Làm báo theo kiểu cảm xúc

19/01/2013 03:25 GMT+7

Có một kiểu làm báo hiện đại trong một thế giới của sự hợp tác không giới hạn được kích hoạt bằng công nghệ mới và kết nối bởi các phương tiện truyền thông xã hội.

Phải làm gì đó khác biệt hơn là đưa tin

Ngày nay khi nhắc đến truyền thông Philippines, người ta thường nghĩ ngay đến kênh truyền hình ABS - CBN, nhật báo The Inquirer, The Philippine Star và… báo điện tử Rappler.

Thường đa số báo chí chỉ đưa thông tin đơn thuần với những tin tức, sự kiện nhưng Rappler thì khác - họ cố gắng tìm ra vai trò của cảm xúc trong các tin tức. Họ trân trọng cảm xúc, tâm trạng, thị hiếu của độc giả. Ra mắt vào cuối năm 2011, Rappler tích cực sử dụng các công cụ mạng xã hội như Twitter, Facebook, Tumblr… để tương tác với độc giả.

 
Ghi hình một chương trình phát sóng tại Rappler

 
Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên quốc tế tại Rappler - Ảnh: Hoàng Vũ 

Đầu tàu của Rappler chính là nhà báo kỳ cựu Maria A.Ressa, Tổng giám đốc điều hành kiêm Tổng biên tập. Maria A.Ressa có hơn 25 năm kinh nghiệm làm báo ở châu Á, vốn là cựu Trưởng văn phòng tại Manila của CNN và là Trưởng nhóm phóng sự điều tra về chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á. Maria từng là Trưởng ban Bộ phận tin tức và thời sự của kênh truyền hình ABS-CBN. Bà đã suy nghĩ rất nhiều về sự chồng chéo giữa cảm xúc và tương tác xã hội trong một khoảng thời gian dài.

Chính vì thế, Maria cùng với nhóm bạn đã hướng đến một cách thức làm báo mới mẻ hơn, tương tác hơn đối với độc giả. Bà cho rằng báo chí cần phải thay đổi cả về tư duy làm báo lẫn tiến trình thực hiện. Nhà báo cần phải làm một cái gì đó khác biệt hơn là chỉ đưa tin, kể lại một câu chuyện. Maria nảy ra ý tưởng crowd-sourcing (đây là thuật ngữ của ngành tiếp thị/kinh doanh - một cách thức đặt niềm tin vào quần chúng, những người có khả năng tìm ra những giải pháp cho các vấn đề một cách sáng tạo nhất). Và thế là Mood Meter cùng với Mood Navigator ra đời…

Bộ công cụ đo lường cảm xúc

Khi vào giao diện trang báo điện tử Rappler, bạn sẽ nhìn thấy hai bộ công cụ độc đáo nhằm đo lường cảm xúc, nắm bắt tâm trạng của độc giả đó chính là Mood Meter (bộ đo tâm trạng) và Mood Navigator (bộ định hướng tâm trạng). Mỗi ngày, khi các độc giả đọc các bài viết, xem các sự kiện trên Rappler, họ có thể chọn nhấn vào nút tâm trạng nào mà họ cảm thấy như: hạnh phúc, đau buồn, giận dữ, không quan tâm, phấn khởi, sợ hãi, vui vẻ, làm phiền…

Rappler đã xây dựng các thể loại tùy chọn của bộ đo tâm trạng theo sự tư vấn và hỗ trợ của một nhóm các nhà tâm lý học và xã hội học. Họ tiến hành crowdsourcing tâm trạng, cảm xúc của độc giả mỗi ngày để đo lường những phản ứng, những tác động của sự kiện và cảm xúc đối với độc giả. Bộ đo tâm trạng được nhập vào bộ định hướng lớn hơn, cái sẽ quyết định tâm trạng chung của ngày, trình bày từng câu chuyện, hình ảnh về các sự cố tâm trạng. Với bộ định hướng tâm trạng, chúng ta có thể lần từ tâm trạng cảm xúc của độc giả đến những bài viết để biết vì sao có người buồn, có người vui, có người cảm thấy phấn khởi, có người lại cảm thấy giận dữ… Tâm trạng chung của độc giả ra sao? Họ đang quan tâm đến vấn đề, sự kiện nào?... Và bạn có thể viết bình luận vào đó…

Tháng 9.2012, bộ đo tâm trạng (Mood Meter) của Rappler nhận giải đồng cho kinh nghiệm thương hiệu tại Giải thưởng Boomerang 2012 tại Manila. Đây là một giải thưởng do Hiệp hội Internet & Mobile marketing của Philippines tổ chức nhằm vinh danh những chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) tốt nhất.

Trong tương lai, bộ định hướng tâm trạng của Rappler sẽ cho phép mọi người có thể nhấp chuột vào một cảm xúc với một danh sách các nội dung tâm trạng tùy chỉnh. Bằng cách đó, bạn có thể tạo ra một danh sách đọc chỉ bao gồm những câu chuyện làm cho hầu hết mọi người hạnh phúc, hay tức giận, hoặc thích thú, hoặc bất kỳ cảm xúc khác mà bạn chọn.

Tham gia thực tập tại Rappler

Rappler là một từ được ghép thành bởi Rap (có nghĩa là thảo luận) và Ripple (có nghĩa là tạo ra sóng, để lan truyền đi). Công thức ở đây là 50% Rap + 50% Ripple = Rappler. Điểm đặc biệt của Rappler chính là cách làm báo dựa trên việc đánh giá và tập trung vào cảm xúc của độc giả.

Các sinh viên ngành báo chí nếu muốn vừa thực tập nghề vừa tìm hiểu cuộc sống và văn hóa Philippines có thể gửi đơn xin thực tập 6 tuần ở Rappler về địa chỉ mail của Giám đốc phụ trách Chay Hofileña chayhof@gmail.com.

Tìm hiểu thêm ở http://www.rappler.com/move-ph/263-rappler-opens-internship-program-to-college-students.

Hoàng Vũ

>> Hàng ngàn người xem triển lãm Báo Thanh Niên với Trường Sa
>> Làm báo với... Instagram
>> Chung kết Giọng hát hay người làm báo
>> Bán kết Giọng hát hay người làm báo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.