Các giải pháp phần mềm phù hợp với DNVVN

08/08/2012 15:55 GMT+7

Thanh Niên Online tiếp tục phối hợp với Intel trả lời hai câu hỏi về việc ứng dụng CNTT trong quản lý doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư cho DNVVN.

Thanh Niên Online tiếp tục phối hợp với Intel trả lời hai câu hỏi về việc ứng dụng CNTT trong quản lý doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

1. Thanh Niên Online có thể giới thiệu giúp các giải pháp phần mềm nào phù hợp với mô hình DNVVN? (Nhiên Ngọc - Đà Nẵng)

Việc xác định lộ trình ứng dụng CNTT là việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm. Lộ trình đó sẽ bao gồm việc trang bị các giải pháp cho các bộ phận phù hợp đúng vào thời điểm thích hợp nhất. Xét riêng về mặt giải pháp, thì doanh nghiệp cũng đã phải “đau đầu” và băn khoăn liệu giải pháp nào là cần thiết và hữu ích cho mình, chưa kể đến mỗi loại hình doanh nghiệp với ngành nghề khác nhau chắc chắn sẽ cần những giải pháp CNTT đặc thù cho riêng đối tượng đó.

Đầu tiên, và cũng là cơ bản nhất đối với tất cả loại hình doanh nghiệp chính là việc xây dựng website và hệ thống email. Dù là doanh nghiệp có quy mô như thế nào hay hoạt động trong ngành nghề nào thì cũng cần quảng bá thông tin giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu tính năng và lợi ích sản phẩm,… tất cả các thông tin đó sẽ được thể hiện qua website. Còn hệ thống email chính là một phần trong bộ nhận dạng thương hiệu của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có hệ thống email riêng thường được khách hàng đánh giá là chuyên nghiệp hơn so với các doanh nghiệp chỉ sử dụng các công cụ email miễn phí.

giải pháp phần mềm

Một trong các ứng dụng thiết yếu khác là phần mềm quản lý kế toán tài chính, đây là giải pháp giúp cho doanh nghiệp trong việc quản lý thu chi, các nguồn tiền, tài sản cố định, các sổ sách tổng hợp... Các nhà cung cấp giải pháp phần mềm kế toán cũng khá đa dạng trên thị trường, đơn cử vài trường hợp như: Lạc Việt với giải pháp AccNet2009, Misa với gói giải pháp SME2012, Fast với phần mềm Fast,…

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến việc trang bị giải pháp phần mềm chuyên quản lý nguồn nhân lực (thường gọi là phần mềm quản lý nhân sự, HRM). Về tổng quan, phần mềm HRM giúp cho doanh nghiệp quản lý hồ sơ thông tin của người lao động từ lúc họ là ứng viên đến phỏng vấn cho đến khi trở thành nhân viên chính thức của công ty, hỗ trợ tính lương, bảo hiểm và các khoản thu nhập khác của nhân viên, và ngoài ra còn hỗ trợ theo dõi các hoạt động diễn ra trong quá trình nhân viên công tác tại doanh nghiệp như điều chuyển công tác, tham gia đào tạo,…

Đối với các doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ thì nên xem xét giải pháp quản lý mối quan hệ với khách hàng (thường gọi là phần mềm CRM). Với giải pháp CRM, doanh nghiệp có thể quản lý chặt chẽ thông tin khách hàng của mình từ lúc còn là khách hàng tiềm năng đến khi ký kết hợp đồng hợp tác, quản lý lịch sử làm việc của đội ngũ kinh doanh qua thời gian... từ đó giúp ban quản lý có cái nhìn toàn diện về thị trường, về sản phẩm mình cung cấp và có các chiến lược kinh doanh, marketing phù hợp.

Bên cạnh các giải pháp chuyên biệt cho từng bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp như đã nêu trên, thì các doanh nghiệp hẳn cũng không xa lạ mấy với khái niệm về giải pháp phần mềm quản lý tổng thể doanh nghiệp (thường gọi tắt là ERP - Enterprise Resources Planning). Có thể hiểu ngắn gọn đây là một giải pháp đáp ứng hầu hết tất cả các nhu cầu của các bộ phận trong doanh nghiệp, từ kế toán tài chính, kinh doanh bán hàng, quản lý kho bãi, quản lý nhân sự, quản lý sản xuất,… Ưu thế của mô hình này chính ở chỗ doanh nghiệp chỉ cần sử dụng duy nhất một giải pháp để quản lý tất cả hoạt động của doanh nghiệp mình, dữ liệu được tận dụng lại giữa các bộ phận, tránh chồng chéo lẫn nhau, và nhờ đó ban lãnh đạo luôn có được thông tin kịp thời nhất tại hầu hết mọi thời điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề chi phí khi xem xét giải pháp tổng thể này.

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực ngành nghề đặc thù thường cần một số giải pháp phần mềm chuyên dụng để quản lý, như giải pháp quản lý nhà hàng khách sạn, quản lý tiến độ dự án xây dựng, quản lý bất động sản…

Nhìn chung, với vô số lựa chọn đa dạng trước mắt, DNVVN cần phải xác định được đúng lộ trình, đúng nhu cầu của mình để hướng đến việc chọn lựa được con đường tin học hóa đúng đắn cùng với các giải pháp phù hợp.

2. Gần đây tôi được giới thiệu rất nhiều về VPS (Máy chủ server ảo) nhưng chưa hiểu rõ các ích lợi và sự khác biệt của nó. Cho hỏi VPS có thể ứng dụng như thế nào trong việc tạo các website thương mại, bán hàng trực tuyến? (Nguyễn Thị Ngọc Tâm - TP.HCM)

Máy chủ ảo (Virtual Private Server - VPS) là phương pháp phân chia một server vật lý thành nhiều server riêng. Mỗi server là một hệ thống hoàn toàn riêng biệt, chạy hệ điều hành riêng có toàn quyền quản lý và khởi động lại hệ thống.

+ Ưu điểm nổi bật là rẻ tiền và dễ dàng quản trị.

+ Khác nhau chỉ là về vật lý.

Khi máy chủ ảo hoạt động thì mọi vấn đề đều giống một máy chủ bình thường nên tất cả các ứng dụng chạy trên máy chủ điều giống nhau, kể cả vấn đề bảo mật. Nên vấn đề hosting về website hay bán hàng trực tuyến trên website đều giống nhau khi thực hiện hosting bình thường.

Thùy Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.