Xót xa trống cổ

21/01/2014 14:07 GMT+7

Trống cổ mất dần ở các buôn làng Tây nguyên, nhưng số phận cũng mong manh trong tay những nhà sưu tập.

Xót xa trống cổ
Bộ sưu tập trống cổ hơn 130 chiếc của bà Cúc - Ảnh: T.N.Q

Nắng mưa đều khổ vì trống

Trong một căn nhà kín đáo cuối đường Phạm Hồng Thái, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có một bộ sưu tập đồ sộ các hiện vật văn hóa Tây nguyên của bà Ngô Thị Kim Cúc. Ngay trước sân nhà là một gian làm khung sắt lợp tôn để cất giữ một số lượng lớn trống cổ. Bà Cúc cho biết có đến 130 chiếc trống độc mộc bản địa có từ vài chục đến vài trăm năm tuổi được vợ chồng bà bỏ không ít tiền của mua từ các buôn làng Tây nguyên hơn 3 thập niên nay. Những chiếc trống quý xếp lớp lên nhau, nhiều chiếc đường kính gần 1,5 m, được chèn giữ bằng những… cục gạch, trông khá tạm bợ. Bà Cúc chia sẻ: “Vì không có đất làm nhà trưng bày, bảo quản, nên phải để trống tạm dưới khung nhà lợp tôn mấy chục năm rồi. Cất công sưu tầm đã khó nhọc, giờ đây trông coi, chăm sóc để chúng khỏi hư hỏng nhiều lúc cũng khá vất vả”. Theo bà Cúc, vào mùa khô phải thường xuyên tưới nước vào dưới giá đặt trống để hơi ẩm làm mát, tránh cho thân trống khô cong, nứt nẻ; còn mùa mưa thì ngày nào cũng phải xông khói bên dưới để giảm ẩm mốc cho trống. Bà Cúc cho biết nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đến đây đều trầm trồ thán phục khi thấy số lượng lớn trống cổ nhưng cũng ái ngại với cách bảo quản thiếu thốn này. Trước đây, gia đình bà Cúc có khoảnh đất nông nghiệp khá lớn, dự định xin chuyển mục đích sử dụng làm nhà bảo tàng tư nhân thì bị thu hồi làm công trình công cộng, số tiền đền bù không đủ mua lại đất nên hàng ngàn hiện vật sưu tầm vẫn phải chất trong kho. 

Những người sưu tầm hiện vật cổ như Y Th., Y M. ở xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, cũng có một số trống cổ nhưng cách bảo quản không khá hơn. Ở nhà ông Y Th., nhiều chiếc trống cổ có kích thước lớn, khó cất giữ trong nhà nên để ngoài mái hiên, chịu cảnh mưa tạt, nắng dọi quanh năm…

Thiếu quan tâm

Nếu như cồng chiêng được biết đến như loại nhạc khí nhập từ bên ngoài về Tây nguyên thì trống cổ lại được chế tác ngay trên vùng đất bản địa. Những chiếc trống trông thô mộc nhưng lại chứa đựng phong phú về quan niệm, tập tục xa xưa của người Êđê, Mnông... Ông Y Ben ở buôn Păn Lăm, TP.Buôn Ma Thuột, kể ngày trước việc làm trống của đồng bào khá kỳ công, tốn kém, chỉ những gia đình khá giả mới thực hiện được. Đầu tiên, người ta vào rừng, chọn các cây gỗ quý, gốc to vài người ôm, sau lễ cúng thần cây, thần rừng, cây gỗ được hạ xuống, chọn phần to đẹp nhất để đục đẽo làm thân trống nguyên khối. Hai mặt trống được làm bằng da trâu đực và da trâu cái, theo quan niệm người xưa là có đủ âm dương, tiếng trống mới trầm ấm, vang xa, trống càng bền lâu. Thường thì gia đình nào đã có một dàn chiêng thì phải sắm một chiếc trống cho đủ bộ trống chiêng hòa tấu trong các lễ hội, lễ cúng, dịp vui của dòng họ, buôn làng…

Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khi nạn chảy máu cồng chiêng trên địa bàn Tây nguyên diễn ra trầm trọng thì những chiếc trống cổ cũng bị thất sủng, rẻ rúng. Chiêng được bán đi, trống không còn nhiệm vụ hòa tấu nữa nên bị bỏ bê lăn lóc, nhiều chiếc hư hỏng, hoặc được chuyển công năng thành… bồ đựng lúa. Trong bối cảnh đó, khá nhiều trống cổ rời buôn làng, vào tay những người sưu tầm.

Ông Bùi Văn Khối, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, cho rằng mặc dù nắm được số lượng cồng chiêng cả tỉnh còn khoảng 2.300 bộ nhưng lại chưa thống kê được lượng trống cổ trên địa bàn. Ông Khối thừa nhận: “Thời gian qua, cơ quan quản lý văn hóa chưa thực sự quan tâm bảo tồn trống cổ. Đây là một thiếu sót, bởi trống cổ là hiện vật văn hóa quý, khi hư hỏng thì khó phục hồi trong điều kiện hiện nay. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành thống kê, tổ chức đánh giá về giá trị trống cổ và tìm biện pháp bảo tồn”, ông Khối cho hay.

Theo ông Khối, việc những người sưu tầm, giữ gìn trống cổ rất đáng trân trọng, nhưng cách bảo quản cũng có vấn đề vì trống chỉ được cất giữ, không sử dụng thì lâu dài mặt trống sẽ kém đàn hồi, khô cứng và dễ dẫn đến hư hỏng.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.