23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi

13/10/2012 08:34 GMT+7

Cuộc thi viết tự truyện Sự hối hận và niềm tin hướng thiện do Tổng cục 8, Bộ Công an tổ chức ở hàng chục trại giam cả nước đã gây tiếng vang và có kết quả tốt. Đáng chú ý sau khi viết tự truyện, có một tù nhân đã hào hứng chuyển sang viết sử thi tới gần ngàn trang.

Nghe tin có trường hợp phạm nhân sau khi viết tự truyện đã chuyển sang viết tiểu thuyết sử thi và vừa gửi bản thảo cho nhà văn Đặng Vương Hưng, ngày 11.10, tôi đến gặp ông ngay để tìm hiểu chuyện này.

Ông Hưng xác nhận đúng là có việc đó và đang biên tập cuốn tiểu thuyết này. Trước mặt tôi là 2 phần của cuốn sách dày tới gần ngàn trang của phạm nhân Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm 1962, trú quán ở Chộc Vằng, Lộc Bình, Lạng Sơn đang thụ án tù chung thân ở trại giam Nam Hà vì tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Ông Hưng cho biết, sau khi cuộc thi tù nhân viết tự truyện khép lại, nhiều bản thảo từ các trại giam vẫn tiếp tục gửi về ban tổ chức, phạm nhân Nguyên đã gửi tác phẩm Khởi nguồn về dự thi nhưng do hết hạn thời gian nhận truyện nên bản thảo này phải gác lại. Khi đó, người nhà của anh Nguyên có tới gặp nhà văn Đặng Vương Hưng và băn khoăn hỏi rằng: Nguyên đang viết tiểu thuyết ở trong trại, liệu có được không? Ông Hưng trả lời là có điều kiện thì cứ viết. Ít tháng sau, vợ Nguyên mừng rỡ đưa cho nhà văn phần 1 cuốn tiểu thuyết Núi mẹ với hơn 300 trang viết tay của chồng mình.

Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
Nhà văn Đặng Vương Hưng đang biên tập cuốn tiểu thuyết Núi mẹ - Ảnh: Việt Chiến

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hưng cho biết, Núi mẹ là cuốn tiểu thuyết sử thi về vùng núi Mẫu Sơn nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gắn liền với nhiều cuộc đời và số phận của người dân ở vùng biên cương phía bắc đất nước. Cuốn tiểu thuyết này thấm đẫm tình yêu con người và miền đất xứ Lạng với cảm hứng sử thi dựng lại cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và hào hùng của quân dân vùng biên ải. Vậy là cuộc thi viết tự truyện của phạm nhân đã đánh thức cảm hứng sáng tạo văn chương của một số người, đặc biệt là anh Nguyên.

Điều khá thú vị, khi được hỏi Nguyên nằm miết trong tù thì làm sao lấy được tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết sử thi này, vợ anh ta cho biết, mỗi lần lên thăm nuôi chồng, Nguyên đều dặn vợ về quê thu thập hộ tư liệu và đến hỏi chuyện những người già ở vùng núi Mẫu Sơn và địa bàn xung quanh để sưu tầm những chuyện cũ trong thời kháng chiến chống Pháp, giúp Nguyên có tư liệu viết tiểu thuyết.

Khi nhận bản thảo cuốn tiểu thuyết sử thi của Nguyên, ông Hưng hỏi vợ anh ta: “Sao dày thế này?”. Cô ta bảo đấy mới chỉ là non nửa cuốn truyện. Nguyên viết khá nhanh vì cốt truyện đã được sắp xếp sẵn trong đầu. Chỉ 3 tháng sau, Nguyên đưa vợ gửi phần 2 tiểu thuyết Núi mẹ về cho nhà văn. Tổng cộng cả 2 phần là ngót ngàn trang giấy viết tay. Ngạc nhiên về sức viết của Nguyên, ông Hưng nhận đọc và biên tập cuốn sách này. 

Đeo đuổi giấc mộng văn chương

Sau khi đọc xong phần 1 tiểu thuyết sử thi Núi mẹ, ông Hưng có nhận xét khá tốt về tác giả Nguyên và đã photocopy phần đầu gửi lên Cục Trại giam, Tổng cục 8 để báo cáo. Lãnh đạo Cục đề nghị thời gian tới sẽ cùng ông Hưng đến gặp phạm nhân Nguyên ở trại Nam Hà để xác minh và động viên. Nhận xét về cuốn tiểu thuyết sử thi này, nhà văn Đặng Vương Hưng đánh giá cao tác giả ở bút pháp thể hiện và diễn đạt. “Khoan hãy nói về chất lượng văn học, đầu tiên hãy nói về việc một người trong thời gian thi hành án vì vi phạm pháp luật vẫn muốn đóng góp cho xã hội một điều gì đó như phạm nhân đặc biệt này là nét đẹp đáng khích lệ. Nguyên đã ở tù được 14 năm và giấc mộng văn chương đang cứu rỗi cuộc đời anh. Có thể nói cuốn tiểu thuyết này tràn đầy tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của người dân vùng núi Mẫu Sơn, và Nguyên đã xây dựng khá sắc nét một số nhân vật điển hình phản diện, chính diện có số phận đặc biệt”.

Dưới đây là một trích đoạn tiểu thuyết Núi mẹ viết về cuộc càn quét của giặc Pháp lên núi diệt Việt Minh cách đây 70 năm: “…Ngay từ đầu chiều, những toán lính Pháp của tiểu đoàn lê dương từ tỉnh lỵ đã được điều đến vùng đất tổng Sơn Đông để chuẩn bị cho cuộc tấn công lên sơn trại. Những chiếc xe nhà binh GMC chở đầy lính được trang bị vũ khí xếp thành đoàn dài dọc theo con đường 4b. Chỉ huy cuộc tập kích sơn trại lần này ngoài tiểu đoàn lê dương do viên quan tư Pháp chỉ huy, còn có sự hỗ trợ của lính Pháp từ đồn Hin đeng, cũng như sự tham gia của bọn lính khố đỏ cùng các tên lính dõng trong châu đoàn. Mọi ngả đường dẫn lên sơn trại và các làng mán trên Núi Mẹ đều đã bị quân lính chốt chặt, không cho ai qua lại. Những tên lính Pháp cao lớn, cùng bọn lính khố đỏ, lính dõng trong châu tên nào cũng lăm lăm súng trong tay, mắt gườm nhìn mọi người như sẵn sàng bắn bất cứ ai dám chống lại. Người dân ở các bản làng dưới chân Núi Mẹ đều bị cấm qua lại, không được vào núi. Ở dinh cha con chánh tổng họ Lý cũng đang rộn lên không khí khẩn trương cho sự tham gia vào cuộc càn quét sơn trại. Khi màn đêm vẫn buông trùm dãy đại ngàn, cùng các bản nhỏ dưới chân núi. Trời cuối thu, những đám mây mù dày đặc được gió núi thốc lên tràn theo các hẻm núi mang hơi lạnh tạt vào mặt những con người đang lặng lẽ tiến theo các ngả đường mòn hướng về sơn trại. Đó chính là những tên lính trong tiểu đoàn lê dương và đồn Pháp Hin đeng, được sự hướng dẫn của lính dõng châu đoàn và các tên lính của chánh tổng họ Lý, đã lợi dụng trời tối và sương mù để triển khai bao vây hòng tấn công sơn trại một cách bất ngờ, theo kế hoạch đã vạch ra giữa quan Pháp và quan châu. Nhưng có một điều mà người Pháp và cha con họ Lý không thể ngờ tới. Chính ngay trong đêm đó, giữa lúc những tên lính viễn chinh to lớn cùng bọn lính dõng đang di chuyển bao vây sơn trại thì cũng có những đôi mắt của những toán người mặc đồ chàm với vũ khí thô sơ cũng đã bám sát chúng. Không gian vẫn tĩnh mịch, bóng tối đã che phủ điều bí mật của cả hai bên…”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng người viết tỏ ra khá am hiểu về địa dư lịch sử và văn hóa của vùng đất này, và có khả năng diễn đạt tốt, sau này khi Nguyên được giảm án trở về hòa nhập xã hội, anh có thể công bố tiểu thuyết này. Mặc dù trước khi vào tù, Nguyên chưa hề viết văn, nhưng đến nay sau 14 năm tù, Nguyên nói với vợ: “Nếu ngày nào không viết thì anh không chịu nổi”. (Còn tiếp)

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.