Trừ sâu đục trái bằng… long não

04/03/2013 09:34 GMT+7

Thời gian qua, đã có hàng ngàn ha bưởi tại một số tỉnh ĐBSCL bị sâu đục trái tấn công, nhiều vườn bị thiệt hại gần 90% khiến người trồng lao đao. Trong khi đó, vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Sường (ở ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, H.Chợ Lách, Bến Tre) không có trái nào bị sâu đục nhờ... treo long não.

Khổ vì sâu đục trái

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 2.300 ha bưởi bị nhiễm sâu đục trái, tỷ lệ nhiễm từ 40 - 50%. Sâu đục trái bưởi xuất hiện khắp các huyện: Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít, Vũng Liêm… Vùng bưởi ở 2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành của H.Trà Ôn là nơi đầu tiên phát hiện sâu đục trái bưởi.

Tại TX.Bình Minh (Vĩnh Long) có 1.931 ha bưởi năm roi nhưng  có đến 1.895 ha bị thiệt hại do sâu đục trái tấn công. Ông Nguyễn Văn Bé (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa) than: “Lúc đầu trái bưởi xuất hiện mấy đốm nhỏ li ti ngoài vỏ, vài ngày sau trái chảy mủ, khoảng 2 tuần thì rụng. Trồng bưởi cả năm trời, trông chờ vào dịp tết để bán, ai ngờ trắng tay”. Cùng cảnh ngộ, anh Dương Hoàng Thuấn (37 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa) có vườn bưởi 2 ha, buồn rầu: “Mùa này bưởi nhà tôi chắc giảm hơn 30% năng suất so với năm rồi. Từ lúc phát hiện sâu đục trái, tôi đã tưới thuốc nhiều lắm, rồi mua bọc về chịu khó bọc trái nhưng đều không có kết quả”.

PGS-TS Nguyễn Văn Huỳnh, giảng viên môn côn trùng học Trường ĐH Cần Thơ khuyến cáo nông dân nên gom hết trái bưởi bị sâu tấn công dùng lửa đốt, không để trái bị sâu bệnh dưới mương vườn vì làm vậy sâu bệnh sẽ tăng lên gấp nhiều lần do ấu trùng loài sâu này gặp nước sinh sôi nảy nở rất nhanh. Còn Viện cây ăn quả miền Nam khuyên sử dụng bao chuyên dùng của Viện để bao trái bưởi nhằm chống sâu lạ tấn công. Tất cả những khuyến cáo trên vẫn không khống chế được loại sâu đục trái này.

Trừ sâu đục trái bằng… long não
Ông Nguyễn Văn Sường bên vườn bưởi sáng đẹp nhờ treo long não - Ảnh: Thanh Đức

Bí quyết dùng long não

Ông Bùi Văn Bụng, Bí thư ấp Hòa Thành dẫn chúng tôi đến vườn bưởi nhà ông Sường. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những bọc trắng treo tòn ten trên cây bưởi. Ông Bụng nói: “Đây là khu vườn lạ nhất xóm này, tùy tuổi đời của cây mà ông Sường treo nhiều hay ít, mỗi cây 2 - 4 bịch”. Vườn bưởi trĩu quả, trái to tròn, sáng ánh oằn cây, tìm mãi không thấy trái nào bị sâu đục. Ông Sường phấn khởi: “Vườn nhà tôi có trên 100 cây bưởi. Nhờ treo long não khắp vườn mà suốt 3 năm qua đều trúng mùa, trái đẹp, bán được giá cao. Tết rồi tôi thu hoạch gần 4 tấn bưởi, giá bán trên 20.000 đồng/kg”.

Theo ông Sường, sâu đục trái sinh ra từ một loài bướm. Bướm đẻ trứng trên vỏ trái bưởi vào ban đêm, thời gian ủ trứng  5 - 7 ngày. Sâu mới nở đục ngay vào vỏ trái, ăn vỏ trái, sau đó lớn dần và đục sâu vào bên trong để ăn thịt trái. Đường đục của sâu vừa mở đường cho nấm bệnh, vừa hấp dẫn ruồi đục trái đến gây hại khiến trái bị thối và rụng. Hiểu được vấn đề này nên khi phát hiện vườn bưởi của mình bị sâu đục trái gây hại, ông Sường đã mua long não về treo. Tuy nhiên hiệu quả không như ý, nhiều trái bưởi vẫn bị sâu đục. Sau một thời gian nghiên cứu, ông Sường quyết định treo long não khắp vườn. Lạ thay, vài tháng sau bưởi trên cây không còn bị sâu đục.

Ông Sường nhẩm tính, nếu dùng bao chuyên dùng bọc trái bưởi phải tốn 1.500 đồng/bao, một vườn bưởi phải dùng bao số lượng lớn mới đủ, nhưng vẫn bị sâu đục trái tấn công. Trong khi đó, vườn bưởi 3.000 m2 của ông treo khoảng 2 kg long não, 1 kg giá 70.000 đồng, mỗi năm treo 2 đợt chỉ tốn khoảng 300.000 đồng. Ông Sường không ngại phổ biển “bí quyết” dùng long não để đạt hiệu quả cao: “Trước khi treo long não, phải bẻ bỏ tất cả trái bị sâu đục trên cây đem đi tiêu hủy, sau đó phun thuốc bảo vệ thực vật khắp vườn rồi bắt đầu treo long não toàn bộ”.

Thiết nghĩ, ngành chuyên môn cần sớm thẩm tra cách phòng trừ sâu đục trái trên bưởi bằng long não của ông Sường. Nếu hữu hiệu thì khuyến cáo cho nhà vườn áp dụng để giảm thiệt hại kinh tế do đối tượng dịch hại này gây ra.

Thanh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.