Thị trường dầu thô thế giới và những dự báo khả quan

29/06/2012 08:34 GMT+7

(TNO) Giá dầu thô Brent nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới sau quý giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 nhờ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran của Liên minh châu u bắt đầu có hiệu lực...

(TNO) Giá dầu thô Brent nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới sau quý giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 nhờ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran của Liên minh châu u (EU) bắt đầu có hiệu lực.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương “ra tay” bảo vệ sự phát triển kinh tế và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm một phần nguồn cung dư thừa trên thị trường, theo kết quả khảo sát mới nhất của Bloomberg.

Theo đó, giá dầu thô Brent được dự đoán sẽ tăng lên mức trung bình 114,5 USD/thùng trong quý 3/2012. Các ngân hàng BNP Paribas, Deutsche Bank và Barclays lần lượt đưa ra dự đoán ở các mức 110 USD/thùng, 115 USD/thùng và 121 USD/thùng.

Giá dầu Brent hồi tuần trước đã giảm xuống mức 88,49 USD/thùng. Nhưng đến phiên 28.6, giá dầu loại này đã tăng trở lại mức 93,8 USD/thùng.

Tính từ đầu quý 2/2012 tới nay, giá dầu Brent giao kỳ hạn tại London (Anh) đã giảm mạnh tới 24%. Trước đó, giá dầu Brent đã từng giảm tới 54% trong ba tháng cuối năm 2008.

Thị trường dầu thô nhận những dự báo khả quan
Giá dầu thô được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 3/2012 - Ảnh: Reuters

Hôm 14.6, đại diện các quốc gia trong tổ chức OPEC đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng vào tháng sau do kinh tế toàn cầu hiện đang có khá nhiều những nguy cơ sụt giảm và có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ, trong khi đó dự trữ dầu tại các quốc gia, đặc biệt là Mỹ lại liên tục tăng.

Theo Tổng thư ký bdalla El-Badri, OPEC sẽ giảm sản lượng xuống mức 30 triệu thùng/ngày, so với mức 31,6 triệu thùng như hiện nay.

Phía Ngân hàng Morgan Stanley lại dự đoán, cho tới khi quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC được thi hành thì giá dầu Brent nói riêng cũng như giá dầu thô thế giới nói chung sẽ tiếp tục giảm sâu.

Theo dự đoán của Giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa Hussein Allidina thuộc Ngân hàng Morgan Stanley, tổ chức OPEC sẽ bắt đầu chiến dịch cắt giảm sản lượng một khi giá dầu Brent cán mức 90 USD/thùng.

Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lệnh cấm của EU nếu được thi hành nghiêm chỉnh kể từ 1.7 tới đây thì việc xuất khẩu dầu thô từ Iran trong nửa cuối năm nay sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, trong tháng 5.2012, Iran đã xuất khẩu dầu thô ở mức trung bình 1,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 tại khu vực đồng tiền chung châu u (eurozone), vừa qua cũng đã nhận 100 tỉ euro (tương đương 125 triệu USD) từ quỹ giải cứu châu u để vực dậy hệ thống ngân hàng trong nước.

Tại nhiều quốc gia khác, điển hình là Mỹ, Trung Quốc - hai khách hàng lớn nhất trên thị trường dầu thô - chính phủ tại đây cũng đang xúc tiến thực hiện các chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hôm 20.6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ kéo dài chương trình hoán đổi trái phiếu Operation Twist để giúp các ngân hàng đảm bảo cân bằng tài chính, đồng thời cho biết sẵn sàng thực hiện những hành động mạnh tay hơn để giải quyết nạn thất nghiệp tại nước này.

Trước đó, hôm 7.6, Trung Quốc đã lần đầu tiên cắt giảm lãi suất kể từ năm 2008, đồng thời nới lỏng sự kiểm soát đối với lãi suất cho vay và tiền gửi của các ngân hàng.

Các chuyên gia kỳ vọng các chương trình kích thích kinh tế này sẽ giúp gia tăng đáng kể nhu cầu tiêu thụ dầu thô và sản phẩm dầu mỏ trên thị trường toàn cầu.

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu dự đoán sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày, tương đương mức tăng 2,3%, lên mức trung bình 90,5 triệu thùng/ngày trong quý 3/2012, theo IEA.

Hôm 11.6, Ngân hàng Goldman Sachs đã đưa ra dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên khoảng 120 USD/thùng, giá dầu WTI sẽ tăng lên 115 USD/thùng trong ba tháng tiếp theo của năm.

Thu Hạnh

>> Giá dầu thô tăng trở lại
>> Giá dầu thô tiến sát mốc 80 USD/thùng
>> Giá dầu thô chỉ còn 78,2 USD/thùng
>> Giá dầu thô tiếp tục lao dốc
>> G7 họp khẩn vì khủng hoảng nợ công châu u
>> Những lãnh đạo "về vườn" vì khủng hoảng nợ công
>> Đến 2020, nợ công không quá 65% GDP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.