Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả - Bài 2: Người mua bị lừa!

18/11/2009 22:59 GMT+7

Tại các chợ và xe đẩy tay, hàng rong trên khắp thành phố, nhiều mặt hàng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ), nhưng không được người bán công khai rõ ràng, thậm chí còn gắn cho những cái tên mỹ miều như: quýt “Thái”, nho sữa, nho “Mỹ”... Nghe đọc bài

 

Ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, các tiểu thương không hề giấu xuất xứ hàng hóa. Một chủ vựa giải thích rất cặn kẽ với chúng tôi mặt hàng trái cây nào là hàng TQ, hàng nào là hàng nội hay hàng ngoại nhập, kèm theo đó là nhãn mác, bao bì vẫn còn nguyên bày bán công khai.

Che giấu “quê quán”

Tuy nhiên, cũng những trái cây rau quả ấy, khi đến tay người tiêu dùng thì đã được... thay tên, đổi họ hoàn toàn. Và dĩ nhiên giá cả cũng được “nâng cấp” lên cho tương đương với xuất xứ mới.

Họ phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chủng loại, nguồn gốc của hàng hóa, ban quản lý chợ chỉ quản lý về giá cả, cân đong đo đếm…

Ông Nguyễn Văn Ba, trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng (Q.10)

Dọc trên các tuyến đường Cống Quỳnh, Điện Biên Phủ, Cộng Hòa, Lê Văn Sỹ, Chánh Hưng... một số loại trái cây TQ đã bị hô “biến” thành hàng của Thái Lan, Mỹ. Chẳng hạn như nho xanh không hạt của TQ từ giá 7 ngàn đồng/kg (84 ngàn đồng/12 kg tại chợ đầu mối) được đẩy lên 18 - 20 ngàn đồng/kg sau khi gắn mác nho “Thái” hay nho “mọi” Thái Lan; nho đỏ của TQ giá 100 ngàn đồng/4,5 kg được nâng cấp thành nho “Mỹ” với giá 35 - 40 ngàn đồng/kg...

Mặt hàng được ưa chuộng nhiều nhất hiện nay là hồng giòn và quýt TQ. Do mãi lực tiêu thụ mạnh nên hầu hết xe đẩy, gánh hàng rong nào cũng có và bán đầy ở các chợ. Tiếp xúc với một vị khách đang mua hồng giòn trên đường Cống Quỳnh (đối diện chợ Thái Bình, Q.1) chúng tôi hỏi bâng quơ: “Không biết có phải trái cây của TQ không?”. Đang lựa hàng, chị này đâm ra rụt rè có ý định không mua. Cô bán hàng liền nói ngay: “Hồng Đà Lạt chứ làm gì có hàng TQ”. Chúng tôi tiến đến một xe đẩy bán quýt trái vàng to hơn đồng xu một chút hỏi: “Quýt gì đây?”, thì người bán hàng đáp gọn lỏn: “Quýt Thái”. Hàng lấy ở đâu? Ngước nhìn chúng tôi, người bán hàng trả lời: “Ở vựa, vựa lấy từ chợ đầu mối Thủ Đức”.

Mới đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh một tiểu thương bán trái cây tại chợ Vườn Chuối (Q.3) đang mở niêm phong những thùng hàng bên trên dán nhãn “Made in China”, lôi từng quả hồng to, láng mịn và loại quýt nhỏ ra để bày bán. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi xuất xứ, thì chị K., bán trái cây cao giọng giải thích rằng, loại quýt này 100% VN! “VN nhập giống về trồng đầy ở các tỉnh phía Bắc, nhất là ở Lạng Sơn(!)”, chị K. trợn mắt nói.

Còn tại chợ Tân Bình, cũng những mặt hàng này, một chị bán hàng lại cung cấp nguồn gốc của chúng ở tận... miền Tây(!). Trong khi đó, một lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức khẳng định: Toàn bộ quýt nhỏ màu cam bày bán trên thị trường mà nhiều người bán gọi là quýt “Thái”, được thương lái đưa về chợ này đều xuất xứ từ TQ, nội địa không có mặt hàng này.

Tương tự, ngoài những mặt hàng quá quen thuộc như táo, lê ai cũng biết là xuất xứ TQ, hiện thị trường có thêm nhiều loại trái cây TQ mới là táo trái nhỏ mà người bán giới thiệu là táo Hà Nội, cam vàng được đổi tên là cam Vinh, mận đỏ hoặc mận đen được gắn mác mận Hà Nội... “Tuốt tuồn tuột đều của TQ mà ra!”, một tiểu thương bán trái cây ở chợ Sơn Kỳ (Q.Tân Bình) tiết lộ sau vài lần chúng tôi mua hàng và trở thành “mối” quen.

Ngay cả những gian hàng kinh doanh trái cây “hoành tráng” bên hông chợ Bến Thành, vốn được xem là khu bán trái cây cao cấp cũng bày hàng TQ xen lẫn các mặt hàng trong nước hoặc có xuất xứ từ các nước khác. Song, tất cả đều không được giới thiệu rõ ràng mà cứ nói “đều là hàng nhập từ Mỹ, Thái, New Zealand...”. Và giá cả dĩ nhiên cũng “hoành tráng”: nếu như quýt “Thái” mạo danh trên thị trường bán lẻ chừng 20 ngàn đồng/kg, thì khi vào các sạp này đã được nâng giá lên 40 ngàn đồng.

Chỉ vào những trái hồng giòn ửng vàng vừa được lấy ra từ một thùng carton ghi toàn chữ TQ, chúng tôi hỏi một anh bán hàng ở khu vực chợ Bến Thành: “Hồng ở đâu vậy anh?”. Như quán tính trả lời cho khách hàng trước đó, anh ta đáp gọn: “Sapa”. “Sao trên vỏ bao bì lại có chữ TQ?”. Nghe hỏi vậy anh ta đâm ra lúng túng: “Ở đây không bán hàng TQ!”, rồi quay vào trong, tỏ ý không muốn tiếp chúng tôi.

“Khoán trắng” cho người bán

Hồng giòn xuất xứ TQ nguyên bao bì ở chợ đầu mối - ảnh: Lê Nga

Trao đổi với PV Thanh Niên, ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố đều nhìn nhận nhiều tiểu thương buôn bán ngành hàng rau, củ, quả vẫn còn nhập nhằng trong việc niêm yết nhãn hàng, chất lượng, trong khi ban quản lý còn thiếu kiểm tra, giám sát vấn đề này.

Bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) cho biết, theo quy định, các tiểu thương phải ghi rõ nhãn hiệu cũng như giá cả của từng mặt hàng. “Tuy nhiên, do giá cả không ổn định, thay đổi hằng ngày nên một số tiểu thương đã bỏ qua việc niêm yết. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên nhắc nhở, hoặc tại các buổi họp, phát loa, yêu cầu bà con thực hiện việc công bố rõ nguồn gốc hàng hóa, như vậy mới sòng phẳng với người tiêu dùng”, bà Liên nói.

Vậy trách nhiệm của ban quản lý chợ ở đâu khi có khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng (Q.10), nói rằng thông thường đó là trách nhiệm của... người bán. “Họ phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chủng loại, nguồn gốc của hàng hóa, ban quản lý chợ chỉ quản lý về giá cả, cân đong đo đếm...”.

Hầu hết các ban quản lý chợ mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng “chỉ xác định được nguồn gốc mặt hàng rau, củ, trái cây... về từ các chợ đầu mối nông sản, chủ yếu là chợ Thủ Đức, còn chất lượng, xuất xứ thật thì... bó tay!

“Bằng kinh nghiệm đi chợ hằng ngày, người tiêu dùng sẽ tự xác định đâu là hàng chất lượng, xuất xứ rõ ràng trước khi mua. Người tiêu dùng giờ họ thông minh lắm”, bà Liên nói. Thế nhưng, cũng chính một số ban quản lý chợ thừa nhận việc phân biệt rau củ quả cùng loại giữa hàng TQ và hàng VN đối với người tiêu dùng, là điều khó khăn; đặc biệt là mặt hàng củ cà rốt, khoai tây... Và như thế, phần thiệt luôn thuộc về các “thượng đế”!

Một vòng qua các chợ Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối, Bàn Cờ... chúng tôi không khó nhận ra các mặt hàng cà rốt, khoai tây, củ hành trắng, tỏi... có nguồn gốc TQ nhưng được gắn mác VN!

“Người mua biết hàng TQ thì ai mua!”, chị H. bán rau củ quả tại chợ Bàn Cờ thú thật với chúng tôi. Chính vì tâm lý này và cũng vì lợi nhuận, nên sau khi mua hàng TQ với giá rẻ từ 10-20% so với mặt hàng cùng loại của VN, một số người bán trộn lẫn cả hai loại với nhau. Từ đó, các mặt hàng TQ nghiễm nhiên được đánh đồng như tỏi Phan Rang, Hà Nội; củ hành trắng, khoai tây Đà Lạt; cà rốt Hà Nội... Cứ thế, người tiêu dùng bị lừa ngày này qua ngày khác mà không hề hay biết.

Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.