Truyện ngắn: "Đất đai"

19/12/2009 16:55 GMT+7

Đã hai tháng, ông Trực không ra khỏi nhà. Hai tháng thằng cu Luận không còn cơ hội chọc ghẹo ông già. Ông Trực và cu Luận gặp nhau là choảng. “Tổ cha mày”, ông Trực thường chửi khi gặp thằng Luận. Thằng Luận rất láu cá.

Mời nghe toàn bộ tác phẩm

Mỗi khi biết ông Trực chuẩn bị ra khỏi nhà, nó chạy đón đầu kiếm kế chọc ghẹo. Có hôm nó leo lên cành cây ô ma vắt ngang đường làng, ngồi đợi. Ông Trực chống gậy đi bộ đến nhà ông sui gia có việc. Đến đoạn có cây ô ma, nước từ trên trời tia rót òn òn xuống chiếc mũ phớt. Ngước lên, nước nóng hổi bắn xối vào mặt ông Trực. Ông há miệng định chửi khi phát hiện ra thằng Luận, nước xộc  thẳng vào miệng. Thằng Luận cười hi hí rồi vọt lên ngọn cao. Ông Trực lượm cục đá cuội định chọi, nhưng rồi ghìm cơn giận lại, ông sợ ném rớt thằng Luận là mang họa. Ông Trực bèn chửi. Mỏi miệng, ông nhịp gậy xuống mặt đường:

- Tổ cha ông nội mày. Mẹ mày đốn mạt, không biết dạy mày.

Thằng Luận không có cha. Hai mẹ con nó sống cạnh nhà ông Trực. Sáng nào nó cũng chứng kiến cảnh ông Trực tập thể dục. Khoảng năm giờ là ông dậy. Ông cầm cái xuổng đi dọc hàng rào dâm bụt và xéo đều đều. Nhát một, nhát một theo hướng từ Bắc vào Nam. Khu vườn nhà ông Trực là do ông bà của ông, địa chủ nổi lên thời Pháp thuộc để lại. Vườn rộng nhất làng, hơn hai mẫu tây.   

Phía đông vườn nhà ông giáp đường làng, với ranh giới được trồng hàng dâm bụt. Mỗi sáng ông thọc cái xuổng ấy xuống từng gốc cây, ngoáy ngoáy vài cái rồi nạy cái gốc cho dịch ra phía ngoài. Lâu ngày rễ cây dâm bụt ăn ra ngoài. Mỗi năm, hàng cây nhích ra vài phân. Mẹ thằng cu Luận cứ chép miệng, nói không biết đến lúc chết, cả đời ông Trực lấn được bao nhiêu mét đất.

Nhưng mẹ cu Luận vẫn thấy cái bờ rào đó cong dần, cong dần. Nó như cánh cung đang chịu sức kéo của một tay cung không mạnh mẽ nhưng đầy kiên trì. Nó cong dần theo năm tháng. Đất vườn của mẹ con cu Luận cũng bị lấn theo kiểu ấy. Cây mít vườn lặc đặc vài trái cong queo, do cha cu Luận trồng khi còn sống. Vậy mà 10 năm sau khi cha cu Luận chết, cây mít đã tịnh tiến đến giữa hàng rào. Vài năm nữa cây mít sẽ sang hẳn bên vườn nhà ông Trực. Hàng rào nhà cu Luận không trồng dâm bụt mà là một hàng tre. Tre cứ mục đi, sau mùa lụt lớn ông Trực lại thuê người rào lại, lấn ra. Mẹ cu Luận lại chép miệng, mình rủi ro sống kề nhà ông Trực, nên đừng cãi vã làm gì. Mà có cãi cũng khó thắng, bởi bằng chứng đâu.

Ông Trực vợ mất, ông có ba người con, tất cả là trai. Ông trai cả khùng khùng tên Phước, già mà chưa vợ. Ông giữa tên Lộc, thông minh. Trước giải phóng, ông Lộc học đến đệ nhị, giờ đã có vợ hai con. Ông con út đẻ mót sau giải phóng, tên Điền người ốm nhom, học hết lớp 12, ở nhà cưới vợ. Không biết cái tên Điền ông Trực đặt cho con trai út hàm ý gì, nhưng hàng xóm thì bảo điền là đất, vì ông Trực vô cùng mê đất. Đất ở quê ai chẳng quý. Mà đất ở đâu chả quý. Ở thành phố, miếng đất bằng cái nắp cống giá đã bằng cả sào đất ở quê. Xứng với câu tấc đất tấc vàng. Cho người dân quê vài triệu bạc, họ còn phải suy tính để đồng tiền sinh sôi, còn cho họ đất đai, thì mảnh vườn, đám ruộng đã gắn kết sinh tồn đến thuộc lòng.

Hai tháng nay, không khí nhà ông Trực nặng nề như chờ sẵn đám ma. Mấy ông con trai đã chuẩn bị hậu sự và cứ phải nhìn cha mình vẫn trong tư thế người khum, tay bó gối. Tư thế đó đã không thay đổi từ khi ông Trực cùng ông con trai tên Lộc trở về từ một phiên tòa. Phiên tòa ấy xử vụ tranh chấp đất. Không phải tranh chấp mấy chục thước vuông đất ông Trực đã lấn của hàng xóm và đường làng mấy chục năm nay bằng cách xỉa xuổng, mà là hai lô đất mặt tiền quốc lộ Một nằm trên thị trấn. Hai lô, mỗi lô giá gần tỉ bạc. Hai lô đất này là của ông Hường, anh em thúc bá với ông Trực. Ông này là một thương gia sắc sảo  trước 1975. Thời đó ông Hường có quen biết nhiều người trong chính quyền và quân đội. Năm 1974, tình hình cho thấy sự thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông Hường tìm cách chuyển vợ con sang Mỹ. Riêng bà con gái đầu đang có chồng sống ở Đà Lạt dứt khoát không chịu theo cha mẹ và thằng em. Trước khi đi, ông Hường xuống nhà ông Trực nhờ ông Trực quản giùm đất và nhà mình. Hai bên giao kết bằng cách viết giấy, buộc trước khi xử lý, bán hay cho thì ông Trực phải báo cho ông Hường biết trước. 

Hai lô đất gần hai trăm rưỡi mét vuông, có giá hơn cả hai mẫu đất ở quê ông Trực. Căn nhà trên đất trước thuộc loại lớn, nhưng mấy chục năm không người ở nên đã hư hỏng. Sau trận lụt năm 1986 nó sụp móng, xệ vách. Ba mươi mấy năm, chuyện sẽ tiếp tục như thế nếu như hôm mồng một tết vừa rồi ông Lộc, con trai giữa, không thỏ thẻ cùng cha là phải hợp thức quyền sử dụng hai lô đất này. Ông Trực lừng chừng. Nhưng đêm đó ông đã gọi riêng ông Lộc lên nhà. Hai cha con bàn bạc suốt mười ngày tết. Những giấy tờ liên quan, ông Trực giao cả cho ông con trai. Ông Lộc nghiên cứu rất kỹ. Không thể tẩy xóa để sửa nội dung cái tờ giấy trao quyền do ông Hường viết. Sau hai ngày bóp trán, ông Lộc chịu thua, thầm phục tài ông Hường. Chặt chẽ đến từng câu chữ, đúng là tay thương gia có tiếng đất Quảng một thời. Ông Lộc biết ông Hường đã chết bên Mỹ năm ngoái, nhưng ông Hường đã ghi rất rõ, nếu tôi chết hoặc mất sự sáng suốt thì ông Đàm Minh Trực phải được phép của người thừa kế. 

Ông Lộc chuyển sang phương án giả chữ viết. Ba đêm tập viết bằng bút có giọt kim tinh đầu mũi, những nét chữ giả đã giống. Ông Lộc bắt đầu viết nội dung định sẵn. Loại giấy viết cũng được chọn lựa kỹ, hơi trắng hơn loại giấy pơ-luya thời Mỹ bao cấp. Gần nửa tháng viết - bỏ, viết - bỏ, đến tờ thứ 58 ông Lộc ngừng lại, có vẻ đắc ý. Nhưng xem lại tờ thứ 58 lại không giống bằng tờ thứ 56 nên cuối cùng ông Lộc quyết định lấy tờ số 56. Văn phong trong tờ giấy giả, ông Lộc cũng làm giống với văn phong của ông Hường. Chỉ khác nội dung. Theo tờ giấy giả, ông Trực được toàn quyền sở hữu miếng đất 240 mét vuông ngang đường Một, và tất nhiên sở hữu luôn ngôi nhà. Ông Hường là người tặng tự nguyện, vô điều kiện. Ông Lộc dùng từ sở hữu đất, chứ không dùng từ sử dụng. Vì từ thời ông Diệm cho đến thời ông Thiệu, đất đai đều tư hữu, còn bây giờ là đất đai do nhà nước chủ sở hữu, người dân nào cũng chỉ được quyền sử dụng. Bấy nhiêu từ ngữ ấy đủ để biết ông Lộc tuy làm ruộng nhưng không hề hớ hênh trong lúc soạn giấy tờ giả. Cái khó nhất là làm sao cho tờ giấy này cũ đi, mực cũng phải như qua từng ấy năm tháng, ba mươi mấy năm trời. Ông Lộc bắc nồi nấu nước, đổ cà phê vào pha loãng, sau đó ông bỏ tờ giấy vào ngâm. Lửa vẫn liu riu khoảng gần chục phút, ông vớt tờ giấy ra, đem gác dàn bếp cho vừa đủ khô. Cũng cái thứ cà phê ấy, nhưng pha đậm đặc với mật mía và nghệ vàng ông Lộc đem nhỏ giọt lên giấy vài chỗ trông giống như nước đái gián. Độ cũ của tờ giấy gần như hoàn hảo.         

Ông Trực cứ bó gối ngồi ở gian bếp nhìn ra khoảng trống ở cái cửa sổ song gỗ. Những thanh gỗ sọc xuống, khoảng cách đều nhau. Mấy ông con trai và mấy bà con dâu cứ đến đút cháo lỏng vào miệng ông. Nhưng qua tháng thứ hai thì ông Trực không thèm há miệng. Ông vẫn bó gối ngồi. Ông cứ lơ mơ mãi về phiên tòa. Thất bại của cha con ông rất bất ngờ. Mọi việc đang êm xuôi. Sổ đỏ đang trình chủ tịch huyện ký. Nhưng không rõ sao đột ngột có đơn tranh chấp của bà Phương, con gái của ông Hường từ trên Đà Lạt gửi về. Ông Trực nghi bà Miên nhà bên cạnh đã báo cho bà Phương khi thấy người của Phòng Tài nguyên - Môi trường xuống đo đất làm sổ cho ông Trực. Nhưng cha con ông Trực vẫn tin  là không sao.

Phiên tòa xử tranh chấp dân sự được mở. Giấy tờ hồ sơ đã đủ bộ. Con trai ông Trực cũng đã đút lót mấy tay tòa án huyện. Lót ít thôi, vì ông Lộc biết nếu lót nhiều, mấy tay này sẽ đòi hỏi. Kết thúc phiên tòa, cha con ông Trực thắng. Bà Phương mặt bình thản cười cười với cha con ông Trực. Chắc bà chỉ kiện cho vui chứ nhà giàu sụ, tiền Mỹ gửi về tấp nập thì mảnh đất này thấm gì. Nhưng không ngờ bà Phương tiếp tục có đơn yêu cầu mở phiên phúc thẩm. Lần này là tòa tỉnh xử. Ông Lộc lại phải trổ tài ngoại giao. Và đồng tiền đi trước nên cha con ông Trực lại tươi cười như đã nắm chuôi dao.  

Phiên tòa phúc thẩm mở. Gần đúng giờ, cha con ông Trực bước đến sảnh, một người đàn ông trên năm mươi tuổi tướng tá sang trọng đến bắt tay. Ông Trực ngờ ngợ. Té ra là ông Tâm, con trai trưởng ông Hường từ Mỹ về. Cha con ông Trực thấy bất an. Và những giấy tờ gốc ông Tâm mang về đã lật ngược thế cờ. Trời đổ sầm khi ông Trực nghe chánh tòa tuyên án. Ông Lộc phải bế cha ra taxi chở về. Từ đó, đêm cũng như ngày, ông Trực không hề chịu ngả lưng. Ông cứ tư thế bó gối mà ngủ ngồi. 

Hôm chết, hai tay ông Trực vẫn quàng qua gối. Người cũng cà khum. Chỉ có khác là lúc không còn sức lực, ông ngã người ra, tắt thở. Cái vòng tay bên phải vẫn nằm hờ chỗ cổ tay trái. Mắt ông Trực vẫn mở. Cặp mắt không có điểm nhìn. Nó bao quát, và đầy thất bại. Cặp mắt sâu hóm đó không nhìn vào ông Phước con cả, cũng không nhìn ông Lộc trai thứ, thằng út Điền cũng không nốt. Cặp mắt vô định như lúc sống. Nó vẫn nhìn đâu đó ra hàng dâm bụt có rễ ăn ra đường, có những cái hoa đỏ, nhị mềm thòng đung đưa. Nó nhìn đâu đó qua cây mít đặc nhà thằng Luận. Và nó cũng có thể nhìn xa xăm lên tận phía tây, phía thị trấn. 

Ba ông con trai lần lượt đến vuốt mắt cha, cặp mắt vẫn vô định nhìn đâu đâu. Con dâu, cháu nội, rồi bà con thân thích đến vuốt thử cũng đành lắc đầu bước ra. Cặp mắt vẫn thế. Người vẫn cà khum thế. Ông thầy liệm bắt tay vào việc. Ông phun rượu 60 độ lên xác ông Trực, định kéo hai cánh tay ra khỏi gối, nhưng không được. Thầy liệm bảo người nhà đi mua cồn 90 độ về phun, nắn, đè…, cũng không được. Một ông thầy liệm khác được gọi đến trợ sức cũng bó tay. Giờ Mùi, giờ liệm tốt nhất cho ông Trực đã qua từ lâu. Mọi cố gắng đều thất bại. Hàng xóm đã tính đến việc xả gỗ đóng hòm vuông cho ông Trực. Nhưng, cái hòm đã mua không thể trả lại được. Để lại thì hai cái hòm trong một đám tang, là điều tối kị. Những tiếng thở dài chồng lấn, nối nhau.

Thằng cu Luận đi bẫy cò ngoài đồng về, tạt ngang qua, nghe người lớn xầm xì. Nó bước lại đập vào tay ông thầy liệm:

- Cắt gân! 

Ông thầy liệm giật mình. Ông dang tay định cho thằng nhỏ một bạt tai vì có hành động mất dạy, nhưng ông chợt hiểu ra điều gì đó, như tia sáng. Những người đàn ông đang tụm lại gần đó cũng đã nghe rõ hai tiếng cộc lốc từ miệng thằng cu Luận. Họ hội ý với gia đình. Và quyết định. Chiếc dao lam lạnh ngắt trong tay, ông thầy liệm rạch vào màng da nhăn nheo dưới khớp gối ông Trực. Vài mảnh máu rời rạc, quạnh khô chỗ vết cắt. Lần lượt các gân chi được cắt. Cồn 90 độ phun vào, tay chân ông Trực đã duỗi ra được phần nào, nhưng nó vẫn còn cong. Thầy liệm vội vã đưa ông Trực vào hòm vì thời gian đã lẹm vào đầu giờ Dậu, giờ xấu.

Xác ông Trực được đưa vào hòm. Hai đồng xu được đặt lên mắt của ông Trực. Đó cũng là cách mà thằng cu Luận tư vấn. Nó bảo trong phim thành Troy, khi Hécto và Asin chết, người ta cũng làm thế. Thời đó ở châu u người ta dùng tiền vàng, còn giờ thì lấy đồng tiền kẽm cũng được. Làm theo lời cu Luận, mọi người bớt ái ngại về cặp mắt chết không chịu nhắm của ông Trực.

Nhiều đứa trẻ cùng tuổi với cu Luận đến giành nhau cầm cờ ngũ sắc cho đám tang. Cu Luận thì không. Nó bỏ chạy lên phía trước khi có tiếng trống động quan. Nó leo lên cành ô ma vắt ngang đường. Nhành ô ma mà nó thường hay trèo lên chờ sẵn để chọc ghẹo ông Trực. Nó ngồi nấp trong lùm lá xanh. Đám tang ông Trực đến gần. Chiếc bàn lược đỉnh rồng lướt ngang. Lần này ông Trực và cu Luận chạm mặt nhau mà không có tiếng chửi.

Đám tang thưa người vừa qua khỏi, cu Luận ngã người nằm dọc theo nhánh ô ma. Nó nhìn lên bầu trời xanh qua một vòm trống. Một bầy chim gần chục con bay từ hướng đông vào. Cu Luận không rõ chim gì, nhưng chúng đã in hình lên cả một khoảng trời xanh. Quá đẹp, cu Luận nhép miệng cười với bầu trời.

Phẹt. Một thứ gì đó ướt nhẹp, đăng đắng rơi trúng miệng cu Luận. Cu Luận lại cười, vì nhớ đến thằng bạn bắn chim, bắt cá với nó thường bảo, đứa nào bị chim ỉa trúng miệng là gặp hên.

Nguyễn Anh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.