Diễn viên đoạt Oscar thường... sống lâu

15/12/2009 01:25 GMT+7

Sự có mặt của Frank Pierson - người đàn ông đã từng nắm quyền lực cao nhất của giải Oscar trong 5 năm (2000 - 2005) - tại VN trong Liên hoan phim VN 16 vừa qua, dù bất ngờ nhưng lại không hề ồn ào. Hôm nay 15.12, ông sẽ có mặt ở Hà Nội để gặp gỡ một số đạo diễn.

Ông Frank Pierson rất lặng lẽ. Ông dễ dàng tuân theo sự sắp xếp của các nhà tổ chức lịch trình, đến đúng giờ và đi đúng lúc. Nhưng khi xin phép được trò chuyện về phim ảnh thì ông lại rất hào hứng. Lúc đó ông vừa hài hước vừa nhanh nhẹn và trẻ trung hơn cái tuổi 84 của mình. Cơ hội để PV Thanh Niên phỏng vấn ông là khoảng thời gian nghỉ giữa giờ của một cuộc hội thảo chuyên môn mà ông là khách mời.

* Ông có biết là một người như ông có mặt ở liên hoan phim này làm chúng tôi rất bất ngờ không?

- Ồ, tôi cũng bất ngờ (cười phá lên). Bất ngờ với sự bất ngờ nếu có của các bạn. Vì tôi nghĩ đương nhiên tôi sẽ phải có mặt ở đây. Bản thân điện ảnh vốn là một nghệ thuật không biên giới. Tiếng nói toàn cầu của nó càng ngày càng khẳng định hơn qua các tác phẩm của các nghệ sĩ đến từ bất cứ đâu. Bởi lẽ nó luôn nói về vấn đề của con người. Khi tôi mới vào nghề thì phim Mỹ luôn nói về người Mỹ, dành cho người Mỹ. Bây giờ đã khác, ngoài việc kinh doanh chúng tôi cũng muốn nói về những vấn đề mà ai cũng cảm thông được, những vấn đề chung với những câu chuyện riêng tư...

Đạo diễn, nhà biên kịch Frank Pierson sinh năm 1925 tại New York (Mỹ). Ông đã từng đoạt giải Oscar năm 1976 cho kịch bản xuất sắc nhất (Dog Day Afternoon), giải đặc biệt Liên hoan phim Berlin năm 1965 (Cat Ballou) và nhiều giải thưởng cũng như các đề cử khác. Frank Pierson nguyên là Chủ tịch Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ (từ tháng 8.2000 đến tháng 8.2005).

* Oscar luôn là mơ ước của hầu hết các nghệ sĩ làm điện ảnh. Nhưng đoạt giải Oscar có thay đổi gì với các nghệ sĩ không, theo nhận xét của riêng ông?

- Chưa chắc đã thay đổi gì nhiều. Vấn đề không phải là mình được giải gì, tôi nghĩ đó có thể là ước mơ nhưng lại không phải là mục đích. Các nghệ sĩ đích thực luôn có một ham muốn là được làm tốt nhất câu chuyện mình muốn kể hơn là việc đoạt giải. Đó mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây có một nghiên cứu cho biết, các diễn viên đoạt Oscar thường... sống lâu hơn những diễn viên không đoạt giải hoặc chỉ được đề cử Oscar những 4 năm! Diễn viên thôi nhé, còn đạo diễn và biên kịch thì không.

* Trong thời gian làm Chủ tịch Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ, ông đã gặp áp lực nào lớn nhất với mỗi kỳ trao giải Oscar?

- Có lẽ đó là năm 2003, khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Iraq. Lúc đó áp lực của dư luận làm chúng tôi hết sức lúng túng. Thậm chí từ Nhà Trắng cũng đưa ra yêu cầu chúng tôi phải ngừng lễ trao giải lại. Lý do là nước Mỹ đang đứng trước chiến tranh với rất nhiều thanh niên được động viên vào quân ngũ. Một lễ trao giải có nhiều phần phô trương như Oscar dường như không thích hợp. Ngay trong các nghệ sĩ cũng có những ý kiến trái chiều. Cuối cùng thì lễ trao giải vẫn được diễn ra, chỉ có điều nó giảm thiểu đi sự trang trọng, hoành tráng và xa hoa như các buổi lễ hằng năm khác. Mỗi nước, mỗi nền điện ảnh đều có những khó khăn phải đối phó thôi.

* Ông làm gì sau khi đã rời chức Chủ tịch Viện Hàn lâm? Và ông sẽ làm gì ở VN trong mấy ngày tới?

- Ở VN tôi đang muốn được... ăn (cười). Tôi muốn luyện cái miệng mình có thể làm quen với rất nhiều đồ ăn của các nước. Sắp tới sẽ là món ăn miền Bắc, khi tôi ra Hà Nội. Sau khi rời khỏi chức Chủ tịch Viện Hàn lâm ư? Tôi vẫn viết kịch bản và làm đạo diễn phim, vì tôi vẫn là một người làm phim mà. Và tôi cũng mong được thế! Cái tôi lo lắng nhất là tôi đã quá già, không biết có thể vượt qua giới hạn tuổi tác của mình để mà có những sáng tạo mới mẻ và trẻ trung không? Nhưng, giống như tình yêu, với mỗi một đối tượng, mình sẽ yêu bằng các cách khác nhau thôi!

* Xin cảm ơn ông!

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.