Điện ảnh châu Á trỗi dậy

27/10/2012 09:26 GMT+7

Trong 15 phim tranh giải chính thức của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Tokyo - TIFF năm nay, có sáu phim châu Á đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Đánh dấu năm thứ sáu có mặt tại TIFF, chuyên mục Làn gió châu Á với khẩu hiệu “Rộng hơn bao giờ, mạnh hơn bao giờ” giới thiệu 17 phim châu Á/Trung Đông, bên cạnh điểm nhấn về điện ảnh đương đại của Indonesia với sáu bộ phim của ba đạo diễn thế hệ mới, và sự khám phá về điện ảnh Campuchia với bộ phim tài liệu Golden slumbers (Giấc mộng vàng) và hai bộ phim kinh điển khác của Campuchia được sản xuất trong những năm 1960-1970.

 Điện ảnh châu Á trỗi dậy
Cảnh trong phim I carried you home (Con đưa mẹ về) của Thái Lan - Ảnh: Image.net

Tiếng nói nhân bản từ châu Á

“Năm nay chúng tôi muốn nhấn mạnh tính nhân bản cũng như những tác động mạnh về mối quan hệ gia đình trong các phim châu Á - ông Kenji Ishizaka, giám đốc chương trình Làn gió châu Á, trả lời trong cuộc trò chuyện riêng với Tuổi Trẻ - Chẳng hạn như bộ phim Full circle (Vòng xoay) của Trung Quốc xoay quanh cuộc sống của những người già trong viện dưỡng lão, hay câu chuyện của hai chị em sống cách ly nhau tìm lại sự gần gũi khi họ cùng phải đưa linh cữu người mẹ của mình về quê nhà trong phim I carried you home (Con đưa mẹ về) của Thái Lan”.

Các tác phẩm khác đến từ châu Á gây ấn tượng mạnh với lối kể chuyện giản dị nhưng quyết liệt khi chạm đến những vấn đề của xã hội như câu chuyện về cậu bé “tội phạm vị thành niên” gặp mẹ của mình lần đầu tiên trong đời vào năm 14 tuổi, vì người mẹ đã bỏ chạy năm 17 tuổi do sợ hãi trách nhiệm với đứa trẻ trong Juvenile offender (Tội phạm vị thành niên - Hàn Quốc), hay câu chuyện về những giá trị giàu nghèo ở Kazakhstan bị đảo lộn khi đất nước này đi theo con đường tư bản trong tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt mang tên Student (Sinh viên - Kazakhstan).

 
"Rất tiếc tôi phải nói năm nay, cũng như năm ngoái, chúng tôi không trình chiếu bộ phim VN nào cả. Chỉ cách đây hai năm, chúng tôi có chiếu một phim hành động của VN (Huyền thoại bất tử - PV)"
Ông Ishizaka (giám đốc chương trình Làn gió châu Á)

“Số lượng và chất lượng các phim châu Á ngày một tăng, đặc biệt là các bộ phim đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ các quốc gia này nỗ lực quảng bá điện ảnh của họ ra thị trường quốc tế, mà điển hình nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó năm năm trở lại đây, điện ảnh Ðông Nam Á đang tạo nên một làn sóng mới đến từ Malaysia, Thái Lan, Philippines và năm nay là Indonesia. Lý do có nhiều phim hay đến từ các nước này là bởi sự bùng phát của công nghệ kỹ thuật số - ông Ishizaka chia sẻ - Giới trẻ có thể làm phim với kinh phí rất thấp, và họ đều muốn cất lên tiếng nói của mình”.

Nhân trường hợp của điện ảnh Indonesia

Trong vài năm trở lại đây, điện ảnh Indonesia bắt đầu ghi dấu ấn trên bản đồ điện ảnh thế giới, không chỉ với các giải thưởng điện ảnh quốc tế mà cả về mặt thương mại, nhất là khi bộ phim The raid: redemption của nước này thắng đậm doanh thu phòng vé trong nước và được phát hành ở nhiều thị trường quốc tế, trong đó có cả ở Mỹ. Bộ phim đầu tay Blind pig who wants to fly (Con heo mù muốn bay) của đạo diễn trẻ Edwin (1978) - cái tên ngắn gọn đang được giới điện ảnh thế giới quan tâm - đã liên tục đoạt giải tại LHP Kim Mã (Ðài Loan), LHP Singapore, LHP Nantes ba châu lục (Pháp), LHP Rotterdam (Hà Lan). Bộ phim Postcard from the zoo (Bưu thiếp từ sở thú) của anh - kể về nỗi cô đơn của cô bé bị lạc và lớn lên trong sở thú khi không còn được sống trong môi trường sống tự nhiên của mình - cũng được chọn tranh giải tại LHP Berlin (Ðức), Pusan (Hàn Quốc) và Tribeca (Mỹ).

“Trong những năm gần đây, mỗi năm Indonesia sản xuất hơn 100 phim. Dưới thời tổng thống Suharto, điện ảnh Indonesia trong thời kỳ đen tối, chỉ từ 1-2 phim làm mỗi năm, và hệ thống kiểm duyệt vô cùng khắt khe. Thế nhưng sau khi Suharto sụp đổ, nền điện ảnh của Indonesia mới bắt đầu phục hồi. Nhiều nhà làm phim trẻ bắt đầu tham gia làm phim và hệ thống kiểm duyệt đã bớt khắt khe hơn” - ông Ishizaka cho biết.

Tại TIFF năm nay, điện ảnh Indonesia không chỉ được vinh danh với chương trình Indonesia Express, mà một đại diện của Indonesia có mặt trong danh mục phim tranh giải chính thức với bộ phim Atambua 39° Celcius (Atambua 39°C). Ðược làm với phong cách giả tài liệu, Atambua 39° Celcius xoay quanh câu chuyện về một thanh niên mới lớn với người cha nghiện rượu và cô bạn gái đầy bí ẩn sống tị nạn ở thị trấn Atambua, nằm ngay biên giới giữa Indonesia và Ðông Timor. Ðạo diễn Riri Riza không hề ngại ngùng khi chạm đến câu chuyện đầy tính nhạy cảm chính trị này, mặc dù anh vốn được biết đến như một đạo diễn chuyên làm các phim thương mại thành công rực rỡ ở phòng vé của Indonesia.

“Dưới thời của Suharto, chính quyền quân đội của ông kiểm soát truyền thông và điện ảnh, vì thế hầu như không có cơ hội nào cho giới trẻ làm phim - Riri Riza chia sẻ - Tuy nhiên, chúng tôi đang bắt đầu một thời đại mới với nhiều phim thành công hơn trong mười năm qua. Tôi muốn đổi mới mình hơn”.

 Điện ảnh châu Á trỗi dậy 1
Ba đạo diễn Indonesia có mặt tại TIFF, từ trái qua: Garin Nugroho, Edwin và Riri Riza - Ảnh: Image.net

LHP quốc tế Tokyo sẽ bế mạc vào ngày 28-10 với bộ phim Trouble with the Curve (Mỹ), có sự tham gia diễn xuất của Clint Eastwood, Amy Adams và Justin Timberlake. Trong thời gian diễn ra LHP, chợ phim TIFFCOM cũng diễn ra ở khách sạn Grand Pacific Le Daiba (cách khu Roppongi - nơi diễn ra LHP Tokyo - khoảng 15 phút đi xe) với 225 gian hàng của các hãng phim, truyền hình, hoạt hình, video game và một số thể loại truyền thông khác, trong đó 80% là gian hàng nước ngoài. Dịp này, 20 dự án phim độc lập đến từ 11 quốc gia cũng có cơ hội giới thiệu với các nhà đầu tư.

Phim Việt hoặc quá thương mại hoặc quá nghệ thuật?

Khi được hỏi về sự vắng mặt của VN tại LHP quốc tế Tokyo, một trong những LHP quan trọng với điện ảnh châu Á, ông Ishizaka - người phụ trách việc tuyển chọn phim cho chuyên mục Làn gió châu Á của LHP quốc tế Tokyo - đã “à” lên rồi cười khà khà.

“Tôi nghĩ làn sóng kế tiếp sẽ là VN - ông Ishizaka kỳ vọng - Một trong những lý do phim VN vắng mặt ở TIFF là chúng tôi không nhận được nhiều phim gửi đến từ nước các bạn. Tôi rất muốn quảng bá TIFF đến các nhà làm phim VN. Ở Nhật Bản có nhiều LHP khác cũng rất hứng thú với điện ảnh VN. Một trong số đó là LHP Fukuoka, giới thiệu phim VN mỗi năm vào tháng 9 (năm nay LHP Fukuoka không trình chiếu bộ phim VN nào - PV). Chúng tôi tổ chức vào tháng 10, và tôi không thích phải cạnh tranh với Fukuoka vì họ có mối quan hệ chặt chẽ với giới làm phim VN. Với tư cách cá nhân một người làm chương trình, tôi nhận thấy điện ảnh VN hoặc quá thương mại, hoặc quá nghệ thuật. Có một khoảng cách lớn giữa nghệ thuật và thương mại. Tôi mong trong thời gian tới sẽ có những phim thỏa hiệp hơn để có cả hai yếu tố này”.

Theo Phan Xi Nê / Tuổi Trẻ 
(từ Roppongi, Tokyo)

>> Trung Quốc rút khỏi liên hoan phim ở Nhật
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1
>> Tranh giải khu vực Liên hoan phim trực tuyến YxineFF
>> Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2: Kỳ vọng thay đổi
>> Liên hoan phim Anh, Đức
>> Liên hoan phim Toronto 2012 đậm màu sắc chính trị
>> Liên hoan phim Đức tại VN lần 3
>> Liên hoan phim Anh tại Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.