Những giáo viên truyền lửa

19/11/2010 00:42 GMT+7

Đa số sinh viên (SV) cho rằng môn học Kinh tế chính trị thật khô cứng, khó tiếp thu, dễ gây buồn ngủ, thế nhưng hàng trăm SV ngành Giáo dục chính trị trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại hết sức thích thú khi học môn này.

Tại buổi học sáng 17.11, một không khí sôi động diễn ra từ đầu tới cuối. Tan giờ học, SV Kim Sang vẫn còn hào hứng: “Em học cô Bùi Thị Xuyến từ năm thứ 2 tới giờ. Cô dạy rất cuốn hút, dễ hiểu, liên hệ nhiều thực tế và làm cho lớp luôn vui vẻ, tràn ngập tiếng cười vì sự dí dỏm hài hước của cô”.

Buổi học môn Phân tích và thiết kế phần mềm vào chiều ngày 17.11 tại giảng đường 1 trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có khoảng gần 300 SV chăm chú lắng nghe giảng viên là tiến sĩ trẻ Nguyễn Minh Triết. Mỗi lần giảng xong một ý, anh lại tới gần một nhóm SV và cùng trao đổi. Dương Sơn Vĩnh, SV năm 4 ngành Hệ thống thông tin, cho biết: “Thầy có cách giảng rất dễ hiểu dù đây là một môn khó. Nếu học môn tự chọn thì hầu như tụi em chọn môn này đầu tiên và chọn thầy Triết”.

SV khoa Khoa học ứng dụng trường ĐH Bách khoa TP.HCM thích thú môn Toán cao cấp của thầy Đặng Văn Vinh. “Thầy có phương pháp dạy tuyệt vời, và quan trọng là lúc nào đứng trên bục giảng thầy cũng tràn đầy nhiệt huyết. Bài giảng của thầy khiến tụi em luôn hào hứng”, Phong - SV khoa Khoa học ứng dụng cho hay.

Không chỉ chăm lo cho trẻ mà cô Trần Phương Nga, giáo viên trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) còn say mê tìm hiểu để sáng tạo những đồ dùng dạy học mang hiệu quả cao trong từng tiết dạy.

 “Nào, ai tìm được đường về nhà nhanh nhất bây giờ nhỉ”, tiếng cô Phương Nga vừa ngừng lập tức nhiều cánh tay của học sinh lớp Lá đồng loạt giơ lên. Và tiếng cười đùa, reo hò cứ vang lên sau mỗi khám phá đường đi của mỗi bé trên mô hình lắp ghép. Nhờ những sáng kiến kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mầm non mà cô giáo Trần Phương Nga đã nhận được giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục TP.HCM năm nay. Gắn bó với trẻ mầm non được 15 năm, cô Phương Nga tiết lộ: “Hằng tuần, sau giờ dạy mình vẫn dành 3 buổi tối đi tập yoga vừa để giữ gìn sức khỏe nhưng chủ yếu là rèn luyện tính nhẫn nại, giúp mình đằm tính hơn, vì trong lớp có 50 bé với 50 cá tính khác nhau, nếu không biết kiềm chế và nhìn nhận vấn đề khách quan thì khó lòng bình tĩnh để giải quyết công việc”.

Cô Bùi Thị Xuyến chia sẻ: “Tôi vẫn phải thường xuyên đọc nhiều tài liệu để cập nhật thông tin. Chẳng hạn để có được giáo án cho sáng hôm nay, đêm qua tôi phải lên mạng tìm kiếm thêm những thông tin mới nhất có tác dụng bổ trợ cho bài giảng”.

Nói về cách truyền đạt kiến thức cho SV, tiến sĩ Nguyễn Minh Triết tâm niệm: “Tôi luôn suy nghĩ làm sao cho bài giảng của mình đạt được 3 điều: nội dung linh hoạt, không khí thoải mái để SV hiểu bài nhanh, khuyến khích SV thể hiện những ý nghĩ, ý kiến, đề xuất táo bạo bất cứ lúc nào”.

Mỹ Quyên - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.