh Bình: Bị cáo phê duyệt dự án điện Sông Hồng là đúng hay sai?

- Là đúng ạ.

Nhưng Hoàng Anh là công ty cổ phần, bị cáo đóng vai trò gì ở công ty này?

- Bị cáo không có chức danh lãnh đạo ở công ty này, nhưng bị cáo là đại diện cho phần vốn góp 51%.

Nhưng đại diện 51% vốn của tập đoàn, giao cho người của tập đoàn đại diện trong HĐQT của Hoàng Anh, việc bị cáo ký phê duyệt dự án là đúng hay sai?

Lúc này, bị cáo Bình mới hạ giọng: Là sai ạ.

Tòa hỏi tiếp: Vậy việc bị cáo phê duyệt dự án là đúng hay sai?

- Lúc đầu dự án dưới 600 tỉ đồng, là dự án nhóm B, nên bị cáo phê duyệt là đúng. Sau nâng công suất, nâng vốn, chuyển sang mức dự án nhóm A. Bị cáo thừa nhận việc phê duyệt dự án sau khi điều chỉnh vốn (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đúng thẩm quyền.

Theo cáo trạng, Công ty Hoàng Anh đã sử dụng 233 tỉ đồng chi cho dự án, trong đó đặt cọc cho Cửu Long 201 tỉ đồng. Cáo trạng nêu rõ dự án này đã gây thiệt hại 316 tỉ đồng, Nguyễn Văn Tuyên phải chịu trách nhiệm gây thiệt hại 296 tỉ đồng; Nguyễn Tuấn Dương phải chịu trách nhiệm đã đồng phạm cùng Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên gây thiệt hại 92 tỉ đồng, ngoài ra, còn một số bị cáo khác cũng bị quy trách nhiệm.

Hôm nay, tòa tiếp tục với phần tranh tụng.

Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.