Sống mãi huyền thoại về lý tưởng thanh niên

06/10/2004 22:42 GMT+7

Năm 1954, lần đầu tiên ở Việt Nam, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xô Viết Nicôlai Ôxtrovxki Thép đã tôi thế đấy được dịch sang tiếng Việt. Thời gian ấy, trong các chiến hào Điện Biên Phủ mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ của chúng ta đã chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm này với cái tên Luyện thành gang thép. Và trong suốt 50 năm qua, tác phẩm này đã trở thành cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam...

Sinh ra ở làng Vilia, tỉnh Vôlunsca trong một gia đình công nhân, 12 tuổi Nicôlai Ôxtrovxki đã phải đi làm thuê. Năm 1919, khi 15 tuổi, Nicôlai đã tình nguyện ra mặt trận chiến đấu trong đội quân của vị chỉ huy anh hùng G.I.Kôtovski, rồi tiếp đến là Quân đoàn kỵ binh số 1 của X.M.Budionư, một trong những vị nguyên soái lừng danh của Hồng quân. Năm 1920, Nicôlai bị thương nặng. Sau khi giải ngũ, anh công tác ở Đoàn thanh niên Cômxômôn, tham gia lao động trên các công trường xây dựng. Nhưng do thương tật trước đó, đầu năm 1927, anh lâm bệnh, nằm liệt trên giường rồi 2 năm sau mắt mù hẳn. Trong giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời, Nicôlai Ôxtrovxki đã tìm ra được lối thoát cho mình để tiếp tục sống có ý nghĩa: viết văn.

Nhà văn Thúy Toàn nhận xét: "Chỉ sống trên đời có 32 năm - trong đó một nửa thời gian lại ốm đau, bệnh tật, có tới 9 năm nằm liệt giường và lại mù lòa, nhưng Nicôlai Ôxtrovxki trong giây phút cùng cực nhất vẫn không chịu đầu hàng, không gục ngã mà lại tìm ra được nghị lực sống và sống có ích. Cuộc đời ngắn ngủi của ông thực sự đã trở thành một huyền thoại, làm mọi người gần xa đều phải thán phục, ngưỡng mộ, các thế hệ nối tiếp nhau truyền tụng. Những con người rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, chỉ còn những khả năng hạn chế, tìm thấy ở Nicôlai Ôxtrovxki một chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống có lý tưởng, sống có ý nghĩa như lời ông gửi gắm qua phương châm sống của nhân vật Paven Coocsaghin (trong Thép đã tôi thế đấy): "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".

Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nicôlai Ôxtrovxki và 50 năm tác phẩm Thép đã tôi thế đấy xuất bản ở Việt Nam, ông Mai Thời Chính - quyền Giám đốc NXB Thanh Niên khẳng định: Trong suốt 50 năm qua, thông điệp nói trên của Paven Coócsaghin cũng là phương châm sống của nhiều thế hệ và đã góp thêm sức mạnh tinh thần cho lớp lớp thanh niên Việt Nam. Đã có không ít những tấm gương sống động như Nicôlai Ôxtrovxki, điển hình là Phạm Hồng Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, người đã nằm liệt suốt 13 năm nhưng tự học tiếng Nga trên giường bệnh và đã dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Việt.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.